Chỉ chưa đầy một tuần sau khi được chính quyền Triều Tiên thả tự do trong tình trạng hôn mê sau, sinh viên 22 tuổi Otto Warmbier tử vong vào ngày 19/6. Dưới sức ép của dư luận, công ty lữ hành có trụ sở ở Bắc Kinh Young Pioneer Tours, công ty đã dẫn Warmbier sang Triều Tiên vào năm ngoái, tuyên bố ngừng nhận du khách người Mỹ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cánh cửa vào Triều Tiên đã đóng lại với công dân Mỹ
Hiện nay, vẫn có ít nhất 4 công ty du lịch, bao gồm Uri Tours đặt trụ sở ở New Jersey, Mỹ; Lupine Travel và Secret Compass ở Anh và Koryo Tours ở Bắc Kinh, Trung Quốc, sẵn sàng đưa du khách Mỹ vào Triều Tiên, theo New York Times.
'Đáng đồng tiền bát gạo'
Các công ty lữ hành này nhắm vào một số ít du khách ưa mạo hiểm, muốn khám phá những vùng đất xa xôi để có những trải nghiệm không theo lối mòn. Theo quảng cáo, các chuyến đi tới Triều Tiên thiên về phiêu lưu hơn là đi du lịch nghỉ dưỡng.
"Một chuyến đi tới Triều Tiên sẽ phá vỡ mọi định kiến mà anh từng nghe về đất nước này", theo Tom Bodkin, người sáng lập ra Secret Compass.
Secret Compass dẫn những du khách đầu tiên đến Triều Tiên vào mùa thu năm ngoái với lịch trình kéo dài 13 ngày tham quan nhiều địa điểm ở thủ đô Bình Nhưỡng như quảng trường Kim Nhật Thành, hệ thống tàu điện ngầm được mệnh danh là sâu nhất thế giới, quảng trường Khải Hoàn Môn, và phần lớn thời gian còn lại, du khách sẽ leo núi và cắm trại ở Myohyang, cách Bình Nhưỡng khoảng 160 km về phía tây bắc hoặc lưu trú tại khu nghỉ dưỡng núi Kim Cương.
"Tôi luôn tò mò về Triều Tiên, nơi rất ít người từng đặt chân đến", Gautham Chandra, sống tại thị trấn Fords, bang New Jersey, Mỹ, cảm thấy thôi thúc bởi khao khát khám phá "đất nước bí ẩn nhất thế giới" đã quyết định đến Triều Tiên và miêu tả chuyến đi "độc nhất vô nhị" và "không thể tin nổi".
"Tôi chưa bao giờ thấy những dãy núi nào ở đâu đẹp đến nín thở như vậy, cảnh sắc mùa thu tuyệt vời", Chandra bồi hồi khi nhớ lại chuyến đi mà theo anh là "đáng đồng tiền bát gạo".
"Và người dân địa phương thân thiện và hiếu khách", Chandra nhận xét.
Chandra không phải là người duy nhất có thiện cảm với đất nước và con người Triều Tiên. Andrea Lee, hướng dẫn viên du lịch của Uri Tours, nói du khách bị mê hoặc bởi những cơ hội trò chuyện thân tình với người dân địa phương.
"Khách hàng của chúng tôi thấy xúc động khi tương tác và cảm thấy kết nối với những người có hoàn cảnh sống hoàn toàn khác biệt với họ", Lee cho biết, "Du khách khi quay về thường nói rằng trải nghiệm (đến Triều Tiên) gợi lên trong họ nhiều suy nghĩ, chuyến đi an toàn, ý nghĩa và đặc biệt".
Thận trọng với rủi ro
Những công ty dẫn du khách Mỹ đến Triều Tiên nhận thức được những rủi ro có thể xảy ra. Simon Cockerell, tổng giám đốc Koryo Tours, đã tới Triều Tiên ít nhất 160 lần, trả lời trong thư điện tử rằng công ty của anh "đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo các du khách tới Triều Tiên được chuẩn bị kỹ càng và cung cấp đầy đủ thông tin về những rủi ro cũng như luật lệ ở nước sở tại". Koryo Tours thậm chí còn thiết kế riêng phương án bảo vệ nhiều lớp. Lịch trình tham quan đều được lên kế hoạch sẵn và cố định, mỗi nhóm khách sẽ có hai hướng dẫn viên người Triều Tiên và một nhân viên của hãng đi kèm để đảm bảo khách tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định ví dụ như không được chụp ảnh quân đội Triều Tiên.
