Tòa án yêu cầu Apple cần hỗ trợ Cục Điều tra liên bang Mỹ FBI trong việc mở khóa chiếc iPhone của Syed Farook - kẻ cùng với vợ mình đã giết 14 người ở San Bernardino, California (Mỹ) cuối năm ngoái. Tuy nhiên, Tim Cook, CEO Apple, tuyên bố họ đã cung cấp đầy đủ những thông tin có thể cho cảnh sát, nhưng sẽ không bao giờ tạo cổng hậu (backdoor) trên iPhone.
"Tôi ủng hộ Tim Cook. Chúng ta không thể quyết định mọi việc dựa trên cảm xúc", Steve Wozniak trả lời CNNMoney. Dù ai cũng phẫn nộ trước trước hành động khủng bố đẫm máu ở San Bernardino, nhưng không thể lấy đó làm cớ yêu cầu Apple tạo "chìa khóa" thâm nhập điện thoại của người dùng.
Wozniak cho rằng tạo điều kiện cho FBI mở khóa iPhone của khách hàng cho thì cũng sẽ mở đường cho hacker tấn công những chiếc iPhone khác.
Steve Wozniak. Ảnh: CNN. |
Trước đó, Sundar Pichai, Tổng giám đốc Google, cũng ủng hộ Tim Cook và nói rằng ông hiểu những thách thức mà các nhà thực thi luật pháp đang phải đối mặt trong việc bảo vệ người dân trước khủng bố, nhưng không thể đòi hỏi các công ty công nghệ phát triển công cụ hack thiết bị và dữ liệu của khách hàng.
Ngược lại, tỷ phú Donald Trump, ứng viên đang tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, giận dữ chỉ trích Apple: "Họ nghĩ họ là ai chứ?".
Ngày 18/2, khoảng 30 người đã tập trung trước Apple Store tại San Francisco (Mỹ) để ủng hộ Apple trong cuộc đấu tranh pháp lý với FBI. Dự kiến, cuộc biểu tình tương tự với khẩu hiệu "Đấu tranh cho tương lai" tiếp tục mở ra ở New York, Boston và Minneapolis tuần tới.
Châu An