Nền kinh tế toàn cầu ngày càng hội nhập, thể hiện bằng các hiệp định thương mại và đầu tư song phương, đa phương, trong đó có những điều khoản về đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản theo nguyên tắc có đi có lại. Các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Australia luôn có những chương trình hỗ trợ và khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào bất động sản trên quan điểm bao trùm là khai thác hiệu quả nhất các nguồn lực xã hội.
Tại Australia, tổ chức, cá nhân nước ngoài có thể mua bất động sản thương mại với mức thuế và quyền sở hữu như người bản địa, và có thể xin giấy phép mua nhà để ở hoặc cho thuê. Vào năm tài chính 2021-2022, người Việt Nam đã đầu tư 400 triệu AUD (tương đương 268 triệu USD) vào bất động sản nhà ở tại Australia, đứng sau Trung Quốc 2,4 tỷ AUD (1,6 tỷ USD) và Hong Kong 600 triệu AUD (400 triệu USD). Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 5 nước đầu tư lớn nhất vào thị trường bất động sản nhà ở tại Australia trong những năm gần đây, theo dữ liệu từ Cơ quan Quản lý đầu tư nước ngoài Australia (FIRB).
Các nhà đầu tư Việt Nam cũng nằm trong nhóm nước dẫn đầu về giá trị đầu tư vào bất động sản Mỹ, với trung bình ba tỷ USD mỗi năm. Mỹ có những chương trình đầu tư phát triển các dự án bất động sản mà tạo một số việc làm mới nhất định như một điều kiện được cấp thẻ xanh (ví dụ chương trình đầu tư EB-5), khuyến khích sự đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài và tạo việc làm cho nền kinh tế Mỹ.
Tại Việt Nam, vấn đề này cũng đang được quan tâm, thảo luận. Trong báo cáo gửi Quốc hội giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) ngày 16/6, Bộ Xây dựng cho rằng không cần thiết quy định người nước ngoài phải có quốc tịch Việt Nam mới được mua nhà, sở hữu nhà. Đây là quan điểm phù hợp với xu hướng quốc tế, nằm trong bối cảnh nền kinh tế đất nước tiếp tục phát triển nhanh và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho nguồn lực đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng tới mức giá bất động sản và nhu cầu trong nước, đặc biệt là nhóm đối tượng có thu nhập thấp, tôi đề xuất một số giải pháp sau.
Thứ nhất là tiếp tục tăng nguồn cung nhà ở. Trong những năm qua, nhiều dự án phát triển bất động sản bị ngưng trệ, chủ yếu do các rào cản về thủ tục hành chính và pháp lý. Do đó, khơi thông được nguồn cung một cách liên tục, đa dạng về mức giá, phân khúc và tiện ích sẽ là điều kiện quan trọng để hỗ trợ sự phát triển của thị trường bất động sản, một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.
Thứ hai, cần nghiên cứu sát nhu cầu nhà ở và đầu tư của người nước ngoài tại Việt Nam, cũng như nhu cầu trong nước, từ đó xây dựng các loại sản phẩm phù hợp. Khi cơ sở dữ liệu nhà ở quốc gia được hoàn thành, những hiểu biết về xu hướng đầu tư bất động sản của người nước ngoài tại Việt Nam sẽ là dữ kiện quan trọng để quản lý nhà nước hiệu quả, từ đó đề xuất chính sách phù hợp trong từng giai đoạn phát triển của thị trường.
Vấn đề thứ ba, là với nguồn lực vốn lớn và với mức giá tương đối rẻ tại Việt Nam so với thu nhập của người nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài có thể thâu tóm và đầu cơ thị trường bất động sản trong nước. Do đó, ngoài chính sách giới hạn tỷ lệ được sở hữu trong mỗi dự án, các chính sách nhằm chống đầu cơ cũng cần được tính đến, ví dụ đề xuất các loại thuế như thuế bỏ nhà trống để đảm bảo bất động sản đầu tư liên tục được khai thác, tạo thêm nguồn cung ra thị trường.
Việt Nam đang nổi lên là một nền kinh tế phát triển nhanh và năng động, được các tổ chức uy tín quốc tế đánh giá là điểm sáng ở khu vực châu Á, với độ mở cao cho dòng vốn nước ngoài và thương mại quốc tế. Theo dữ liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế đến ngày 20/3/2023, cả nước có 36.881 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 444 tỷ USD. Đặc biệt, trong những năm gần đây, có nhiều nhà đầu tư "đại bàng" như Intel, Apple và Samsung đã chọn Việt Nam là một trong những cứ điểm trọng tâm trong chiến lược kinh doanh toàn cầu.
Cùng với xu hướng mở rộng đầu tư tại Việt Nam, số người nước ngoài đang sinh sống và làm việc lâu dài tại Việt Nam tăng lên hàng năm. Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2005, số lượng lao động nước ngoài ở Việt Nam là 12.000 người, năm 2010 là 55.000, năm 2015 là 83.600 và năm 2019 là 117.800 người. Chỉ sau 15 năm, số lao động nước ngoài đã tăng gấp gần 10 lần.
Nhu cầu ngày càng tăng của người nước ngoài về đầu tư và sở hữu bất động sản tại Việt Nam rõ ràng là một tín hiệu tốt, thể hiện tiềm năng và sự năng động của nền kinh tế.
Hoàng Văn Phương