Vừa sinh cô con gái thứ hai được 6 tháng, chị Chung (Phú Diễn, Hà Nội) rất vui khi biết thông tin sắp tới những gia đình như nhà mình có thể được chính phủ hỗ trợ. "Không phải vì mình quá khó khăn, hai vợ chồng vẫn đủ khả năng nuôi các con, nhưng nếu các cháu được ưu tiên trong quá trình đi học, tạo việc làm... thì vẫn tốt. Hơn nữa, mình lại có thêm một 'vũ khí' để nói lại những ai châm chọc vì nhà mình chỉ có... vịt giời", chị Chung nói.
Chị cho biết, khi biết đứa con thứ hai là bé gái, chồng chị đã bị đám bạn công kích, trêu chọc. Và điều này khiến anh - dù có tư tưởng khá thoáng - cũng tỏ vẻ bực bội, chán nản.
"Con cái là lộc trời cho, chẳng thể lựa chọn nhận hay không dù trai hay gái. Mình nghĩ chính sách vừa đề xuất của Bộ Y tế là một thông điệp về sự quan tâm, tầm quan trọng của phụ nữ", chị Chung bày tỏ.
Chia sẻ với Vnexpress.net, độc giả Ngo Duc Hieu cho rằng, đây là một chính sách đúng đắn, nhưng để cân bằng tỷ lệ sinh nam-mữ, chính phủ cần có một chính sách đồng bộ, từ nhiều khía cạnh: Văn hóa, kinh tế... Theo anh, việc hỗ trợ tiền chỉ tạo được một chút khuyến khích về kinh tế, để làm được triệt để cần trả lời được tận gốc câu hỏi: "Tại sao mọi người thích sinh con trai?".
Độc giả Hieu góp ý: "Các nhà văn hóa vào cuộc góp phần xây dựng hương ước với những hướng dẫn về cúng lễ gia tiên khi sinh con gái, con rể cần cúng lễ thế nào với nhà vợ"...
Độc giả Soleil cũng cho rằng, các chính sách này giúp các gia đình sinh con gái giảm chi phí nuôi con, và khuyến khích từ bỏ ý định phá thai nếu phát hiện thai nhi là con gái (vì trong tương lai sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn sinh con trai).
"Dĩ nhiên sẽ chỉ có một số ít làm theo, nhưng vẫn tốt hơn là không ai làm gì và sinh toàn con trai. Tỉ lệ hiếp dâm và phạm tội ở Ấn Độ tăng cao cũng là do mất cân bằng giới tính", anh nói.
Bên cạnh đó, không ít người bày tỏ sự nghi ngại trước hiệu quả của đề xuất ưu tiên cho các gia đình sinh con một bề là nữ.
Bạn đọc Minh Anh bày tỏ: "Tôi nghĩ biện pháp này chỉ mang tính khuyến khích, hiệu quả sẽ không cao lắm. Bởi vì đối với người trọng nam khinh nữ thì tư tưởng của họ là quyết tâm có con trai, có khi bằng mọi giá, kể cả ly dị lấy vợ khác".
Theo anh, chính sách này chỉ có ý nghĩa "an ủi" những nhà sinh toàn con gái chứ hoàn toàn chẳng có tác dụng gì với việc khuyến khích không sinh thêm con trai. Thực tế, những người đã muốn có con trai thì đâu quan tâm đến vài đồng hỗ trợ của nhà nước. "Nếu gia đình sinh hai con gái nhận được một cục tiền, sau đó sinh thêm đứa thứ ba là con trai thì nhà nước tính sao? Đi đòi lạ? Nên sử dụng tiền để lập quỹ hỗ trợ các em nữ sinh học giỏi hay hỗ trợ dạy nghề đào tạo công nhân nữ thì có thể có tác dụng hơn", anh nói.
Cùng ý kiến này, độc giả Phạm Viết Khai cho rằng, chẳng ai vì món tiền, dù lớn cỡ nào, để sinh con ra rồi nhận tiền. Thậm chí theo anh đây là một hành động phân biệt giới.
Kết quả khảo sát nhanh của Vnexpress.net cho thấy, trong số gần 2.800 người được hỏi, có tới 84% ủng hộ chủ trương khuyến khích các gia đình sinh con gái.
Trước chính sách này, các chuyên gia cũng có những ý kiến khác nhau, nhưng tựu chung đều cho rằng khó giải quyết được gốc rễ vấn đề.
Tiến sĩ Giang Thanh Long, Phó viện trưởng Viện chính sách công và quản lý cho rằng đề xuất thưởng tiền cho các gia đình sinh con một bề là nữ có thể là một động lực kinh tế và tác động được tới tâm lý người dân. Tuy nhiên, tâm lý thích con trai còn chịu nhiều tác động khác lớn hơn, chứ không chỉ về kinh tế, như sức ép từ họ hàng, gia đình...
Ông Long cho rằng việc hỗ trợ một lần sẽ không mang lại hiệu quả, kể cả là số tiền lớn, khi trong thâm tâm người ta mong mỏi có con trai.
Ông dẫn chứng, Nhật Bản khi muốn khuyến khích sinh đã hỗ trợ 300.000 yên (khoảng gần 4000 USD) ngay khi một cặp vợ chồng sinh con nhưng sau 5-7 năm, tỉ suất sinh ở nước này vẫn không thay đổi. Lý do là người ta ngại sinh vì còn lo nhiều thứ khác liên quan đến đứa trẻ như chi phí chăm sóc, y tế, giáo dục, thời gian...
