Gần ba tuần qua, nước Mỹ chìm trong biểu tình bạo lực sau cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu bị cảnh sát ghì gáy gần 9 phút ở Minneapolis. Tình trạng bạo lực cảnh sát, phân biệt chủng tộc một lần nữa khiến phong trào "Mạng người da màu cũng quan trọng" sục sôi khắp nước Mỹ, từ thành phố New York tới Farmington, Missouri.
Không chỉ khoét sâu thêm vết thương của cộng đồng người Mỹ gốc Phi, cái chết của Floyd và làn sóng biểu tình sau đó còn gây tổn thương cho cộng đồng người gốc Á theo nhiều cách phức tạp hơn.
Trước đó, cộng đồng gốc Á ở Mỹ đã phải đối mặt với nhiều vấn đề như Covid-19, đại dịch khiến nhiều người trở thành đối tượng của kỳ thị và bạo lực, cũng như căng thẳng leo thang trong quan hệ Mỹ - Trung.
"Đây là tình huống tồi tệ nhất có thể. Bạn phải đối mặt với sự chia rẽ về chủng tộc, bên cạnh cuộc chiến thương mại, văn hóa, Chiến tranh Lạnh và thậm chí một số người còn dự đoán về nguy cơ xung đột vũ trang", Frank Wu, chủ tịch Trường Queens, Đại học thành phố New York, cho hay.
Wu thêm rằng người Mỹ gốc Á đang bị cuốn vào cuộc tranh luận về chủng tộc dù họ muốn hay không. "Không tồn tại thái độ trung lập trong tình huống này. Nếu bạn nói không đứng về bên nào, mọi người sẽ xem đó là một phe", ông nói.
Cộng đồng gốc Á phần lớn ủng hộ cải cách hành pháp và các biện pháp nhằm ngăn chặn cái chết như của Floyd, Breonna Taylor, Ahmaud Arbery và nhiều người da màu khác. Tuy nhiên, các quan điểm gây tranh cãi vẫn xuất hiện.
Ủy ban người Mỹ gốc Á (ACC) có trụ sở ở Boston, đã làm dấy lên tranh luận khi nói rằng ngay trong cộng đồng người Mỹ gốc Á vẫn tồn tại quan điểm kỳ thị người da đen, khi chỉ ra thực tế "kinh khủng và khó chấp nhận" là Tou Thao, một cảnh sát người Mỹ gốc H'mông, đã đứng ngay cạnh khi Floyd bị ghì chết.
Tuyên bố của AAC lập tức vấp phải chỉ trích. Wilson Lee, đồng sáng lập Liên minh Công dân Mỹ gốc Hoa và Người Mỹ gốc Hoa thế hệ thứ 6 ở Boston, cho rằng tuyên bố trên đã "phủ nhận" đóng góp của nhiều người Mỹ gốc Hoa nhằm giúp đỡ các nhóm thiểu số, đặc biệt là người da đen.
Trung tâm Phát triển Kinh doanh của người Mỹ gốc Á (AABDC) đã cùng với các tổ chức dân sự như Hispanic Federation và 100 Black Men of America gây quỹ mua khẩu trang y tế phân phát cho các cộng đồng da đen và người gốc Tây Ban Nha ở Mỹ.
Lee khẳng định tuyên bố của ACC đã hạ thấp thái độ thiện chí và hoạt động từ thiện mà nhiều nhóm cố gắng làm vì người Mỹ da đen. "Có rất nhiều kẻ điên khùng ngoài kia không mấy quan tâm đến George Floyd, hay vấn đề bình đẳng, mà chỉ muốn lợi dụng tình hình này", Lee nói.
Chia rẽ bắt đầu xuất hiện trong cộng đồng người Mỹ gốc Á vài ngày sau cái chết của Floyd, khi Eileen Huang, sinh viên Đại học Yale đăng bức thư lên mạng về việc kỳ thị người da đen. Huang nói làn sóng kỳ thị này "lan tràn trong cộng đồng người Mỹ gốc Á và nếu không được kiểm soát, nó sẽ dẫn tới tình trạng bạo lực".
Huang thêm rằng từ lâu người Mỹ gốc Á đã có nhiều định kiến và tuyên bố kỳ thị người da đen. "Tôi đã từng nghe nhiều người thân, bạn bè và thậm chí bố mẹ nói nhiều điều không hay về cộng đồng da đen, như họ lớn lên ở các khu phố tệ nạn, hay gây ra nhiều tội ác. Họ không muốn tôi giao du gì với người da đen", Huang chia sẻ.
Lá thư của Huang đã cho thấy quan điểm khác biệt giữa các thế hệ người Mỹ gốc Hoa về vấn đề chủng tộc. Tuy nhiên, Yingyi Ma, phó giáo sư xã hội tại Đại học Syracuse, New York, cảm thấy ấn tượng về lá thư của Huang khi nó cho thấy mọi người trong cộng đồng dám nêu ra lập trường của mình về các vấn đề xã hội.
Các cuộc tranh luận cũng bắt nguồn từ quan điểm khác nhau về màu da ảnh hưởng như thế nào tới cộng đồng gốc Á ở Mỹ, theo Russell Jeung, giáo sư nghiên cứu về người Mỹ gốc Á tại Đại học San Francisco.
"Người gốc Á khó có thể tìm được vị trí của mình trong xã hội Mỹ. Do đó, khi nhắc tới phong trào Mạng người da màu cũng quan trọng, họ không biết liệu nên đứng về người da trắng hay da đen. Họ không phải da trắng và cũng không phải người da đen, nên họ phải xác định liệu mình là người trong cuộc hay ngoài cuộc trong phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ", Jeung nói.
Thanh Tâm (Theo SCMP)