"Về nội mới có nước tắm giặt chứ ở đây ngứa ngáy hoài chịu sao nổi", người phụ nữ 62 tuổi nạt hai đứa trẻ. Trước khi cháu lên xe bà còn gọi chúng lại dặn dò "tối nhớ gọi điện cho ngoại đỡ nhớ".
Hai tuần cố gắng cầm cự trong cảnh thiếu nước sinh hoạt nhưng đến hôm nay gia đình 6 người của bà biết là không thể chịu được nữa. Mọi người quyết định chia nhau đi ở nhờ nhà bà con, họ hàng mỗi nơi một ngả.
Nhà bà Thu ở ấp 4, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông. Là huyện ven biển nên đây cũng là địa phương đầu tiên của miền Tây công bố tình hình khẩn cấp do xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng ở hàng nghìn hộ dân.
Bước vào mùa hạn, người phụ nữ mang thau hứng từ vòi suốt đêm nhưng được vài hôm nước ngừng hẳn, sinh hoạt gia đình đảo lộn. Niềm hy vọng duy nhất lúc này của họ là nước từ vòi công cộng hoặc các xe chở nước thiện nguyện của các nhà hảo tâm từ TP HCM, Bình Dương, TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) đổ về cứu trợ.
Tuy nhiên, con gái đi làm xa nên tuần chỉ về nhà vài lần, bà Thu mổ cột sống bốn năm trước, vẫn còn đeo đai nịt lưng nên không thể xách nước về nhà. Bà chỉ có thể nhờ hàng xóm giúp nhưng không nhiều, mỗi ngày từ 5 đến 6 can loại 20 lít, mấy bà cháu chắt chiu.
"Nhờ họ nhiều thì sợ phiền nhưng không còn cách nào khác", bà Thu nói. Bà buộc phải khắt khe hơn với chính mình và ba đứa cháu 12, 10 và 3 tuổi. Quần áo hiếm khi được giặt. Để đỡ hôi, mỗi ngày bà bắt cả nhà cởi ra giũ sạch, phơi nắng để mùi cơ thể, mùi mồ hôi bay bớt rồi hôm sau mặc lại. Mỗi lần tắm, bà đong chỉ khoảng nửa xô, không dùng sữa tắm, xà phòng vì "từng đó nước sao đủ sạch bọt".
"Hôi thì còn cố chịu được chứ tắm rửa không thường xuyên, tối nào tụi nhỏ cũng trở mình gãi ngứa, trằn trọc mãi không ngủ được. Nghĩ tội", bà Thu giải thích. Chưa kể các cháu còn phải đi học, ăn uống, vệ sinh tiêu tiểu thường xuyên.
Bà Thu bàn với con gái gửi hai đứa cháu 10 tuổi và 3 tuổi về nội cách đó 10 km, gần chợ và nguồn nước ổn định hơn, còn bà ở lại cùng đứa cháu gái 12 tuổi phụ xách nước, việc vặt trong nhà.
Những ngày cao điểm hạn mặn, chị Triệu Thị Trọn, 48 tuổi, sống trong cảnh ngày ngủ đêm thức để canh nước. Chiếc điện thoại của chị chuyển báo thức từ 5h sang 23h để dậy vì đó là "giờ đẹp" để hứng nước.
Chị có hai con trai, một người đã lập gia đình, hai con bốn và năm tuổi. Vợ chồng chị nhận nhiệm vụ thức đêm canh và hứng nước để các con ngủ trọn giấc sáng sau đi làm.
Báo thức reo, chị Trọn vội vã lấy bốn túi nhựa lớn, chục xô, lu lớn để hứng. Dòng nước vẫn yếu hơn thường ngày nên cần người canh để ngắt nước, chuyển qua dụng cụ hứng khác. Khoảng 2h, chồng chị dậy phụ xách nước và thay ca canh giúp đến sáng.
"Ngả lưng được hai tiếng lại gà gật thức dậy cho dê ăn, cơm nước, tắm rửa cho mấy đứa nhỏ", chị nói. "Bốn năm nay, hạn mặn mới trở lại nghiêm trọng nên không kịp chuẩn bị gì".
Nhưng điều này không làm chị lo bằng đến buổi chiều, bể chứa trong nhà lại cạn nhưng nước từ vòi không chảy nữa, dù họ đã dùng rất tiết kiệm. Nước rửa rau xong mang rửa chén, dội nhà vệ sinh. Chị Trọn tắm cháu trong thau rồi lấy nước đó dùng lại cho việc lau nhà.
Hết cách, chị mang can ra trạm công cộng thì thấy gần chục người đứng chờ, phải xếp hàng gần nửa tiếng.
Cách đó 3 km, chị Hồng Điệp, 48 tuổi, cũng nằm trong dòng người chờ hứng nước. Người phụ nữ mắc bệnh xương khớp, không dám xách nặng phải viết tên mình lên thùng, nhờ con trai đi học về chở giúp. Ở nhà chị Điệp còn mẹ già, chồng đi biển đánh cá mỗi tháng về một lần.
Gần tháng nay, chị Điệp dường như không thể tập trung cho sạp hải sản của mình, bởi lo chuyện nước. Chiều tối, nước tích trữ trong nhà đã dần cạn mà không nghe tin có đoàn từ thiện chở nước về xóm ngày mai là lòng chị thấp thỏm.
Điện thoại chị lưu thêm chục số các đoàn từ thiện ở các tỉnh, thành, nhờ kết nối với người dân cần nước trong ấp. Điệp nói chị thấy ngại bởi con trai phải bớt thời gian học bài buổi tối, gánh nước phụ mẹ.
Ông Nguyễn Văn Một, trưởng ấp Kinh Dưới, xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông cho biết tình trạng hạn mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Ấp đã bố trí vòi nước công cộng nhưng không đủ cho hàng trăm hộ. Những nhà trồng sơ ri, thanh long hiện phải dừng hết việc đồng áng.
Người dân chủ yếu dùng nước tinh khiết đóng chai để ăn uống. Khu vực vòi công cộng đông nhất vào khung 7-9h sáng, ban đêm vẫn có người xếp hàng do công nhân đi làm về khuya và vòi chảy mạnh hơn.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long năm nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như 2015-2016 và 2019-2020. Các đợt xâm nhập mặn sẽ đạt đỉnh trong tháng 4-5 (8-13/4, 22-28/4, 7-11/5).
Hạn mặn năm nay dự báo sẽ khiến 30.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, 20.000 ha lúa đông xuân gieo sạ ngoài lịch khuyến cáo bị thiếu nước.
Kể từ khi gửi cháu đi, nhà bà Thu trở thành điểm tập kết trong ấp để dân trong xóm mang can nhựa đến gửi. Ngôi nhà nằm ngay đầu ngõ, tiện cho các xe chở nước từ thiện dừng đỗ để mọi người bơm.
Tối 12/4, trong lúc con gái khiêng thùng nước vào nhà, bà Thu gọi điện cho cháu ngoại. "Tôi chỉ mong mùa này qua mau để đón cháu về nhà", bà nói.
Ngọc Ngân