Sau trận động đất mạnh 7,1 độ rung chuyển vùng tây nam Nhật Bản chiều 8/8 khiến 14 người bị thương, giới chức Nhật nhanh chóng vào cuộc. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) phát cảnh báo đáng lo ngại về nguy cơ siêu động đất "cao hơn bình thường" có thể sắp xảy ra.
Chính phủ Nhật từng ước tính có 70-80% khả năng xảy ra siêu động đất mạnh 8-9 độ dọc rãnh Nankai trong vòng 30 năm tới, có thể làm rung chuyển khu vực rộng lớn từ Kanto đến Kyushu, gây sóng thần nhấn chìm các vùng ven biển Kanto đến Okinawa. JMA cho biết xác suất xảy ra siêu động đất hiện "tăng vài lần" sau trận địa chấn hôm 8/8.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử JMA phát cảnh báo này. Trong khuyến cáo về siêu động đất, JMA nói nguy cơ rung lắc mạnh và sóng thần có thể xảy ra xung quanh rãnh Nankai, rãnh ngầm chạy dọc bờ biển Thái Bình Dương.
Rãnh Nankai là vùng hút chìm dài khoảng 700 km, nơi mảng Á-Âu va chạm với mảng biển Philippines, khiến nó trượt xuống dưới và chìm vào lớp phủ của Trái Đất. Vùng hút chìm thường tạo ra những trận động đất mạnh 8-9 độ.
Vành đai lửa Thái Bình Dương là nơi tập trung nhiều vùng hút chìm. Rãnh Nankai có nhiều đoạn, nhưng nếu chúng bị trượt cùng lúc có thể tạo ra trận động đất lên tới 9,1 độ, theo các nhà khoa học Nhật Bản.
Nếu trận động đất lớn xảy ra gần Nhật Bản, mảng biển Philippines sẽ chao đảo, tạo ra rung lắc dữ dội. Sự chuyển động theo hướng thẳng đứng của sóng biển sẽ gây ra sóng thần hướng về phía bờ biển Nhật Bản. Những con sóng đó có thể đạt chiều cao hơn 30 mét, theo ước tính của các nhà khoa học Nhật Bản năm 2020.
Người Nhật không xa lạ gì với những trận động đất nghiêm trọng, khi nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực có hoạt động địa chấn và núi lửa mạnh. Dù vậy, cảnh báo về "siêu động đất" của JMA đã gây ra nhiều bối rối và lo lắng ở nước này.
Hàng nghìn người Nhật đã quyết định hủy các chuyến du lịch và tích trữ nhu yếu phẩm, dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa tại một số siêu thị. Siêu thị Summit cho hay gạo nấu bằng lò vi sóng được săn lùng đến mức họ phải hạn chế mỗi khách hàng chỉ được mua một túi.
"Thật đáng sợ, họ nói nguy cơ siêu động đất là 70-80% trong 30 năm tới, nhưng nó có thể xảy ra ngay ngày mai", bà Yoneko Oshima cho biết tại một nhà ga tàu điện ngầm ở Tokyo.
Sau khi các trang thương mại điện tử và nhà bán lẻ cho hay nhu cầu mua sắm tăng vọt, Bộ Nông nghiệp và Thủy sản Nhật Bản ngày 10/8 kêu gọi người dân không "tích trữ hàng hóa quá mức".
Một số thị trấn duyên hải quyết định đóng cửa bãi biển và hủy các sự kiện thường niên, khiến du khách gặp rất nhiều khó khăn trong lịch trình.
Yoshiko Kudo và người chồng Shinya cho hay họ rất bối rối, không hiểu rõ cảnh báo về siêu động đất mà chính phủ phát ra là gì và họ nên làm gì tiếp theo. "Chúng tôi đang cố gắng không rời khỏi Nhật ra nước ngoài. Lo lắng quá cũng không tốt", bà Yoshiko Kudo nói.
"Chúng tôi không biết nên chuẩn bị như thế nào, nên quyết định cứ làm theo những gì các chuyên gia hướng dẫn", ông Shinya cho hay.
Theo Shoichi Yoshioka, giáo sư Đại học Kobe, Nhật Bản nằm trên ranh giới bốn mảng kiến tạo, khiến quốc gia này trở thành một trong những khu vực dễ hứng chịu động đất nhất trên thế giới.
"Khoảng 10% các trận động đất từ 6 độ trở lên trên thế giới xảy ra trong hoặc xung quanh Nhật Bản, nên rủi ro sẽ cao hơn nhiều những nơi như châu Âu hay miền đông nước Mỹ", Yoshioka nói.
Năm 2011, Nhật Bản hứng chịu trận động đất Tohoku mạnh 9,1 độ, gây sóng thần và thảm họa hạt nhân nghiêm trọng, khiến khoảng 20.000 người thiệt mạng.
Sau đó, nhiều người đã cảnh báo về những trận siêu động đất quanh rãnh Nankai với cường độ vượt 9 độ. Các nhà địa chấn học nói rằng nguy cơ này có thể xảy ra trong vòng vài thập kỷ. Chính phủ Nhật Bản đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra động đất ở quanh rãnh Nankai trong nhiều năm đến mức nó trở thành kiến thức phổ thông ở quốc gia này.
Tại rãnh Nankai, các trận động đất nghiêm trọng đã được ghi nhận sau mỗi chu kỳ 100-200 năm, theo JMA. Trận động đất gần nhất xảy ra ở khu vực này là vào năm 1944 và 1946, với cả hai đều mạnh 8,1 độ. Chúng đã tàn phá Nhật Bản, khiến ít nhất 2.500 người chết và hàng nghìn người bị thương, cũng như phá hủy hàng chục nghìn ngôi nhà.
