Ông là một trong 36 học viên cao học tốt nghiệp đợt này, được trường trao bằng, hôm 21/7.
"Tôi rất vui sướng khi cầm trên tay tấm bằng mà tôi đã bỏ công sức học hành chăm chỉ trong hai năm qua", ông Kato nói.
Đại diện nhà trường cho biết trường từng có một số học viên người nước ngoài, nhưng ông Kato là trường hợp hiếm hoi học chương trình hoàn toàn bằng tiếng Việt, cũng là học viên cao tuổi nhất.
Trước đây, ông Kato học ngành ngôn ngữ Ả Rập tại Đại học Ngoại ngữ Osaka, Nhật Bản. Sau tốt nghiệp, ông làm việc chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ, ở khoảng 25 quốc gia trong hơn 30 năm.
Hơn 7 năm trước, ông Kato đến Việt Nam, làm việc tại một công ty chuyên về sản xuất linh kiện điện tử ở tỉnh Hải Dương. Thời gian làm việc với người Việt tại đây đã truyền cảm hứng cho ông nghiên cứu về văn hóa, địa lý của "dải đất chữ S".
"Tôi rất ấn tượng với với những nét tương đồng trong văn hóa hai nước. Tôi cũng thường đạp xe đến nhiều nơi và thấy rất nhiều phong cảnh đẹp", ông nói. Tự nhận là người thích khám phá, ông quyết định học thạc sĩ, chuyên ngành Việt Nam học. Ông chọn Đại học Việt Nhật vì có các giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực văn hóa ở hai quốc gia.
"Khi đó, tôi đã nghỉ hưu, 61 tuổi", ông Kato kể. "Quyết định này vấp phải sự phản đối của gia đình. Vợ, con muốn đi châu Âu, Mỹ hơn, nhưng tôi quyết tâm quay lại Việt Nam".
Là người lớn tuổi nhất, ông Kato thấy hào hứng vì học cùng các bạn trẻ người Việt. Dù vậy, thời gian đầu, ông Kato gặp vấn đề về giao tiếp.
"Mọi người nói quá nhanh. Tôi lạc lối vì không hiểu giáo sư nói gì ở lớp, trong khi tôi chỉ đọc, viết được ở mức cơ bản", ông nhớ lại. "Khẩu hình tiếng Việt rất khác tiếng Nhật nên nhiều lúc tôi nói không rõ chữ, rất khó khăn".
Do đó, ông nói chuyện, phát biểu nhiều hơn trong lớp học. Ông nhớ nhất môn học về Bền vững khi cùng nhóm với 5-6 học viên khác. Ông nhận nhiệm vụ thuyết trình trước lớp bằng tiếng Việt. Nhờ nỗ lực tập luyện, cuối cùng ông đã hoàn thành.
Trong luận văn tốt nghiệp thạc sĩ, ông Kato nghiên cứu về cuộc sống của thực tập sinh và lao động xuất khẩu người Việt tại Nhật Bản. Ông thu thập dữ liệu trên mạng, thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn sâu với người lao động Việt tại Nhật.
"Tôi cũng chật vật khi đọc rất nhiều tài liệu tiếng Việt", ông Kato kể.
GS.TS Vũ Minh Giang, Chủ tịch hội đồng đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội, nói ông Kato là một học viên đặc biệt, đầy nghị lực vì học thạc sĩ khi tuổi đã cao.
"Sự đặc biệt về tuổi tác và quyết tâm đã biến thành động lực học tập ở ông Kato", GS Giang nói. Theo ông Giang, khóa luận của ông Kato được hội đồng chấm khóa luận đánh giá có chất lượng tốt.
"Kết quả học tập của ông ấy thể hiện tình yêu mến với Việt Nam nói chung và tình cảm đặc biệt với các thực tập sinh, lao động xuất khẩu người Việt tại Nhật Bản nói riêng", ông Giang cho hay.
GS Momoki Shiro, chuyên gia về Lịch sử toàn cầu tại Đại học Việt Nhật, người hướng dẫn ông Kato làm luận văn tốt nghiệp, cũng đánh giá cao năng lực nghiên cứu của người đồng hương 63 tuổi.
"Một người cao tuổi có thể học tiếng Việt muộn, hoàn thành luận văn như vậy được coi là xuất sắc. Anh Kato là một tấm gương tiêu biểu về học tập", GS nói.
Ông Kato định về nước để chăm sóc gia đình, sau đó học tiếp chương trình tiến sĩ Việt Nam học. Ông đặt mục tiêu thành lập một công ty hỗ trợ cho người lao động xuất khẩu Việt tại Nhật Bản.
"Tôi muốn trở thành một cầu nối giữa hai nước, góp công lao nhỏ bé vào việc đảm bảo cuộc sống an toàn cho người lao động nước ngoài", ông Kato chia sẻ.
Doãn Hùng