Cái chết của nam sinh viên Mỹ Otto Warmbier hôm 19/6 khiến công dân người Anh Alex Hoban rùng mình nghĩ lại trải nghiệm hai lần đến Triều Tiên, theo Guardian.
Là một người trẻ tuổi với nhiệt huyết khám phá những vùng đất mới, Hoban không thể cưỡng lại ham muốn được đặt chân đến một trong những quốc gia bí ẩn nhất thế giới. Nhưng khi nghĩ về hai chuyến đi, Hoban thừa nhận mình đã thiếu kiến thức nhưng thừa sự ngông cuồng và ngây thơ khi đặt chân Triều Tiên.
"Với những người mà sự hiểu biết của họ về Triều Tiên dài không quá một sải tay, cái chết của Otto vừa kinh khủng vừa khó hiểu", Hoban viết. "Còn đối với tôi, người đã từng đến Triều Tiên nhiều hơn một lần, cái chết của cậu thực sự là một cú tát giúp tôi tỉnh mộng".
Hoban, hiện là một giám đốc sáng tạo nội dung, lần đầu tiên đến Triều Tiên vào năm 2009 cùng Young Pioneer Tours (YPT), cũng là công ty lữ hành đã đưa Warmbier sang Triều Tiên du lịch năm ngoái. Lúc đó mới 23 tuổi, Hoban "nuốt trọn" từng lời quảng cáo của Gareth Johnson, người sáng lập YPT, đăng trên diễn đàn Couchsurfing dành cho các phượt thủ trên toàn thế giới.
"Chuyến đi tiết kiệm tới những vùng đất mà mẹ sẽ muốn bạn tránh xa", một câu nói ngắn gọn, dễ nhớ và sống động, đánh trúng tâm lý thích nổi loạn của người trẻ. "Có lẽ nhiều thanh niên phương Tây hừng hực nhiệt huyết đi và trải nghiệm như Warmbier đã bị thôi thúc bởi những câu quảng cáo như thế. Chỉ khác, họ may mắn hơn Warmbier!", Hoban nhận định.
Trẻ người non dạ
Không tiếc lời ca ngợi Triều Tiên là "một đất nước ẩn dật và kỳ diệu" hay "một trong những điểm đến nguyên sơ còn sót lại trên thế giới" hoặc "một trải nghiệm siêu thực để đời", YPT đã dẫn hơn 8.000 khách du lịch nước ngoài đến Triều Tiên, theo Troy Collings, giám đốc điều hành thị trường của công ty.
Nhưng Hoban cho rằng khách hàng mà YPT nhắm đến là những du khách "trẻ người non dạ, vô tổ chức, vô kỷ luật" và "trong người thường xuyên có chất cồn". YPT "coi nhẹ vấn đề an toàn" và "gieo vào đầu du khách khái niệm không tưởng về Triều Tiên", anh viết.
Trước khi gỡ bỏ khẩu hiệu tuyên truyền tại khách sạn ở Bình Nhưỡng do YPT thu xếp, Warmbier đã thức đến tận 5h sáng để uống rượu. Cậu đã phải trả giá cho hành vi này bằng án tù 15 năm khổ sai, sau đó là 17 tháng hôn mê, kết thúc bằng cái chết đau đớn khi được trả về nước.
Hoban cho rằng cậu sinh viên trẻ tuổi Warmbier, khi lang thang ở "tầng bí mật" của khách sạn Yanggakdo International, chỉ muốn nếm trải cảm giác hồi hộp, mạo hiểm và muốn có trải nghiệm "ngầu" để sau này đem ra tán gẫu với bè bạn. Không kiềm chế được ham muốn "mang về nhà một chiến lợi phẩm", Warmbier đã bước qua giới hạn mong manh. Điều đáng nói ở đây là công ty YPT chưa bao giờ tỏ thái độ cứng rắn nhằm ngăn chặn những hành động nguy hiểm như vậy.
Trường hợp say xỉn trong các chuyến du lịch như Warmbier không phải hiếm, Hoban khẳng định, thậm chí không chỉ du khách mà cả hướng dẫn viên du lịch cũng sa đà vào rượu chè.
"Đáng nhẽ Gareth Johnson (người sáng lập YPT) là người dẫn tôi và một nhóm bạn khám phá Triều Tiên trong chuyến đi kéo dài một tuần. Nhưng tôi chỉ gặp anh ta đúng một lần, vào cuối chuyến đi, trong một khách sạn ngoại giao ở Bình Nhưỡng. Anh ta bị gãy chân vì cố nhảy lên một đoàn tàu đang chạy. Vợ của một đồng nghiệp đã phải làm thay việc của anh ta", Hoban kể lại.
"Không phải lúc nào mọi việc cũng có kết cục tệ hại. Sau những khoảnh khắc 'thoát chết trong gang tấc', mà hầu như là như vậy, chúng tôi cảm thấy phấn khích vì đã phá luật mà không hề hấn gì và hả hê chứng minh cho cả thế giới thấy họ đã sai về Triều Tiên", Hoban nghĩ lại.
Trải nghiệm thót tim
Hoban nhớ lại nhiều lần gặp biến cố ở Triều Tiên. Trong chuyến đi đầu tiên, xe bus của đoàn bị an ninh Triều Tiên chặn lại giữa đường để lục soát vì họ nghi ngờ có người trong đoàn đã lấy trộm một chiếc khăn tắm.
"Lần khác, tôi đồng ý cầm hộ một bức thư tình về London cho một cô gái Triều Tiên. Cô gái trước đó đã cảnh báo tôi đừng để lính biên phòng phát hiện ra lá thư", Hoban nhớ lại. Hay một lần khác, một người quen của anh đã bị giữ lại ở cửa khẩu vì bóc ảnh chân dung ra khỏi thị thực để đưa cho bạn gái ở Triều Tiên.
"Tất cả những hành động này đều có thể châm ngòi cho một bi kịch như Warmbier", Hoban viết. "Nghĩ lại, tôi cảm thấy ớn lạnh vì sự khờ khạo của mình".
Lần thứ hai quay lại Triều Tiên, với cảm giác "bất khả chiến bại một cách thơ ngây" cùng "khao khát được phiêu lưu nhiều hơn nữa", Hoban cùng hai người bạn đã lang thang ở vùng phía bắc Triều Tiên. Chuyến đi kết thúc với 24 tiếng tạm giam vì một người bạn trong nhóm định đến lãnh sự quán Trung Quốc để gia hạn thị thực.
Cảnh sát Triều Tiên tịch thu hộ chiếu của ba thanh niên và nhất quyết từ chối liên lạc với Đại sứ quán Anh.
"May mắn thay, những người xử lý chúng tôi hoặc là những cảnh sát non tay hoặc cũng có thể lúc đó chúng tôi đang ở xa Bình Nhưỡng, nếu không có trời mới biết vụ của chúng tôi đã bị trầm trọng hóa đến mức độ nào", Hoban kể lại.
Nhóm của anh đã gom góp được 300 euro tiền mặt và một chiếc đồng hồ đeo tay để đưa cho cảnh sát Triều Tiên nhằm không bị bắt giam. Cả ba ngay lập tức bị trục xuất về Trung Quốc.
"Một cái giá quá rẻ cho tự do", Hoban nhớ lại trải nghiệm khó quên, "Giờ nghĩ lại, tôi cảm thấy may mắn vì đã thoát hiểm trong gang tấc".
An Hồng