Một nghiên cứu xã hội vừa công bố sáng 7/3 tại Hà Nội đã chỉ ra yếu tố vùng miền ảnh hưởng khá lớn đến vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam. Người miền Bắc, kế đó là người miền Trung, đề cao nam giới trong vai trò nối dõi tông đường, đặc biệt là nghĩa vụ thờ cúng tổ tiên.
Khảo sát trên hơn 8.400 phụ nữ và nam giới trong độ tuổi 18 đến 65, tại 9 tỉnh và thành phố Việt Nam từ năm 2012 đến năm 2015 cho thấy, có 72% phụ nữ miền Bắc quan niệm "gia đình nhất thiết phải có con trai" để thờ cúng tổ tiên, tiếp đó 53% phụ nữ miền Trung và chỉ có 34% phụ nữ miền Nam nghĩ như vậy.
Nam giới ba miền cũng có tỷ lệ tương tự, 76% đàn ông miền Bắc được hỏi quan niệm như trên, nhưng chỉ có 39% đàn ông miền Nam cùng ý kiến đó.
Với câu hỏi "gia đình có nhất thiết phải đẻ con gái" để "thờ cúng tổ tiên" và "nối dõi tông đường", điều tra ghi nhận không một phụ nữ miền Bắc nào chọn phương án này. Những người cho rằng con gái có thể đảm đương cả hai vai trò này tập trung chủ yếu ở miền Nam.
"Ở đây thì hầu như không có nhà nào là thờ cúng cả bên nội, bên ngoại cả. Chưa nghe bao giờ. Kể cả gia đình không có con trai mà con gái đi lấy chồng muốn thờ cúng bố mẹ mình cũng không được phép. Thờ đâu không biết nhưng mà không cho đem về. Nhà này là để thờ cúng bố mẹ chồng, không thể đem ảnh thờ, bát hương bố mẹ mình để cạnh bố mẹ chồng được", nhóm phụ nữ ở Hưng Yên tham gia khảo sát cho biết.
Trong khi đó một nam giới 55 tuổi ở Long An thì quan niệm ngược lại. "Chính gia đình tôi và bản thân tôi vừa cúng bên nội và đồng thời vừa cúng bên cha vợ tôi luôn. Tại vì cha vợ chỉ có mình vợ tôi". Người đàn ông này cho biết thêm, bố mẹ anh cũng không có ý kiến gì về việc này.
Kết quả này là một phần trong nghiên cứu "Các yếu tố xã hội quyết định bất bình đẳng giới ở Việt Nam", do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội thực hiện, dưới sự tài trợ của Chính phủ Australia. Khảo sát thực hiện tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Thái Bình, Phú Thọ, Lâm Đồng, Bình Thuận, Vĩnh Long, Tây Ninh.
Phan Dương