Sau nhiều năm bám trụ vùng kinh tế mới nhưng cái bụng chưa bao giờ biết no, đám trẻ lít nhít lần lượt ra đời trong bộn bề lo lắng. Thời ấy đi lại khó khăn, miền nam là địa danh xa vời nhưng nghĩ đến tương lai của các con, mẹ tôi động viên chồng gói ghém hành trang đi tìm vùng đất mới.
Gia đình tôi phải chuyển qua hai chiếc xe đò cọc cạch chạy suốt mấy ngày đêm mới đến nơi. Mọi thứ khi ấy vô cùng lạ lẫm, ba mẹ tôi dò dẫm kiếm người quen để nương tựa những ngày đầu nơi đất lạ. Tìm thuê mảnh đất gần đó dựng vội căn nhà lá đơn sơ để ở tạm, mẹ cùng ba tất tả ngược xuôi tìm kế sinh nhai.
Mẹ sinh ra quen cực khổ nên ai kêu gì làm đó. Ban ngày mẹ tự tay cuốc đất trồng rau cải thiện bữa ăn, đêm may gia công cho tiệm gần nhà. Ba tôi khi ấy băng đồng, lội ruộng theo chân đàn ông trong xóm ra đồng bắt cá soi ếch. Mẹ luôn tay, luôn chân sắp xếp nhà cửa, con cái dần dần cuộc sống cũng ổn định.
Ai từng trải qua thời bao cấp khó khăn, thiếu thốn mới biết thực phẩm quý đến mức nào. Gia đình tôi ăn hôm nay đã lo cho ngày mai, cuộc sống cứ thế trôi qua trong bình dị. Khi điện thoại còn xa xỉ, tivi là của hiếm thì những năm đầu thập niên 80, mẹ tôi nhờ đôi tay may vá khéo léo đã mở được tiệm may riêng, tậu được chiếc cassette cũ trị giá cả lượng vàng về nghe cải lương. Hàng xóm ai nấy cũng đều ghen tỵ.
Mẹ tôi rất nhanh nhạy khi hàng tháng bắt xe đi Sài Gòn lấy vải về vừa bán vừa may cho khách, phía trước còn bán thêm nước giải khát. Nhờ tài tháo vát mà nhà tôi bớt khó khăn hơn và mua được đất đai, ruộng vườn, lo cho các anh chị em tôi đi học đủ đầy.
Cái thời mà cơm chưa no, áo chưa đủ ấm, nỗi nhọc nhằn hằn bao nét lo âu nhưng mẹ tôi lúc nào cũng chỉn chu, tươm tất. Mẹ mua được mấy bao áo quần của những người vượt biên bỏ lại về sửa thành những món đồ thời thượng mà bây giờ tôi dám chắc bạn trông thấy sẽ tưởng "hot trend" của Zara không chừng. Đó những mẫu áo blazer cổ điển màu xanh da trời, váy eo thấp cổ lá sen.
Chúng tôi lớn lên trong nghèo khó nhưng mẹ luôn chăm chút cho chúng tôi váy đầm như búp bê, tóc cài nơ, giày bít và vớ trắng. Mẹ tôi bảo cách ăn mặc tạo ra khí chất rất riêng cho người phụ nữ, ra đường áo quần phải chỉn chu, tóc tai gọn gàng, tuyệt đối không được xuề xòa.
Lúc nhỏ tôi rất ngưỡng mộ mẹ, dù chỉ là cô thợ may nhưng mẹ lúc nào cũng thơm tho, sạch sẽ. Mỗi khi đi đám tiệc trong khi mọi người ăn mặc giản dị, mẹ lúc nào cũng áo dài cổ cao, tay đeo vòng cẩm thạch, bông tai đính hột sáng lấp lánh, bóp cầm tay may bằng vải gấm. Mẹ đánh phấn bông lúa vàng, kẻ mày sắc sảo và tô son đỏ nhìn rất đẹp và cuốn hút.
Mặc mấy lời dèm pha nhà không giàu mà bày đặt ăn diện, mẹ tôi vẫn cười tươi. Dáng mẹ cao ráo rất xinh đẹp. Mỗi khi mẹ xuất hiện ai cũng phải ngước nhìn, thói quen đó mẹ vẫn giữ đến tận bây giờ dù gần 70 tuổi. Tôi học được từ mẹ cách biết yêu thương và trân trọng chính mình, là phụ nữ phải luôn tự tin và xinh đẹp.

Dù làm lụng vất vả nhưng mẹ luôn biết cách để giữ vẻ rạng ngời.
Mẹ tôi không hề hiền lành và cam chịu. Có lần mấy người đàn ông đến quán nhà tôi buông lời chọc ghẹo khi ba đi làm, mẹ quắc mắt, cầm cây thước gỗ may đồ chỉ vào họ và đuổi đi. Giọng mẹ rất gay gắt và nghiêm nghị vì cực ghét những người không đứng đắn.
