Đầu năm Nhâm Dần 2022, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ trả lời VnExpress về ý nghĩa của hình tượng hổ trong văn hóa Việt Nam.
- Hổ trong văn hóa Việt Nam từ xa xưa mang ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Trong tâm thức văn hóa dân gian Việt Nam, các loài vật sống trong tự nhiên hoặc đã được thuần hóa đều tồn tại dưới dạng biểu tượng. Hình ảnh con hổ trước hết mang ý nghĩa là biểu tượng được tôn sùng. Từ xa xưa, mỗi khi nhắc đến hổ, người ta sẽ có ngay cảm giác về sự sùng kính và tính thiêng liêng. Vì vậy, hổ được gọi là chúa sơn lâm, biểu tượng sức mạnh rừng xanh.
Trong không gian rừng xanh, hổ là con vật mạnh mẽ, vũ dũng nhất và cũng nguy hiểm nhất. Hổ được gọi là chúa chứ không phải là vua, bởi chỉ cai quản một địa hạt là rừng núi trập trùng, âm u, huyền bí.
Với những đặc tính ấy, hổ còn tượng trưng cho sức mạnh của các thủ lĩnh, các vị tướng thời xưa. Ở phương Đông, trong chiến trận ngày xưa, 5 vị trí quân gồm tiền, hậu, tả, hữu, trung tâm, thường được gọi là ngũ hổ. Những vị thủ lĩnh mạnh mẽ, quyết đoán được tôn xưng là hổ, hùm. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, người anh hùng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế là Hoàng Hoa Thám còn được dân gian gọi là hùm thiêng Yên Thế để tỏ lòng tôn kính.
Nếu nhìn từ khía cạnh sức mạnh, hổ thuộc về họ võ. Vậy nên, trên xiêm của các quan văn thường thêu con phượng (cũng được gọi là cò), còn quan võ thêu hổ phù hay còn gọi là "văn cò, võ cọp".
- Vì sao hổ còn được gọi là "ông ba mươi"?
- Ở khía cạnh tiếp theo, hổ là con vật được kính trọng, nên dân gian cũng gọi là ông hổ, ông cọp, ông hùm. Ta thường gặp cách gọi ông thần, ông thánh, ông trời, ông công, ông táo... đều thể hiện sự kính trọng. Ông hổ thể hiện sự tôn sưng vì sự mạnh mẽ.
Ngoài những tên gọi nêu trên, hổ còn được gọi với cái tên đầy bí ẩn là "ông ba mươi".
Truyện Mộc tinh trong Lĩnh Nam chích quái kể rằng, thời nước Văn Lang gọi mộc tinh, thần cây cối là "xương cuồng" tức một loài cây trải qua hằng mấy nghìn năm khô héo mà biến thành yêu tinh, thường thay đổi hình dạng, rất dũng mạnh, có thể giết người, hại vật, biến hóa khôn lường, ăn thịt người.
Vì vậy, dân phải lập đền thờ, hằng năm đến ngày 30 Tết phải mang người tới cống nộp mới được yên ổn. Mộc tinh trong hình ảnh cọp là tai họa của rừng núi.
Ở vùng rừng hoặc chân núi nhiều nơi thường có miếu thờ ông ba mươi. Cứ vào đêm ba mươi, người ta lại thắp hương khấn ông hổ, mong ông không làm hại dân.
Ngoài ra, tên gọi ông ba mươi còn gắn với tập tính săn mồi ban đêm của hổ. Hổ có thể săn cả ngày và đêm nhưng săn đêm rất giỏi. Người ta truyền tai nhau rằng, hổ có đôi mắt tinh gấp 6 lần mắt người và đôi tai thính như tai chó. Vì vậy, trong đêm tối nó vẫn nhìn thấy và xác định chính xác vị trí con mồi.
Hơn nữa, hổ thường gắn với sự âm u, huyền bí và đêm tối. Trong một tháng thì đêm cuối tháng là tối nhất, trong một năm thì đêm cuối năm là tối nhất (đêm 30).
Sau này một số truyện cổ đã sáng tạo thêm về ông ba mươi. Thời nhà Nguyễn, người ta kể rằng nếu ai săn được hổ thì nhà vua sẽ thưởng 30 quan tiền vì đã trừ hại cho dân. Nhưng người đó cũng bị phạt 30 hèo vì đụng đến tính thiêng liêng của hổ.
