Sau này tôi nhận ra tiếng Anh mang lại nhiều cơ hội, tôi đã đầu tư học, trở thành giỏi nhất trong đám bạn.
Từ lúc nhận học bổng và có cuộc sống tốt (tốt hơn so với chính tôi nếu không có tiếng Anh), tôi luôn ủng hộ việc học tiếng Anh.
Có những người cho rằng chúng ta đang quá coi trọng tiếng Anh trong khi ngày nay đã có công cụ dịch, cũng như lý luận rằng Nhật, Trung Quốc kém tiếng Anh nhưng vẫn giàu có, hay người Philipines giỏi tiếng Anh mà vẫn nghèo. Tôi xin phản biện họ như sau:
Thứ nhất, tiếng Anh đúng là một công cụ nhưng nó không chỉ hỗ trợ lúc việc làm mà còn thực sự nâng cao chuyên môn, thứ mà mọi người cho là quan trọng nhất.
>> Lầm tưởng của nhiều người cuồng IELTS
Có rất nhiều ngành học từ khoa học cơ bản đến khoa học, xã hội có nhiều tài liệu bằng tiếng Anh mà sách tiếng Việt hoặc là không đủ hoặc là dịch không hay.
Ngành của tôi, sách đều dịch từ những cuốn đã xuất bản vài năm rồi, hoặc dịch một cách khô cứng, đọc là thấy ngang phè, không hứng thú. Từ lúc đi du học và dùng sách tiếng Anh mới, cập nhật, hiểu được vài câu hài hước trong sách gốc (tuy không nhiều) khiến việc học tập thú vị hơn nhiều.
Thời gian đi du học hai năm tôi học được nhiều hơn gấp bội so với bốn năm đại học ở Việt Nam.
Thứ hai, học một ngoại ngữ là học một cách tư duy. Tôi đã từng học tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Hà Lan, tiếng Pháp và có tìm hiểu tiếng Nhật và tiếng Hindi. Cách hành văn, đánh vần, dùng đại từ nhân xưng, ngữ pháp... thể hiện tư duy của người dân nói thứ tiếng đó.
Ví dụ, tiếng Đức và Hà Lan phát âm tất cả các ký tự của một từ, ví dụ từ "markt" phải nghe đủ cả ba phụ âm r, k, t (rất khó) nhưng khi đã thạo thì cứ nghe được là đánh vần được, không thể nhầm.
Ngữ pháp của hai ngôn ngữ này cũng cực kỳ chặt chẽ, mỗi loại từ phải đặt đúng vị trí trong câu đó. Đặc biệt trong câu ghép chính phụ, động từ chuyển xuống cuối ở vế phụ, động từ của vế chính chuyển lên trước chủ ngữ nếu vế chính ở sau vế phụ, bởi quy định động từ chính luôn ở vị trí thứ hai trong câu. Điều này thể hiện sự chính xác và nguyên tắc của người Đức và người Hà Lan.
Trong khi đó, tiếng Anh vốn chung gốc với tiếng Đức và Hà Lan đã lược bỏ nhiều nguyên âm, phụ âm và luật ngữ pháp để dễ dàng phát âm hơn và dễ tạo câu hơn. Đó là lý do tiếng Anh là thứ tiếng của business, dễ học, uyển chuyển, sẵn sàng đổi mới, và hệ ngữ pháp vẫn đủ chặt chẽ, bỏ qua việc phân chia giống đực, cái như tiếng Pháp và tiếng Đức.
Điều này thể hiện tư duy của người Anh, Mỹ lấy hiệu quả làm trọng, giảm bớt phân biệt đẳng cấp, giới tính. Việc chỉ có đại từ nhân xưng "I" và "you" cho ngôi thứ nhất và thứ hai cho thấy sự bình đẳng trong xã hội, già trẻ, giàu nghèo như nhau.
Ngay cả tiếng Đức và tiếng Hà Lan cũng vẫn có hai dạng đại từ nhân xưng cho ngôi thứ hai (trang trọng hoặc không trang trọng). Còn tiếng Nhật cũng có hơn một cách nói cho ngôi thứ nhất tùy hoàn cảnh khác nhau.
Tiếng Việt và tiếng Hindi thì vô số đại từ nhân xưng, phân cấp nam, nữ, tuổi, địa vị, nội ngoại, dâu rể đủ cả... thể hiện tư duy phân tầng trong xã hội, phân biệt nam nữ, đề cao tôn ti, trật tự nhưng phức tạp.
Trong khi đó động từ lại không chia thì (thời), số ít, số nhiều... một cách nghiêm ngặt, thể hiện sự đại khái, xuề xòa. Cho nên việc học tiếng Anh để tư duy logic, business hiệu quả của người Anh/Mỹ là cần thiết.
