Quyền được sửa chữa là khái niệm khá mới, bắt nguồn từ nước Mỹ. Về cơ bản, quyền sửa chữa là quyền được tự sửa chữa hoặc nhờ bên thứ ba sửa chữa một món đồ thuộc sở hữu hợp pháp mà không phải phụ thuộc vào nhà sản xuất.
Theo Smithsonianmag, đồ điện tử càng ngày càng khó sửa vì thiết kế của chúng càng ngày càng phức tạp. Nhưng đôi khi, sự phức tạp ấy là có chủ đích của nhà sản xuất. Họ đặt ra nhiều "chướng ngại vật" để hạn chế khả năng chủ động chỉnh sửa thiết bị thuộc sở hữu của người dùng.
![Loại ốc vít chuyên biệt có tên pentalobe của Apple.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/12/05/Anh-1-7043-1542944486-1427-1544001908.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=f40agoAbTyjgglYvIw8yTA)
Loại ốc vít chuyên biệt có tên "pentalobe" của Apple.
Apple đã thiết kế ra loại ốc vít chuyên biệt để ngăn người dùng và đại lý độc lập "mổ xẻ" iPhone và Macbook. Nhiều năm liền, laptop của Apple có phần bộ nhớ và ổ cứng dính chặt vào thân máy khiến người mua không thể nâng cấp, sửa, hoặc thay thế mà buộc phải chọn từ lúc mua.
Theo LA Times, tháng 11 vừa qua, Apple thừa nhận mẫu laptop mới nhất của hãng được trang bị con chip có thể tự động tắt máy nếu phát hiện có bộ phận bị thay thế, trừ phi bộ phận ấy được cài đặt bằng phần mềm chỉ cửa hàng Apple và kỹ thuật viên chính hãng mới có.
Không chỉ Apple, một số nhà sản xuất máy kéo nông nghiệp như Deere & Co cũng phải đối mặt với sự phản đối của nông dân vùng Midwest khi tập đoàn này từ chối cho họ toàn quyền tiếp cận với mã phần mềm cài đặt trong máy kéo. Điều này khiến khách hàng phải vận chuyển bộ phận hư hỏng tới cơ sở sửa chữa chính hãng cách xa nông trại và thường đi kèm phí dịch vụ cao. Nhiều năm trước, nông dân vẫn hoàn toàn có thể tự sửa máy kéo ngay tại địa phương để tiết kiệm thời gian, vốn là thứ rất đáng quý với người làm nông.
Nhà sản xuất có nhiều lợi ích khi hạn chế việc sửa chữa. Đầu tiên là để hưởng lợi từ vòng đời ngắn ngủi của sản phẩm. Nếu việc sửa chữa có chi phí gần ngang bằng việc mua mới, vậy khách hàng thường sẽ vứt bỏ máy cũ và mua sản phẩm mới, làm tăng doanh số bán hàng.
Thứ hai, để thu lợi nhuận từ việc sửa chữa hoặc từ các cửa hàng cung cấp dịch vụ sửa chữa bị phụ thuộc vào nhà sản xuất. Thông thường để được công nhận là cơ sở sửa chữa chính hãng, các nơi này sẽ phải trả một khoản phí và phải lấy phụ tùng thay thế từ nhà sản xuất.
Những người ủng hộ quyền được sửa chữa cho rằng, nếu nhà sản xuất chính hãng giữ độc quyền sửa chữa, họ hoàn toàn có thể ấn định mức giá tùy ý và thường rất đắt đỏ. Ngoài ra, việc cố tình làm giảm vòng đời của sản phẩm sẽ có hậu quả khôn lường về tài nguyên và môi trường. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ cho biết, người Mỹ ném đi 129 triệu điện thoại di động mỗi năm, trong khi số lượng được tái chế ít hơn 12 triệu..