- Dù là loài vật có sức mạnh bí ẩn, nhưng từ xưa người dân ở nhiều nơi đã có tục săn hổ. Nguồn gốc của tục này ra sao?
- Hổ là chúa tể rừng xanh, được coi là loài vật chuyên săn mồi. Tuy nhiên, vì nó chỉ là loài vật, nên nó vẫn không thoát khỏi trí thông minh và sức mạnh của con người. Tục săn hổ đã có từ xa xưa, ở nhiều nơi. Thời phong kiến, nhiều phường săn hổ được lập ra.
Từ thời nhà Đinh, Lê, người ta đã bắt hổ về nhốt vào chuồng, dùng để trị tội kẻ tử tù và cảnh báo nghịch tặc khác.
Trên đồ đồng thuộc văn hóa Đông Sơn như cán dao, trống đồng, thạp... vẫn còn nhiều hình ảnh nói về tục săn hổ. Con hổ thường đang giơ hai chân trước, đối diện là chiến binh đang cầm nỏ. Sau lưng chiến binh là bầy chó sẵn sàng.
Tấm bia Đại Việt quốc lý gia đệ tứ sùng thiên thiên linh tháp bi, tạc năm 1121 đời Lý Nhân Tông, ở chùa Đọi Sơn (Hà Nam), có đoạn nói rất rõ về săn hổ. Vào rằm trung thu, Lý Nhân Tông mở pháp hội lớn ở sông Hồng vào buổi sáng. Buổi chiều, trên đường về cung, vua sai đắp đài cao để đứng xem cảnh săn hổ. Quân lính, dũng sĩ, chiến binh cùng tham gia cuộc săn. Hổ gầm thét đến chim chóc náo loạn và lao ầm ầm xuống núi. Có ý kiến cho rằng đây chỉ là cảnh múa rối về việc săn hổ, nhưng chúng tôi cho rằng đây là cuộc săn hổ thật. Vì tục săn hổ khá phổ biến thời phong kiến.
Đến thời nhà Nguyễn, triều đình vẫn mời các phường săn hổ nổi tiếng vào kinh, lập bãi đất rộng, dựng hàng ráo kín, rồi thả hổ vào để quây bắt.
Cũng vì săn hổ thể hiện sức mạnh và lòng dũng cảm của con người, nên truyền thuyết kể rằng Phùng Hưng ở Đường Lâm đã đánh được hổ, sau trở thành thủ lĩnh phất cờ khởi nghĩa chống lại quân Đường.
- Trong văn hóa dân gian, năm con hổ thường được kỳ vọng về điều gì?
- Vì hổ là biểu tượng cho sức mạnh, vũ dũng nên người ta thường đắp tượng hổ để trấn giữ những nơi thiêng liêng. Nhiều đình, đền, miếu đều đắp hổ để trấn giữ. Hổ còn đi vào cả nhiều loại hình nghệ thuật như kiến trúc, điêu khắc, hội họa. Hình ảnh ngũ hổ thời xưa, khi đi vào tác phẩm nghệ thuật có thể biến thành bầy hổ con và mẹ rất ấm cúng, sum vầy.
Ở Malaysia còn có truyền thuyết những thầy lang biến thành hổ để chữa bệnh cho con người.
Đến thời hiện đại, khi khoa học phát triển đã cho chúng ta những nghiên cứu cụ thể về loài hổ, để hiểu rõ hơn về chúng. Vậy nên, hình ảnh con hổ không còn đáng sợ như trước đây, mà trở nên gần gũi với con người hơn.
Vào những năm con hổ, dân gian thường có tục thờ phụng ông hổ để mong giữ gìn cuộc sống yên ổn, bình an. Đầu năm, chúng ta thường chúc nhau "an khang, thịnh vượng" (yên ổn, khỏe mạnh, phát triển, giàu có). Như vậy, chữ an luôn được đặt lên đầu, bởi có yên ổn mới có thể làm được những việc khác.
Năm mới Nhâm Dần 2022, tôi kỳ vọng người dân Việt Nam sẽ sớm đạt được chữ an - tức sự ổn định, sau hai năm cả nước phải gồng mình chống đại dịch Covid-19.