Hơn nữa, khi đề ra chính sách, cần phải tính đến chi phí, xem bao nhiêu hộ có con gái, họ cần hỗ trợ bao nhiêu ban đầu, lúc đi học, lúc đi làm... Nếu làm được như vậy thì các hộ có con gái mới dám kỳ vọng có chế độ an sinh từ nhà nước.
Ông cho rằng, nếu làm được lâu dài, tức là có những chính sách cụ thể, lâu dài, chăm sóc được một gia đình có con gái từ lúc họ sinh con tới khi nuôi dưỡng, cho đi học, đi làm thì sẽ hiệu quả hơn... nhưng cách này cũng khó khả thi khi hiện nay nước ta còn tồn tại kiểu thực hiện "đầu voi đuôi chuột".
"Việc hỗ trợ này phải song hành với những tác động dài hạn để thay đổi nhận thức của người dân. Nên bỏ tiền làm công tác tuyền thông, giáo dục về giới, gia đình thì hơn", ông Long bày tỏ.
Tiến sĩ Ngô Thị Tuấn Dung, Viện gia đình và Giới (Viện khoa học xã hội Việt Nam) thì cho rằng, đây là một chính sách có ý nghĩa nhân văn và sẽ có hiệu quả nhất định. Theo bà, trước tình trạng mất cân bằng giới tính hiện nay, rất cần đến những giải pháp có tính chất đột phá như vậy.
Bà cho rằng, vấn đề không phải ở chỗ những gia đình sinh con gái hay phụ nữ sẽ được lợi gì mà chính sách này đã đánh động ý thức xã hội, buộc người ta phải suy nghĩ, đặt ra một loạt câu hỏi như "Tại sao lại phải khuyến khích sinh con gái? "Con gái có gì thua kém con trai?" "Vì lý do gì cứ nhất quyết phải có con trai"...
"Giải pháp ưu tiên các gia đình sinh con một bề là gái có thể không giải quyết được nhiều trong việc giảm mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng sẽ tạo được sự thay đổi về nhận thức, là điểm nhấn buộc người ta phải suy nghĩ về vấn đề này", bà chia sẻ.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh, giảng viên khoa xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, chắc chắn khi đề xuất giải pháp ưu tiên, thưởng cho các gia đình sinh hai con gái, Tổng cục dân số đã xem xét kỹ lưỡng và dựa trên nhiều cơ sở khoa học khác nhau.
Đây có thể xem như giải pháp trước mắt, tức thời và có thể tác động trực tiếp tới những trường hợp thụ hưởng, gây sự chú ý của cộng đồng tới vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng về lâu dài thì không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Bởi hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay bắt nguồn và là biểu hiện của tư tưởng trọng nam khinh nữ. Tư tưởng này tồn tại hàng ngàn năm, đã ăn sâu trong tiềm thức của một bộ phận người dân, không thể mất đi trong ngày một ngày hai.
Theo thạc sĩ Tuyết Minh, biện pháp tạm thời này có thể giảm sức ép trước mắt đối với những gia đình sinh con một bề là nữ, khi họ được hưởng những ưu đãi xã hội lúc sinh, nuôi con nhưng sẽ khó phát huy tác dụng với những gia đình cố tình tìm mọi cách có con trai. Bởi vì, khi định kiến trọng nam khinh nữ còn tồn tại thì không vì những ưu đãi này mà khiến những gia đình "khát" con trai "nhụt" đi ý chí. Thực tế, có người chấp nhận bị phạt, bị mất chức để có được thằng cu chống gậy.
Ngoài ra, chính sách này có thể gây nên những tranh cãi với các gia đình không cố ý có bằng được bé trai. Hai đứa trẻ sinh bằng cách tự nhiên (không bị sàng lọc giới tính) sao bé gái lại được ưu đãi hơn? Và thậm chí, các bé trai được sinh ra do (được bố mẹ chủ động) chọn lọc giới tính thì lỗi cũng không thuộc về bản thân các bé và vì thế sao bé gái lại được ưu đãi hơn bé trai?
Thêm vào đó, khi hỗ trợ như vậy khó tránh việc khiến nhiều người nảy sinh câu hỏi "nhóm đó vì sao phải hỗ trợ, họ yếu thế hay có gì đặc biệt? Liệu có bất bình đẳng với nam giới không?". Tuy nhiên, nếu xem xét chính sách này trong bối cảnh hiện tại rằng định kiến trọng nam hơn nữ vẫn phổ biến, những gia có con một bề là gái vẫn bị xem là yếu thế hơn (mặc dù thực tế không hẳn như vậy), trong quá khứ và hiện tại nữ giới vẫn bị phân biệt đối xử và chịu nhiều thiệt thòi hơn so với nam giới thì việc có những chính sách hỗ trợ nữ giới không được coi là bất bình đẳng đối với nam giới.
"Bình quyền nam nữ, bình đẳng giới là mục tiêu lâu dài và nói theo cách của Hồ chủ tịch là cuộc cách mạng to và khó. Vì vậy, hướng đến mục tiêu này cần một lộ trình dài với nhiều giải pháp đồng bộ, không thể nóng vội. Và trên lộ trình dài đó cũng cần những bước đi ngắn, giải quyết những vẫn đề trước mắt như đề xuất của Tổng cục dân số", bà Tuyết Minh bày tỏ.
Vương Linh