Sau vụ khủng bố đẫm máu ở San Bernardino (Mỹ) hồi tháng 12/2015, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã nắm trong tay chiếc iPhone 5c của tên khủng bố Syed Farook. FBI đã nhờ tòa án yêu cầu Apple hợp tác trong việc mở cổng hậu nhằm truy cập điện thoại.
Tuy nhiên, Apple kiên quyết phản đối, thậm chí viết "tâm thư" gửi khách hàng và nhân viên rằng mở cổng hậu trên điện thoại là hành động nguy hiểm. Theo Tim Cook, CEO Apple, câu chuyện không đơn giản dừng lại ở một chiếc iPhone hay một cuộc điều tra cụ thể mà sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người. Trong tương lai, nếu phần mềm này rơi vào tay kẻ xấu thì chúng có thể mở khóa bất cứ chiếc iPhone nào mà chúng có được.
Nhiều người đã tập trung trước Apple Store tại San Francisco để ủng hộ Apple. Trong khi đó, chiến dịch biểu tình "Đấu tranh cho tương lai" (Fight for the Future) cũng đang được lên kế hoạch ở New York, San Francisco, Los Angeles và cạnh trụ sở FBI ở Washington với lời kêu gọi: "FBI, đừng bẻ khóa điện thoại của chúng tôi" hay "Bảo vệ điện thoại, bảo vệ cuộc sống".
Theo LATimes, cuối tuần qua, Giám đốc FBI James Comey đã lên tiếng: "Chúng tôi đơn giản muốn có cơ hội biết mã khóa (passcode) của kẻ khủng bố mà không khiến điện thoại tự hủy dữ liệu hay phải mất cả thập kỷ mới đoán được chính xác mật khẩu. Mọi chuyện chỉ có thế thôi".
"Chính phủ nói công cụ bẻ khóa chỉ được sử dụng lần này, trên chiếc điện thoại này. Nhưng một khi được tạo ra, kỹ thuật đó có thể áp dụng nhiều lần trên bất cứ thiết bị nào. Nó như một bộ khóa vạn năng. Không ai có thể chấp nhận điều đó", Tim Cook kiên quyết đáp trả.
Ngược lại, FBI khẳng định họ chỉ cần một phần mềm có thể mở khóa iPhone 5c của Farook. Sau khi hoàn tất, Apple có thể giữ lại phần mềm hoặc hủy nó theo ý muốn.
Trong khi đó, Ted Olson, luật sư của Apple, nhận định: "Sẽ không có giới hạn trong những yêu cầu của chính phủ đối với Apple nếu họ thành công lần này. Chúng ta không thể biết mọi thứ sẽ dẫn tới đâu. Liệu sau lần này, chính phủ có yêu cầu chúng tôi tạo tính năng theo dõi như ghi âm cuộc gọi, theo dõi vị trí... hay không. Rõ ràng, thỏa hiệp sẽ tạo ra một tiền lệ rất nguy hiểm".
Việc mở cổng hậu trên iPhone được ví như việc mở hộp Pandora. Theo truyền thuyết, Chúa tặng nàng Pandora một chiếc hộp và dặn không được mở, nhưng nàng không cưỡng lại được sự tò mò. Những thứ trong hộp đã mang đến thiên tai, bệnh tật... và chỉ sót lại một chút hy vọng cho loài người tiếp tục sống. |
FBI bắt đầu tiến hành điều tra cuộc xả súng của cặp vợ chồng Syed Farook và Tashfeen Malik từ ngày 2/12/2015. Họ tin rằng smartphone của Farook "có thể chứa những thông tin liên lạc quan trọng" xung quanh thời điểm diễn ra vụ thảm sát.
FBI muốn truy cập iPhone 5c của Farook nhưng công nghệ mã hóa của Apple sẽ xóa toàn bộ dữ liệu trong máy sau 10 lần nhập sai mã. Thực tế, FBI và quan chức quận San Bernadino đã tìm cách truy cập vào tài khoản iCloud của Farook bằng cách reset mật khẩu của tên này chỉ vài giờ sau khi chiếc điện thoại được thu hồi. Apple sau đó đã chỉ trích rằng nếu FBI không "hấp tấp" cài đặt lại mật khẩu, họ đã có thể truy cập được vào nội dung sao lưu mà không cần tạo ra một cổng hậu để phá mã hóa của iPhone.
Bên cạnh đó, dữ liệu trong iPhone của khủng bố đã ngừng đồng bộ lên iCloud từ ngày 19/10/2015, tức FBI hoàn toàn không có thông tin gì về hoạt động của tên này trong khoản 7 tuần trước vụ tấn công trừ khi họ bẻ khóa điện thoại thành công.
"Có thể điện thoại chứa nhiều manh mối hơn để chúng tôi lần ra những tên khủng bố khác", Giám đốc FBI nói.
Cuôc chiến giữa Apple và FBI đang gây nhiều tranh cãi. Tỷ phú Donald Trump, ứng viên đang tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, giận dữ chỉ trích Apple: "Họ nghĩ họ là ai chứ?". Còn Sundar Pichai, CEO Google và Steve Wozniak, người cùng Steve Jobs xây dựng Apple từ những ngày đầu, bày tỏ quan điểm ủng hộ quyết định không tạo cổng hậu trên iPhone của Tim Cook.
Trong khi đó, hãng nghiên cứu Pew đã tiến hành khảo sát từ ngày 18/2 đến 21/2 và nhận thấy có tới 51% những người tham gia cho rằng Apple nên hỗ trợ FBI mở khóa, 38% đứng về phía của Apple và 11% không chọn phe nào.
Châu An