Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Nara hôm nay xác nhận cựu thủ tướng Shinzo Abe đã qua đời sau khi bị tay súng Yamagami Tetsuya ám sát bằng loại vũ khí tự chế. "Ông ấy được truyền rất nhiều máu, nhưng thật không may là chúng tôi không thể làm được gì hơn", bác sĩ cho hay.
Đây là vụ ám sát đầu tiên nhằm vào một cựu thủ tướng hoặc thủ tướng đương nhiệm của Nhật Bản kể từ thập niên 1930 tới nay.
"Tôi xin nguyện cầu hương linh cựu thủ tướng an nghỉ, không phải ngẫu nhiên mà ông Abe là thủ tướng tại vị lâu nhất lịch sử đất nước, ông ấy rất được lòng dân", bà Ishiguro, sinh sống và làm việc tại Tokyo, nói với VnExpress. "Thật đáng sợ khi chuyện như vậy xảy ra giữa mùa bầu cử".
Ông Abe nhậm chức thủ tướng Nhật năm 2006, nhưng phải từ chức vào tháng 9/2007 vì bệnh viêm loét đại tràng mạn tính. Đến năm 2012, ông tiếp tục ra tranh cử và giành chiến thắng, trở thành thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản vào tháng 11/2019. Ông từ chức tháng 8/2020 vì bệnh cũ tái phát.
"Đây là điều không được phép xảy ra. Thực sự tôi cảm thấy rất sốc. Nghi phạm nổ súng vào ông Abe từ sau lưng, thật quá hèn hạ", ông Hiromu, giảng viên tại thành phố Osaka, bày tỏ nỗi giận dữ.
Trong cuộc họp báo hôm nay, Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike cũng nghẹn ngào cho biết bà "sốc nặng" trước thông tin ông Abe bị ám sát. "Bất kể lý do gì, một hành động tàn ác như vậy là hoàn toàn không thể tha thứ, đó là sự sỉ nhục đối với nền dân chủ của Nhật Bản", bà nói.
Nhiều người dân Nhật Bản bày tỏ nỗi bàng hoàng, bởi Nhật duy trì luật kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt bậc nhất thế giới và số vụ nổ súng ở nước này vô cùng hiếm hoi.
Các vụ bạo lực liên quan đến chính trị ở Nhật rất ít xảy ra. Lần cuối một cựu thủ tướng, hoặc thủ tướng đương nhiệm Nhật bị ám sát là cách đây gần 9 thập kỷ.
"Thực sự ngạc nhiên vì điều này chưa từng xảy ra ở Nhật. Quá bất ngờ, giờ Nhật Bản cũng không còn an toàn nữa", Ichikawa, nhân viên văn phòng tại Tokyo, nói. "Cho đến nay, các chính trị gia vẫn diễn thuyết ngoài đường và người dân tập trung xung quanh để lắng nghe. Việc người diễn thuyết bị bắn từng là điều không tưởng ở Nhật".
Bà Kaneko cũng cho rằng vụ ám sát là điều "không thể tin được" ở Nhật. "Thật bất an, chính phủ cần thi hành chính sách kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt hơn nữa", bà nói. "Tôi lo sẽ có người bắt chước hành động như vậy. Trẻ em Nhật Bản cũng có thể bị ảnh hưởng về tinh thần".
Trên mạng xã hội Nhật Bản hôm nay cũng tràn ngập những bình luận thể hiện nỗi phẫn nộ với kẻ ám sát cũng như bày tỏ thương cảm với cựu thủ tướng Abe.
"Tôi không thể ngừng run rẩy", tài khoản Twitter Nonochi viết. "Đây là dấu chấm hết của một Nhật Bản yên bình. Có nhiều chính trị gia mà tôi không ưa, nhưng hành động ám sát là không thể tưởng tượng được".
Takahisa Shiraishi, 42 tuổi, quản lý cấp cao tại một công ty công nghệ trụ sở ở Tokyo, người từng cho rằng các chính sách dưới thời ông Abe khiến kinh tế Nhật Bản ngày càng trở nên ảm đạm, cũng bày tỏ phẫn nộ với vụ ám sát.
"Nhìn vào tình trạng chênh lệch giàu nghèo tại Nhật Bản và thảm kịch hôm nay, tình trạng bạo lực này có thể sẽ tiếp tục xảy ra, nhưng người dân chúng tôi sẽ tìm mọi cách để bảo vệ nền dân chủ", Shiraishi nói.
Đức Trung - Thái Anh