Chị Thanh, quận 3, TP HCM chia sẻ, vì đã "nhắm" được một căn hộ khá ưng ý của một dự án tại quận Bình Tân (dưới 70m2, dưới 15 triệu đồng một m2) nên chị quyết định đi gõ cửa các ngân hàng để hỏi vay gói 30.000 tỷ đồng với hy vọng sẽ tiếp cận được vốn ưu đãi.
Tìm đến BIDV, Vietcombank rồi Vietinbank, chị được các nhân viên ở đây hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục giấy tờ cần thiết. Trong đó, quan trọng là giấy xác nhận của chính quyền địa phương về tình trạng chưa có nhà ở thì ngân hàng mới xem xét.
Chị tìm đến phường nơi đang cư trú nhờ xác nhận thì bị từ chối với lý do "phường làm sao biết chị đã có nhà ở địa phương khác hay chưa mà xác nhận". Chị là người đi làm ở công ty nên đã nhờ cơ quan xác nhận giúp là chưa có nhà ở. Sau đó, chị cầm tờ giấy này đến phường thì họ mới ký xác nhận cho chị là chưa có nhà ở.
Cầm tập hồ sơ trở lại ngân hàng, chị được nhân viên của các nhà băng trên xem xét và cho biết hồ sơ hợp lệ, nhưng ngân hàng còn phải thẩm định chất lượng dự án, uy tín của chủ đầu tư… mới quyết định cho vay hay không.
Sau đó vài ngày, các nhà băng này liên hệ lại với chị và cho biết, chủ đầu tư dự án trên không có độ tín nhiệm cao nên phải chờ đến khi nào dự án chính thức triển khai xây dựng thì ngân hàng mới cho vay, còn không chị phải tìm dự án khác.
"Hiện nay, các dự án đáp ứng tiêu chí của gói 30.000 tỷ không nhiều, trong khi cái mình thích thì ngân hàng lại không đồng ý giải ngân. Thấy nhiêu khê quá nên tôi đã từ bỏ luôn ý định vay gói ưu đãi này", chị Thanh chia sẻ.
Trong khi đó, chị Hà Thu, quận Bình Tân, TP HCM làm nghề tự do nên bên cạnh việc xin xác nhận chưa có nhà thì ngân hàng yêu cầu phải có giấy chứng nhận của địa phương là thuộc diện đối tượng thu nhập thấp. "Đi gõ cửa không biết bao nhiêu lần nhưng chính quyền họ không đồng ý xác nhận vì không biết căn cứ vào đâu để xem là thấp", chị Thu bộc bạch.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều hồ sơ gửi đến đều bị ngân hàng “đánh rớt” vì không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn lãi suất 6%. Nguyên nhân tập trung chủ yếu ở khâu chứng minh thu nhập, khả năng trả nợ và xác nhận chưa có nhà ở.
Theo số liệu của Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước, đến 30/9, các ngân hàng mới tiếp nhận được 619 hồ sơ cá nhân với số tiền 203 tỷ đồng, trong đó chỉ có 590 khách hàng được giải ngân với tổng số tiền 142,5 tỷ đồng. Còn riêng khách hàng doanh nghiệp, các nhà băng cũng mới giải ngân được 54,8 tỷ đồng. Như vậy, sau hơn 4 tháng triển khai, các ngân hàng giải ngân chưa tới 1% tổng số tiền 30.000 tỷ đồng.
Trong số 5 ngân hàng đảm trách việc triển khai gói cho vay này thì Vietcombank có số tiền giải ngân lớn nhất, nhưng cũng chỉ xoay quanh con số 59,3 tỷ đồng. Lãnh đạo nhà băng này lý giải, sở dĩ có kết quả khiêm tốn như vậy là do có nhiều vướng mắc. Bà thừa nhận, dự án đạt chuẩn để cho vay gói 30.000 tỷ hiện nay chưa nhiều. Khâu xác nhận của địa phương về việc chưa có nhà ở gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, nhiều trường hợp được xác nhận thì cũng rất chung chung nên không đủ điều kiện để ngân hàng cho vay.
Thêm vào đó, khâu xác minh thu nhập từ địa phương theo lãnh đạo BIDV là gần như bế tắc. "Bởi quy định về người thu nhập thấp hiện giờ chưa rõ ràng. Chúng tôi đã kiến nghị lên Bộ xây dựng rồi nhưng chưa được tháo gỡ", ông nói.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM Nguyễn Hoàng Minh phân tích thêm về hai điểm nghẽn trong quá trình triển khai. Đầu tiên là việc thế chấp nhà ở xã hội hình thành trong tương lai. Hiện nay, ngân hàng cho phép thế chấp căn hộ hình thành trong tương lai nhưng các phòng công chứng không thực hiện vì theo Luật nhà ở chỉ công chứng đối với nhà có giấy chứng nhận.
Điểm nghẽn thứ hai theo ông Minh là trong quá trình ngân hàng cho vay, tuy không đòi hỏi về thu nhập nhưng yêu cầu khách hàng vay chứng minh nguồn trả nợ. Kết quả là phần lớn các ngân hàng phản ánh cho vay trong 10 năm gây áp lực lớn cho người mua nhà, hay nói cách khác là họ không đủ khả năng trả nợ.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP HCM cho biết, cơ quan này đã kiến nghị lên cấp trên nhanh chóng hoàn thiện pháp lý, ban hành thông tư hướng dẫn công chứng này để ngân hàng có điều kiện nhận thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.
Lệ Chi