Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước đến ngày 31/10, các nhà băng đã giải ngân cho 920 cá nhân với dư nợ 221 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cấp vốn thành công cho 4 khách hàng doanh nghiệp với dư nợ 91 tỷ đồng. Như vậy, sau 5 tháng triển khai, gói hỗ trợ nhà ở mới tiêu giải ngân hơn 1% ngân sách được duyệt.
Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, vừa qua các cơ quan quản lý đã nhiều lần nới rộng hơn những tiêu chí cho vay gói hỗ trợ đối với cả doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, để việc giải ngân thực sự hiệu quả, Việt Nam cần xây dựng một cơ chế hoàn toàn khác để người nghèo vay tiền.
"Chúng ta không nên tiếp tục dùng cơ chế cho người giàu vay tiền để áp dụng cho người nghèo. Đòi hỏi những người thu nhập thấp phải chứng minh thu nhập là điều không dễ dàng", ông Võ cho hay.
Theo chuyên gia này, nên vận dụng kinh nghiệm của nước ngoài để có cơ chế cho người thu nhập thấp vay mua nhà. "Ví dụ, ở một số quốc gia, những người quan tâm đến gói tín dụng này phải thành lập một cộng đồng hoặc tổ chức chuyên giám sát nhau chuyện sử dụng vốn vay và trả nợ. Cộng đồng đó sẽ do một hiệp hội hoặc tổ chức xã hội đứng ra bảo lãnh. Tổ chức này sẽ không chỉ giám sát khả năng trả nợ mà còn tìm cách để giúp người nghèo tăng thu nhập, giới thiệu công việc cho họ", chuyên gia lý giải.
Ông Võ cho biết, với mô hình này, một số nước nước ngoài không bắt buộc người nghèo phải chứng minh khả năng trả nợ. "Làm như vậy, có thể tăng được tốc độ giải ngân mà không sợ nợ xấu. Tuy nhiên, để làm được điều này phải xây dựng được khung pháp lý chặt chẽ hơn cho các tổ chức xã hội. Điều này có thể có khó khăn trong ngắn hạn nhưng khả quan hơn để tạo cơ chế hỗ trợ người nghèo tiếp cận vốn vay", chuyên gia này nói.
Gần đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, một trong những nguyên nhân chậm giải ngân là thủ tục, yêu cầu còn chặt chẽ. "Tuy nhiên, nếu chúng ta không làm chặt, sai đối tượng dễ dẫn đến lợi dụng, làm thất thoát cho Nhà nước", người đứng đầu ngành xây dựng cho hay.
Ông Nguyễn Văn Đực - Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cũng cho rằng, một trong những khó khăn nhất trong việc giải ngân gói 30.000 tỷ là việc yêu cầu người dân chứng minh thu nhập. Do đó, đề xuất của Giáo sư Đặng Hùng Võ là một cách làm khả quan, tuy nhiên, nếu áp dụng ở Việt Nam phải mất rất nhiều thời gian để xây dựng cơ chế, hành lang pháp lý.
Chuyên gia này cũng cho rằng, việc Bộ Xây dựng gần đây nới các tiêu chí cho vay gói hỗ trợ cho thấy cơ quan quản lý nhận ra một thực tế là đã "ra đề thi quá khó". Đây là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, để tốc độ giải ngân được cải thiện, người dân có nhà để ở thì theo ông Đực, cơ quan chức năng nên tiếp tục nới các điều kiện cho vay và tăng nguồn cung cho thị trường.
"Bên cạnh việc xây dựng các dự án mới, cơ quản quản lý nên thúc đẩy việc cho các dự án có nhu cầu chia nhỏ căn hộ, vừa giải quyết được hàng tồn cho doanh nghiệp, vừa giúp tăng nguồn cung", ông Đực đề xuất.
Còn ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội lý giải sự chậm chạp của việc giải ngân có một phần do sự thiếu hụt nguồn cung nhà giá rẻ. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, để có được nguồn cung này thì cần sự tính toán của nhiều cơ quan ban ngành trong việc phát triển hạ tầng, cơ sở y tế, giáo dục, siêu thị, trung tâm mua sắm... ở những khu vực ngoại thành.
"Chỉ có ra ngoại thành, mới có thể xây được loại căn hộ giá rẻ nhờ quỹ đất rộng. Tuy nhiên, trước khi xây dựng các dự án nhà xã hội thì các bộ, ngành phải phối hợp để có được hạ tầng tốt, tạo ra nguồn thu nhập cho người dân... thì mới thu hút được người mua. Hiện cũng có nhiều công trình nhà xã hội đang được triển khai nhưng ít khách vì hạ tầng kém. Do đó, họ sẵn sàng đi thuê ở trung tâm chứ không chịu mua nhà ở quá xa", ông Cường cho hay.
Ngọc Tuyên