Đây là căn cứ để JMA ra cảnh báo về "siêu động đất". Tuy nhiên, cảnh báo cũng gây nhiều tranh cãi.
Yoshioka cho rằng tỷ lệ 70-80% có thể là quá cao và các con số đưa ra dựa trên lý thuyết có thể bị sai. Tuy nhiên, ông không nghi ngờ về việc khu vực rãnh Nankai sẽ xảy ra trận động đất lớn trong tương lai.
"Tôi đã nói với các sinh viên của mình rằng trận động đất ở rãnh Nankai chắc chắn sẽ xảy ra, cho dù là ở thế hệ của các bạn hay con cháu của các bạn", ông nói.
Trong khi đó, Robert Geller, nhà địa chấn học kiêm giáo sư danh dự tại Đại học Tokyo, cho rằng ý tưởng về siêu động đất ở rãnh Nankai là "bịa đặt" và thảm họa được cảnh báo chỉ hoàn toàn là giả thuyết.
Ông cũng lập luận rằng động đất không xảy ra theo chu kỳ, mà có thể đến vào bất kỳ thời điểm và địa điểm nào. Điều đó đồng nghĩa khó có thể tính toán thời điểm trận động đất tiếp theo dựa trên thời gian xảy ra trước đó.
Đây cũng là điểm gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng khoa học. Các nhà địa chấn học từ lâu đã dựa vào ý tưởng rằng áp suất tích tụ chậm dọc theo đứt gãy giữa hai mảng kiến tạo, sau đó đột ngột được giải phóng trong trận động đất. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Ngay cả khi mối đe dọa này có nguy cơ xảy ra, họ cũng cho rằng tỷ lệ là rất thấp. Do đó, nhiều nhà khoa học, trong đó có Yoshioka và Geller, cho rằng các biện pháp an toàn công cộng cùng cảnh báo ở Nhật Bản trong tuần qua là quá mức.
Chuyên gia Yoshioka không phủ nhận thực tế rằng sau một trận động đất, có nguy cơ xảy ra trận động đất thứ hai lớn hơn. Đó là lý do khiến giới chức Nhật Bản đưa ra cảnh báo chưa từng có vào tuần trước. Song ông thêm rằng ngay cả khi như vậy, xác suất xảy ra siêu động đất ở rãnh Nankai chỉ chưa tới 1%.
"Việc thổi phồng mối nguy hiểm vốn có nguy cơ thấp sẽ giống như chuyện cậu bé chăn cừu. Bạn phát cảnh báo về nguy cơ lớn hơn bình thường hết lần này đến lần khác và công chúng sẽ nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi", Geller nói.
Trong tuần qua, nhiều người Nhật đã duy trì trạng thái cảnh giác cao độ trước nguy cơ xảy ra siêu động đất.
Yota Sugai, sinh viên địa học 23 tuổi, cho biết cảnh báo trên truyền hình "khiến tôi cảm thấy cấp bách và sợ hãi, giống như hồi chuông cảnh tỉnh". Sugai cho biết sau trận động đất ngày 8/8, anh đã tích trữ nhu yếu phẩm như đồ ăn và nước uống, theo dõi bản đồ trực tuyến về khu vực nguy hiểm, cân nhắc đến thăm người thân sống ở ven biển để giúp họ lên kế hoạch sơ tán.
Sinh viên 21 tuổi Mashiro Ogawa cũng thực hiện những biện pháp phòng ngừa tương tự. Cô chuẩn bị bộ dụng cụ khẩn cấp trong nhà và thúc giục cha mẹ làm vậy. Ogawa cũng tránh các bãi biển và thay đổi vị trí đồ đạc trong nhà, như chuyển kệ ra xa giường và hạ thấp chiều cao của chúng.
"Tôi chưa từng cảm thấy nguy cơ cận kề như hiện tại", cô nói.
Tuy nhiên, việc duy trì trạng thái sợ hãi, bối rối và cảnh giác quá lâu cũng có thể gây ra hệ quả tiêu cực, thậm chí dẫn đến thái độ chủ quan nếu người dân không thấy động đất xảy ra trong thời gian dài.
Dường như nhận thức được điều này, chính phủ Nhật Bản tuyên bố dự kiến dỡ bỏ cảnh báo về "siêu động đất" vào chiều 15/8 nếu không ghi nhận thêm hoạt động địa chấn lớn nào khác.
Tuy nhiên, Yoshifumi Matsumura, bộ trưởng quản lý thảm họa, cũng nhấn mạnh rằng điều này không đồng nghĩa nguy cơ xảy ra động đất đã bị loại trừ. Ông cũng khuyến nghị người dân thường xuyên kiểm tra khả năng sẵn sàng ứng phó với "trận động đất lớn sẽ xảy ra".
Nhật Bản hiện vẫn còn nhiều việc phải làm. Sugimoto và Geller cho rằng nước này không nên quá tập trung nguy cơ vào rãnh Nankai, vì nhiều vùng khác ở Nhật Bản cũng bị đe dọa. Sugimoto nói chính phủ đã tài trợ rất nhiều cho khu vực Nankai để ứng phó với động đất, trong khi nhiều khu vực khác chưa nhận được hỗ trợ cần thiết.
Geller cho rằng việc quá tập trung cho Nankai cũng khiến nhiều người ở khu vực khác nghĩ rằng nơi họ sống không nguy hiểm. "Nó sẽ ru ngủ mọi người với cảm giác an toàn giả mạo, nếu khu vực đó không được xem là nơi tiềm ẩn rủi ro", ông nói.
Thùy Lâm (Theo CNN, NBC News)