Hãng Lupine Travel, đã đưa gần 2.500 du khách vào Triều Tiên kể từ năm 2008 mà chưa để xảy ra sự cố đáng tiếc nào, cũng tỏ ra thận trọng. Sau cái chết của Warmbier, Dylan Harris, giám đốc điều hành công ty, cho biết công dân Mỹ sẽ không được đi lẻ vào Triều Tiên nữa vì "rủi ro quá cao khi nhân viên của hãng không được đi kèm khách du lịch để đưa ra lời khuyên hoặc giám sát hành vi của du khách trong suốt chuyến đi". Tuy nhiên, người Mỹ vẫn có thể đi theo đoàn vào Triều Tiên.
"Triều Tiên thường sẽ bỏ qua những lỗi nhỏ của du khách nước ngoài, hậu quả chỉ là cảnh cáo hoặc trục xuất về nước, miễn là du khách đó không mang quốc tịch Mỹ. Nhưng nếu là công dân Mỹ, nhiều khả năng anh sẽ bị bắt và giam giữ", Harris nói.
Sinh viên Mỹ Warmbier bị Triều Tiên kết án 15 năm lao động khổ sai vì gỡ một tấm biển tuyên truyền tại một khách sạn ở thủ đô Bình Nhưỡng. Sau 17 tháng bị giam giữ, Warmbier được thả tự do và về nước trong tình trạng hôn mê sâu do tổn thương não nghiêm trọng. Sau đó khoảng một tuần, Warmbier qua đời.
John, một nhân viên ngân hàng người Mỹ đang sống ở Budapest thông cảm với hành động bộc phát của Warmbier khi nhớ lại trải nghiệm tương tự ở Triều Tiên trong chuyến đi năm 2014. "Tôi giơ máy ảnh lên chụp cảnh diễu hành của quân đội. Bất ngờ một cánh tay tóm lấy cổ tôi và tiếng một người phụ nữ hét ầm bên tai. Tôi được tha nhưng những gì xảy ra với Otto hoàn toàn đã có thể xảy ra với tôi".
Dẫu vậy, John nói Triều Tiên vẫn để lại ấn tượng mạnh với anh.
Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo công dân đến Triều Tiên du lịch sẽ đối mặt với "rủi ro cao bị bắt và giam giữ trong thời gian dài" và "hệ thống thực thi pháp luật của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt hà khắc cho những hành vi mà ở Mỹ không bị coi là hành động phạm tội đồng thời đe dọa công dân Mỹ trong diện tạm giữ sẽ bị đối xử theo luật chiến tranh".
Các nhà chức trách Mỹ cũng nhấn mạnh công dân Mỹ đi "theo đoàn có hướng dẫn viên du lịch cũng không tránh được nguy cơ bị chính quyền Triều Tiên giam giữ".
"Khách du lịch sẽ luôn bị giám sát, các thiết bị điện tử có thể bị lục soát bất cứ lúc nào. Cẩn thận thì không nên tới đó", Chris Berry, giám đốc của công ty tư vấn về an ninh Kroll, đưa ra lời khuyên.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Bob Corker, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Mỹ, tuyên bố ông đang xem xét khả năng cấm công dân Hoa Kỳ tới Triều Tiên.
Bất chấp những lời cảnh báo và bài học nhãn tiền của sinh viên Warmbier, nhiều người Mỹ vẫn không từ bỏ ý định được một lần đặt chân đến Triều Tiên, thậm chí là không phải một lần mà hai lần.
"Khi ở đó, tôi không cảm thấy sợ hãi, tôi cảm thấy hào hứng", một người Mỹ đã tới Triều Tiên cùng hãng Secret Compass cho biết dù cái chết của Warmbier là một bi kịch nhưng "chắc chắn" sẽ quay lại Triều Tiên nếu có cơ hội.
An Hồng