Khi tôi đi học bị ức hiếp, mẹ dạy tôi không được im lặng chịu đựng mà phải biết bảo vệ bản thân mình, mách cô giáo hoặc đánh lại khi cần. Mẹ luôn bảo "không một ai được phép làm tổn thương con". Mẹ cứng rắn tưởng chừng dữ dằn thế nhưng bên trong rất nhân hậu. Có lần, tôi lén lấy bộ áo quần tặng bạn nghèo nhất lớp, khi mẹ bạn đem đến trả, mẹ còn không nhận mà may tặng thêm bộ áo mới nữa.
Tôi mắc cười mẹ bình thường la mắng con um sùm, chiếc roi mây dắt trên vách nhà chưa đứa nào thoát khỏi. Thế mà, mỗi lần nghe tuồng Tô Ánh Nguyệt đến đoạn cô Nguyệt nhớ con là mẹ lại sụt sùi, rơm rớm. Nhà hàng xóm thường hay trèo qua mái nhà lấy trộm cá khô mẹ phơi, mẹ thấy không rầy la mà còn cố ý phơi gần hơn. Sau này, cô kế nhà dọn đi cứ cầm tay mẹ cảm ơn mãi.
Mẹ tôi là vậy đó ngoài rắn trong mềm, dữ khi cần thiết nhưng đôi lúc dịu dàng bao dung đến lạ. Quản cả đàn con lít nhít đâu phải chuyện đùa. Mẹ bận đến mấy vẫn mở tập vở ra kiểm ra, theo dõi sát sao việc học của chúng tôi và đánh đòn khi có đứa không chịu nghe lời. Có lẽ, nhờ sự nghiêm khắc của mẹ mà chúng tôi mới học hành nên người như hôm nay.
Lúc nhỏ, đôi lúc tôi thấy ngột ngạt vì mẹ la mắng nhiều, cầm tay chỉ việc giặt giũ, bếp núc. Mẹ bảo cuộc sống không phải lúc nào cũng bình yên. Mẹ cũng không thể sống mãi để làm thay con được, tốt nhất vẫn nên dựa vào chính mình, tự biết cách chăm sóc bản thân mới nên người.

Chăm chút cho vẻ bề ngoài cũng là cách mẹ yêu thương bản thân, giữ hạnh phúc gia đình.
Gần 70 tuổi, trải qua một lần tai biến, mẹ cùng ba tôi vẫn tự tay nấu ăn bán quán mỗi ngày. Mẹ bảo còn sức khỏe thì vẫn phải làm, sống dựa vào con cái khiến mẹ rất khó chịu. Tinh thần và suy nghĩ của mẹ là nguồn cảm hứng sống của chúng tôi.
Mẹ làm việc không ngơi tay nhưng áo quần, mỹ phẩm thì không bao giờ thiếu. Mấy năm gần đây, kinh tế tốt hơn, mẹ thỉnh thoảng cùng ba tôi đi du lịch trong nước và quốc tế. Mẹ bảo "đi ra ngoài học hỏi thêm nhiều cái hay để mình không lạc hậu". Mỗi khi buồn tôi hay gọi tỉ tê với mẹ, chỉ một chút thôi, tôi quên mất mình buồn vì điều gì.
Mẹ kể cho tôi nghe hôm nay ai bình luận trên facebook, mua chiếc váy dạ hội rất đẹp từ livestream bán hàng của shop tận Đồng Nai. Thỉnh thoảng, mẹ gửi tin nhắn cho tôi bộ sưu tập mắt kính, trang sức và tủ quần áo như shop bán hàng của mẹ.
Đôi lúc, tôi khâm phục mẹ vừa truyền thống vừa hiện đại, mẹ luôn biết cách giữ gìn tổ ấm hơn 40 năm bền chặt, luôn là tấm gương để chúng tôi noi theo. Mẹ bảo vợ chồng cần "tương kính như tân" và "chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa cả đời không khê". Tôi cảm thấy mình may mắn vì được lớn lên trong sự bảo bọc và dạy dỗ từ những bài học của mẹ. Những lời mẹ dạy, tôi cố gắng ghi nhớ và học theo suốt đời.
Lê Phương Loan
Từ ngày 3 đến 30/10, độc giả chia sẻ về người phụ nữ bạn luôn yêu thương và trân trọng nhất, hoặc tham gia bằng cách viết về chính mình nếu bạn có một câu chuyện truyền cảm hứng muốn lan tỏa đến những người xung quanh, để có cơ hội nhận bộ trang sức PNJ. Độc giả gửi bài tham gia cuộc thi dưới dạng bài viết trong khoảng 500 - 1.000 từ có dấu, font Unicode, kèm theo ít nhất 1-3 hình ảnh minh họa là nhân vật người phụ nữ được nói đến trong bài. Gửi bài dự thi tại đây.