Thứ ba, các công cụ dịch trực tuyến không thể bằng tự mình sử dụng được ngôn ngữ mới. Ví dụ, tôi đang sống ở nước không nói tiếng Anh, tuy công việc sử dụng tiếng Anh, người bản xứ cũng biết tiếng Anh nhưng tôi vẫn phải học tiếng của họ.
Google dịch có thể giúp tôi dịch email, website, hoặc ra yêu cầu với lái xe taxi, nhưng không kịp giúp tôi nghe điện thoại, nghe thông báo ở nhà ga, siêu thị. Đúng là Google dịch và cả AI đang dần thay thế nghề dịch truyền thống, nhưng các bạn cứ thử copy paste sách chuyên ngành lên xem, nó có dịch đúng không.
Mỗi lần tôi dịch tài liệu chuyên ngành đều phải rà soát lại gần hết để bảo đảm chuyển ngữ sang văn phong cho người Việt. Đặc biệt từ chuyên ngành và những thông tin chuyên ngành sâu thì Google Translate hay AI chưa làm nổi.
Thứ tư, việc học ngoại ngữ vẫn đang được khuyến khích ở mọi nơi trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam. Khi có dịp đi các nước trên thế giới, tôi được chứng kiến người dân yêu thích học ngoại ngữ như thế nào.
Có lớp tôi học, bạn học viên là sinh viên trao đổi ba tháng, nhưng vẫn theo một lớp học tiếng bản xứ hai tháng. Có người lao công đã có việc làm ổn định, công việc không yêu cầu, vẫn cố gắng đến lớp mỗi tối.
Có người gần 60 tuổi, khi đi công tác hai năm, vẫn đến lớp hơn một năm để học thêm thứ tiếng mới. Giờ ăn trưa ở công ty tôi, thứ ba nói tiếng Pháp, thứ năm nói tiếng Tây Ban Nha, để cùng ăn và cùng học.
Nơi tôi sống, học phí ngoại ngữ vô cùng rẻ. Công ty còn cho nhân viên 4 tiếng mỗi tuần (có trả lương) để học ngoại ngữ nếu làm đơn xin học. Cho nên không phải Việt Nam sính ngoại hay sính tiếng Anh, ở đâu cũng học ngoại ngữ cả.
Thứ năm, không nên so sánh với Nhật, Trung hay Philipine. Sự giàu có của một đất nước do nhiều yếu tố quyết định. Ví dụ đơn giản, người Nhật có văn hóa làm việc đến kiệt sức, chăm chỉ và muốn đạt sự hoàn hảo. Người Trung Quốc có dân số đông, họ đi khắp thế giới và nổi tiếng ở sự tương trợ nhau, luôn tạo ra một cộng đồng rất mạnh.
Người Mỹ giàu lên nhờ hưởng lợi sau hai thế chiến và chính sách đãi ngộ nhân tài. Đất nước ta chưa có những ưu điểm này thì đừng nghĩ mình cũng không cần giỏi tiếng Anh vẫn có thể giàu như Nhật, Trung.
Người Ấn cũng giỏi tiếng Anh, họ chưa giàu nhưng họ có những CEO giỏi nhất thế giới ở Mỹ, ở Ấn cũng có những trường ĐH hàng đầu thế giới, chỉ là đất nước quá đông, chia bình quân thu nhập thì thấp.
Người Philipines giỏi tiếng Anh mà vẫn chưa giàu thì ắt hẳn có nguyên nhân chính trị xã hội khác. Nên chúng ta không so sánh với nước khác như vậy.
Thứ sáu, nhiều người cho rằng cứ giàu như Nhật, Trung đi, người nước ngoài sẽ đến Việt Nam làm và sẽ phải học tiếng Việt. Đợi đến ngày đó thì còn rất xa. Mà tôi nghĩ Nhật, Trung cũng từng phải đi học tiếng Anh để sang Anh/Mỹ học cái hay về để phát triển nước họ.
Người Việt mình chưa trải qua giai đoạn đó thì lấy gì ra để giàu bằng họ. Còn việc có nhiều người nước ngoài đang ở Việt Nam và học tiếng Việt, có khi không phải là họ phải học vì muốn làm việc với ta đâu, mà phần nhiều là do văn hóa yêu ngoại ngữ và học ngoại ngữ của người nước ngoài (người phương Tây) như tôi đã đề cập ở mục bốn.
Cuối cùng, thế hệ 8x, 7x, 6x, những người đã từng coi thường tiếng Anh, tôi tin là những người này nếu có tiếng Anh, cuộc đời họ có thể đã tốt đẹp hơn chính họ hôm nay rất nhiều đấy.
Thay vì coi thường tiếng Anh nói riêng, hay hạ thấp việc học ngoại ngữ nói chung, hãy động viên con trẻ nỗ lực để đưa những cái tên Việt Nam ra thế giới, trước khi nghĩ đến phổ cập tiếng Việt ra thế giới.
Sống Vui Khỏe