Thứ ba, 26/11/2024
Thứ bảy, 9/7/2022, 10:21 (GMT+7)

Người Nhật tiếc thương ông Abe

Người dân Nhật Bản đặt vòng hoa, bày tỏ niềm tiếc thương sau khi cựu thủ tướng Shinzo Abe bị ám sát ở tỉnh Nara.

Một người đàn ông ôm đầu trên đường phố thủ đô Tokyo khi màn hình TV thông báo về vụ ám sát cựu thủ tướng Shinzo Abe.

Ông Abe ngày 8/7 bị cựu quân nhân Yamagami Tetsuya dùng súng tự chế bắn từ phía sau khi đang phát biểu vận động bầu cử trên con phố tại thành phố Nara thuộc tỉnh cùng tên.

Ông được đưa lên trực thăng tới bệnh viện Bệnh viện Đại học Y Nara gần đó trong tình trạng chảy máu dữ dội, với hai vết thương trên cổ, một vết thương ở ngực. 20 bác sĩ đã tham gia cứu chữa cho ông Abe, nhưng không thành. Ông qua đời lúc 17h03 (15h03 giờ Hà Nội), hưởng thọ 67 tuổi.

Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Nara trước cuộc họp báo thông báo về sự ra đi của cựu thủ tướng Abe.

Các bác sĩ nhận định một mảnh đạn đã theo mạch máu làm thủng tim của ông Abe, khiến ông không thể qua khỏi dù đã được truyền 100 đơn vị máu.

Một cô gái tại thành phố Nara, tỉnh Nara, nơi ông Abe bị ám sát, lau nước mắt sau khi được tin ông qua đời.

Người qua đường nán lại trước màn hình hiển thị tin tức về sự ra đi của ông Abe ở thành phố Nagoya, tỉnh Aichi.

Nhiều người bày tỏ nỗi bàng hoàng, bởi Nhật duy trì luật kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt bậc nhất thế giới và số vụ nổ súng ở nước này vô cùng hiếm hoi. Đây là vụ ám sát đầu tiên nhằm vào một cựu thủ tướng ở Nhật Bản trong hàng chục năm qua.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida xúc động mạnh khi xác nhận sự ra đi của ông Abe trong cuộc họp báo tại Văn phòng Thủ tướng ở Tokyo.

Ông gọi vụ ám sát là "hành động ghê tởm". "Một hành động man rợ, độc ác và không thể dung thứ. Các cuộc bầu cử tự do và công bằng, gốc rễ của nền dân chủ, đang diễn ra và cần được bảo vệ bằng mọi giá. Nhật Bản sẽ không bị đánh bại bởi bạo lực".

Một người phụ nữ ôm mặt khóc trước nhà ga Yamato Saidaiji, Nara, nơi vụ ám sát xảy ra.

Các vụ bạo lực liên quan đến chính trị ở Nhật rất ít xảy ra. Lần cuối một cựu thủ tướng, hoặc thủ tướng đương nhiệm Nhật bị ám sát là cách đây gần 9 thập kỷ.

Nhiều người tới trước nhà ga ở Nara tối 8/7, đặt hoa, dựng một khu vực tưởng niệm tạm thời để bày tỏ nỗi tiếc thương với cựu thủ tướng.

Một người phụ nữ khóc nức nở tại khu vực tưởng niệm.

"Thực sự ngạc nhiên vì điều này chưa từng xảy ra ở Nhật. Quá bất ngờ, giờ Nhật Bản cũng không còn an toàn nữa", Ichikawa, nhân viên văn phòng tại Tokyo, nói. "Cho đến nay, các chính trị gia vẫn diễn thuyết ngoài đường và người dân tập trung xung quanh để lắng nghe. Việc người diễn thuyết bị bắn từng là điều không tưởng ở Nhật".

Khu tưởng niệm trước nhà ga ở Nara càng lúc càng nhiều hoa, nước uống và cả quốc kỳ Nhật Bản, khi nhiều người dân tiếp tục tới đây bày tỏ nỗi tiếc thương.

"Tôi xin nguyện cầu hương linh cựu thủ tướng an nghỉ, không phải ngẫu nhiên mà ông Abe là thủ tướng tại vị lâu nhất lịch sử đất nước, ông ấy rất được lòng dân", bà Ishiguro, người sinh sống và làm việc tại Tokyo, cho biết.

Ông Abe nhậm chức thủ tướng Nhật năm 2006, nhưng phải từ chức vào tháng 9/2007 vì bệnh viêm loét đại tràng mạn tính. Đến năm 2012, ông tiếp tục ra tranh cử và giành chiến thắng, trở thành thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản vào tháng 11/2019. Ông từ chức tháng 8/2020 vì bệnh cũ tái phát.

Một thanh niên cầu nguyện cho ông Abe tại khu vực tưởng niệm.

Trong hai nhiệm kỳ của mình, ông Abe đã nỗ lực thúc đẩy kinh tế Nhật phát triển sau thời gian dài trì trệ, đồng thời tăng cường ảnh hưởng của Nhật trên trường quốc tế và cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực.

Một nghệ sĩ hoàn thành những nét vẽ cuối cùng trong hai bức tranh tưởng nhớ cựu thủ tướng Abe trên đường phố Mumbai, Ấn Độ.

Thi hài ông Abe được xe tang đưa từ Bệnh viện Đại học Y Nara về Tokyo sáng nay. Chính phủ Nhật Bản chưa công bố thông tin chi tiết về tang lễ của ông.

Ảnh: AFP.