Alexei Nikolayev, một trong hơn 56 triệu người Nga đã bầu cho Tổng thống Putin hồi tháng 3, tính toán tác động của đồng rúp yếu: phải giảm chi tiêu ở nước ngoài và thắt lưng buộc bụng khi giá cả trong nước cao hơn, theo Reuters.
Tuy nhiên, Nikolayev, nhà thiết kế đồ họa 56 tuổi thích du lịch nước ngoài và uống rượu nhập khẩu, đổ lỗi cho phương Tây chứ không phải Putin về tình hình hiện nay. Ông không hề hối hận về việc bỏ phiếu cho một chính trị gia mà ông coi là người thích hợp để đưa Nga qua những thời điểm khó khăn.
"Thật phiền phức và khó chịu, nhưng tôi sẽ không thay đổi quan điểm chính trị", Nikolayev nói về việc đồng rúp đã giảm 10% giá trị so với USD kể từ cuối tháng 7, phần lớn là do các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga.
Một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã soạn thảo dự luật hạn chế các hoạt động tại Mỹ của ngân hàng nhà nước Nga, dẫn đến cản trở họ sử dụng USD. Nếu được thông qua, đây là một trong số những biện pháp trừng phạt gây tổn hại nhất. Mỹ cũng sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào hàng hóa liên quan đến an ninh quốc gia để phản ứng trước việc Nga bị cáo buộc tấn công hóa học bố con cựu điệp viên hai mang Nga sống ở Anh.
"Nghe thì có vẻ lạ nhưng thực tế việc đó sẽ chỉ càng tăng cường niềm tin của tôi rằng phương Tây đang cố gắng phá hoại Nga", Nikolayev nói. Stepan Goncharov, nhà xã hội học tại trung tâm khảo sát Levada cho biết nhiều người Nga cũng có quan điểm giống Nikolayev.
Đồng rúp giảm đang gây khó khăn cho một số người. Giá hàng hóa nhập khẩu sẽ tăng. Kỳ nghỉ nước ngoài cũng trở nên đắt đỏ hơn. Irina Turina, phát ngôn viên của Liên đoàn Công nghiệp Du lịch Nga, cho biết nhu cầu các kỳ nghỉ trọn gói đã giảm 10 - 15% trong tuần trước.
"Những người chưa thanh toán hết chi phí kỳ nghỉ đang vội vã trả hết phần còn lại ngay cả khi họ không bắt buộc phải làm vậy", Turina nói. Họ lo rằng nếu để lâu thì số tiền chưa thanh toán sẽ được tính toán lại theo tỷ giá hối đoái bất lợi cho họ.
"Những người định đi nghỉ cũng đang cân nhắc lại", bà nói. "Trả tiền cho chuyến du lịch là một chuyện, khi đến nơi, bạn vẫn cần phải tiêu tiền và phải tiêu bằng USD".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuần trước nói rằng các lệnh trừng phạt mà Nga hứng chịu không liên quan đến hành động của Moskva ở những nơi như Ukraine hay Syria mà là do Mỹ muốn tìm cách kìm hãm các đối thủ kinh tế.
Quan điểm đó được nhắc lại nhiều lần trên truyền thông nhà nước và nhận được sự đồng tình từ nhiều người Nga. Nhiều người vẫn lạc quan vì họ từng thấy điều tồi tệ hơn. "Không có gì là mãi mãi, mọi thứ sẽ luôn thay đổi theo hướng tốt hơn", cư dân Moskva Gennady Tsurkan nói. "Tôi nghĩ rằng ngày đó sẽ không còn xa, tôi tin vào điều đó".
Nhiều người Nga vẫn bình tĩnh khi đối mặt tình trạng đồng rúp mất giá vì họ đã quen với việc này. Tình trạng hiện giờ ít nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng tiền tệ sau năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea. Kể từ đó, các công ty Nga đã giảm khoản vay nước ngoài và nhập khẩu ít hàng hóa cần phải trả bằng USD hơn.
Mức tín nhiệm của Putin đã giảm trong vài tháng qua nhưng vẫn ở mức cao so với các lãnh đạo phương Tây. Hồi tháng 7, mức này giảm từ 79% xuống 64%, theo cuộc thăm dò của Levada. Các tổ chức khảo sát ý kiến cho rằng mức tín nhiệm giảm là do đề xuất cải cách lương hưu chứ không phải đồng rúp mất giá.
Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng đồng rúp yếu có thể "đổ thêm dầu vào lửa" với một số người Nga bất bình về cải cách lương hưu. Tuy nhiên, không rõ liệu việc này có dẫn đến các cuộc biểu tình hay ảnh hưởng đến nền chính trị mà Putin đã dẫn dắt trong hơn 18 năm hay không.
"Nếu có tác động thì nó sẽ theo cách gián tiếp - sẽ có thêm nhiều người bất mãn về điều kiện sống giảm", Goncharov, từ trung tâm Levada, nói.
Trong khi đó, Nikolayev cho rằng người dân không thể làm được điều gì. "Giống như nắng hay tuyết vậy. Tôi không thể tác động đến chúng. Có lẽ tôi sẽ phải uống một loại rượu vang khác. Hoặc có lẽ tôi sẽ phải mua một thay vì hai đôi giày. Phiền phức thật đấy nhưng tôi vẫn chịu được", ông nói.