Đáp trả phong trào "quyền được sửa chữa", các nhà sản xuất lớn thường viện dẫn lý do như: việc nới lỏng chính sách sửa chữa có thể dẫn tới chất lượng dịch vụ giảm sút, thậm chí khiến khách hàng dễ trở thành nạn nhân của hacker. Một số còn cho rằng không thể tin tưởng để người dùng chỉnh sửa máy móc vì e ngại "chữa lợn lành thành lợn què" hoặc tự làm thương chính mình.
![Máy kéo của công ty Deere & Co được bảo mật bằng phần mềm. Ảnh: Getty Image.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/12/05/Anh-2-2956-1542944486-8771-1544001910.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8VHuu2WeK_kkni5Wn2Az8w)
Máy kéo của công ty Deere & Co được bảo mật bằng phần mềm. Ảnh: Getty Image.
Một số công ty khác khẳng định việc sửa chữa không được cấp phép có thể xâm phạm vào bằng sáng chế hoặc bí mật công nghệ của nhà sản xuất, khiến tài sản trí tuệ có nguy cơ bị đánh cắp. Gay Gordon-Byrne, giám đốc điều hành Repair Assn (một tổ chức hoạt động thúc đẩy quyền được sửa chữa) phản bác rằng việc sửa chữa không thể xâm phạm vào bằng sáng chế công nghiệp vì sửa chữa không đồng nghĩa với sản xuất.
Tuy còn mới mẻ, phong trào đòi quyền được sửa chữa bước đầu đã dành được một số thành công nhất định. Năm 2012, bang Massachusetts (Mỹ) đã thông qua đạo luật Quyền Sửa chữa của Chủ phương tiện có động cơ, theo đó buộc nhà sản xuất xe phải cung cấp tài liệu và thông tin cần thiết (như sổ tay hướng dẫn bảo dưỡng) để chủ xe có thể tự sửa chữa phương tiện của mình.
Tháng 5 vừa qua, Ủy ban Thương mại Liên bang của Mỹ ra cảnh cáo với 6 tập đoàn công nghệ lớn là Hyundai, Asus, HTC, Microsoft, Sony, và Nintendo. Lý do được đưa ra là chính sách bảo hành sản phẩm của các tập đoàn này có thể đã vi phạm vào Đạo luật Bảo hành Magnuson-Moss 1975. Theo đó, nhà sản xuất của những sản phẩm có giá trị trên 5 USD không được phép đặt giới hạn về người sửa chữa sản phẩm.
Trước đó, 6 tập đoàn trên quy định chỉ cần sản phẩm được sửa chữa bởi bên thứ ba hoặc sử dụng linh kiện thay thế của bên thứ ba là sẽ mất bảo hành. Tới nay, Hyundai, Nintendo và Sony đã mở rộng phạm vi bảo hành, theo đó thì sản phẩm sẽ chỉ không được bảo hành nếu chẳng may bị hư hỏng khi sử dụng linh kiện thay thế của bên thứ ba hoặc trong quá trình sửa chữa bởi bên thứ ba.
Tháng 10, Thư viện Quốc hội Mỹ đã phê duyệt bản sửa đổi đối với Luật bảo vệ bản quyền tác giả (DMCA). Với sửa đổi này, người dùng sẽ được phép vượt qua (hack) cơ chế bảo vệ tác quyền trong các phương tiện trên mặt đất (ví dụ như máy kéo nông nghiệp), smartphone, hoặc đồ gia dụng với mục đích sửa chữa hoặc bảo dưỡng thiết bị thuộc sở hữu hợp pháp.
Các nhà hoạt động cho rằng quyền được sửa chữa có thể không có tầm quan trọng ngang với một số quyền không thể bị tước bỏ của con người như quyền sống, quyền riêng tư, quyền không bị phân biệt đối xử... Nhưng đặt trong bối cảnh xã hội hiện đại, quyền được sửa chữa mang một ý nghĩa lớn lao đối với phương diện sở hữu, tài chính cá nhân, và sự bền vững của môi trường.