Uỷ ban Đặc nhiệm về tôm CITAC sẽ ra mắt sáng mai (giờ Hà Nội). |
Cơ quan chuyên trách nói trên mang tên Uỷ ban Đặc nhiệm về tôm CITAC, là lực lượng liên minh giữa CITAC và Hiệp hội Các nhà Phân phối Hải sản Mỹ (ASDA). Với tôn chỉ mục đích là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng như của cả ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, uỷ ban sẽ can thiệp nhằm ngăn chặn việc áp thuế chống bán phá giá phi lý đối với tôm nhập khẩu từ 6 nước.
Theo kế hoạch vào 1h chiều 1/4 (giờ Washington) CITAC và ASDA làm lễ ra mắt uỷ ban tại phòng Zenger, Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia, số 529, đường 14, Washington D.C.
Trong thông cáo phát đi chiều nay, CITAC khẳng định, vụ kiện trị giá 2,4 tỷ USD do một nhóm thiểu số ngư dân câu tôm nội địa chống lại tôm nhập khẩu có thể xoá sổ trên 70% nguồn cung ứng tôm cho thị trường Mỹ và đẩy hàng nghìn công nhân lâm vào cảnh thất nghiệp. Và theo CITAC, nếu Uỷ ban Hiệp thương Quốc tế Mỹ (USITC) cũng như Bộ Thương mại Mỹ ( DOC) cùng đồng ý mức thuế cao mà bên nguyên đề xuất thì hoạt động của CITAC, ASDA cũng như vô số nhà hàng, khách sạn, quầy bán lẻ thực phẩm, cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng phải gánh chịu thiệt hại đầu tiên.
Thống kê của CITAC cho thấy, lượng tôm đến từ Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador và Brazil hằng năm trị giá tới 2,4 tỷ USD và chiếm 71% thị phần tôm nhập khẩu tại Mỹ. "Tôm là nguồn hải sản số 1 tại Mỹ. Hàng nghìn nhà hàng, khách sạn và quầy bán lẻ thực phẩm đang phải lệ thuộc vào nguồn tôm nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước. Vụ kiện này sẽ làm tổn hại lợi ích của người tiêu dùng, tước đi cái quyền được lựa chọn nhiều chủng loại sản phẩm với giá hợp lý. Vì vụ kiện sẽ đe doạ nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng cũng như các ngành sản xuất hàng tiêu dùng, chúng tôi buộc phải vào cuộc để bảo vệ họ", CITAC tuyên bố.
Song Linh