Thứ tư, 1/5/2024
Thứ bảy, 6/4/2024, 05:00 (GMT+7)

Miền Tây 'khát' nước

Đồng bằng sông Cửu Long mùa này kênh rạch trơ đáy, đường sá sụt lún, lúa chết vì ruộng đồng khô khốc, nứt nẻ, người dân phải mang can nhựa xếp hàng ngày đêm xin nước.

Kênh Rạch Ráng rộng 50 m đi qua thị trấn Trần Văn Thời (Cà Mau) cạn khô sau đợt nắng nóng kéo dài, lòng kênh chỉ còn lại lạch nước nhỏ rộng khoảng một mét vào đầu tháng 4.

Người dân địa phương cho biết, ngày thường kênh sâu khoảng 3 m, ngoại trừ đợt hạn mặn lịch sử năm 2019, đây là lần thứ hai kênh cạn khô. Lo ngại kênh khô nước quá lâu gây sụt lún, nhiều nhà dân tranh thủ gia cố lại nền móng trước khi mùa mưa đến.

Hiện, huyện Trần Văn Thời có hơn 130 tuyến kênh bị sụt lún, sạt lở với 550 điểm, tổng chiều dài hơn 14.500 m, ước thiệt hại hơn 19 tỷ đồng.

Em Nguyễn Gia Kiệt (học sinh lớp 4) dễ dàng qua lại hai bờ bằng cách đi dưới lòng kênh mà không cần ghe xuồng, để đến trường tiểu học Khánh Hải 1.

Ông Nguyễn Văn Bá, 70 tuổi, cho biết hiện mỗi tháng gia đình mất khoảng 10 triệu đồng vì không thể bán được chuối, dừa trong vườn.

"Đường sụt lún, kênh cạn nước thương lái không vào mua nông sản được. Ba tháng nay thu nhập gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng", lão nông nói, cho biết chuối chỉ để chim ăn, còn dừa lên mộng phải bỏ.

Cách nhà ông Bá khoảng 6 km, gia đình bà Dương Thị Mai mỗi tháng tốn hơn một triệu đồng tiền điện để bơm nước dưới đìa gần nhà phục vụ sản xuất 2 ha rau muống, cải, hẹ.

"Lượng nước dưới đìa chỉ còn đủ tưới khoảng một tháng nữa. Nếu dùng nước bơm từ trụ nước ngầm thì tiền điện sẽ tăng thêm rất nhiều", bà Mai nói, cho biết vài tháng tới dự định dừng trồng rau vì thiếu nước tưới.

Cách vùng khô hạn Cà Mau hơn 200 km, cánh đồng lúa đông xuân muộn hơn 100 ha tại xã Long Đức, huyện Long Phú, Sóc Trăng, thiếu nước gần một tháng nay, nhiều thửa ruộng khô khốc. Đây là diện tích lúa gieo sạ ngoài lịch khuyến cáo của chính quyền địa phương. Hiện khoảng 30 ha người dân đã xới bỏ lúa, chờ mưa xuống làm lại vụ mới. Các diện tích còn lại đang giai đoạn làm đồng, nông dân đánh liều bơm nước nhiễm mặn, hy vọng cứu cây lúa.

Đứng bên đám lúa đang trong giai đoạn làm đòng bị èo uột, lá cháy vàng, bà Trần Thị Hằng, 53 tuổi, ấp Tân Hưng, xã Long Đức, cho biết thửa ruộng một ha bị thiếu nước khoảng một tháng nay. "Tiền giống, phân thuốc hơn 10 triệu đồng đã đổ xuống, xới bỏ thì tiếc đứt ruột nên tôi bàn với chồng bơm nước mặn vào ruộng, hy vọng lúa hồi sinh để vớt vát chút đỉnh vốn", bà nói.

Tình trạng thiếu nước cũng ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân huyện Gò Công Đông, Tiền Giang, cách vùng khô hạn Sóc Trăng hơn 200 km.

Nhà có 3 bể xi măng và nhiều lu chứa nước mưa để dành uống, nhưng do kênh khô cạn, gia đình ông Phạm Văn Đôi, 74 tuổi, xã Tân Phước, phải dùng cho cả sinh hoạt hàng ngày. "Mấy tháng nay không mưa, nước trong bồn cũng cạn rồi phải ra chợ mua nước về uống", ông Đôi nói.

Hạn mặn gay gắt làm kênh rạch trơ đáy, ảnh hưởng sinh hoạt của khoảng 3.000 hộ dân ven biển huyện Gò Công Đông.

Anh Nguyễn Thanh Lộc ở xã Tân Phước chở nước miễn phí cho những người già trong ấp 3. Nhiều tháng qua, dân nơi đây không còn nước để sinh hoạt, nhiều người phải đi lấy nước từ các vòi nước công cộng ở xã khác và từ các xe chở nước miễn phí. "Mỗi ngày tôi đều chở một chuyến cho những người già ở xa không lấy được nước", anh Lộc nói.

Cả ngày đêm, người dân dùng các loại can 20-30 lít để lấy nước. Họ cho biết khu vực này không có nước máy, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu dựa vào nước kênh nhưng suốt nhiều tháng qua không có mưa khiến kênh rạch khô cạn. Mọi người trong nhà đều thay phiên nhau chở nước từ các trạm tiếp nước cách nhà vài trăm mét hoặc chờ các xe chở nước từ thiện.

"Mệt mấy cũng phải đến chở vì xe đi rồi không có nước xài", anh Lê Hoàng, ấp 3, xã Tân Phước, nói trong lúc cùng hàng chục người khác ngồi chờ xe tiếp nước đến.

Xâm nhập mặn nồng độ 4 phần nghìn tính từ cửa biển ở các con sông lớn tại miền Tây thời điểm cuối tháng 3. Đồ hoạ: Khánh Hoàng

Theo Trung tâm dự báo thuỷ văn quốc gia, thời gian tới khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục nắng nóng trên diện rộng, nhiệt độ cao nhất phố biến từ 35-36 độ C. Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở khu vực từ ngày 8 đến 13/4, 22 đến 28/4 và 7 đến 1/5. Các đợt này chưa gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020, song ảnh hưởng nhiều đến đời sống và sản xuất của người dân.

Hoàng Nam - Thanh Tùng - Chúc Ly