Ngày 20/1, chị Lộc (36 tuổi, xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) là một trong ba bị hại có mặt trong phiên sơ thẩm xét xử vụ án nâng khống giá robot phẫu thuật tại Bệnh viện Bạch Mai.
Trả lời thẩm vấn HĐXX, chị Lộc cho biết đã được bị cáo Phạm Đức Tuấn (cựu chủ tịch HĐQT Công ty BMS) hoàn trả 16 triệu đồng ngay trước lúc khai mạc phiên toà. Chị vì thế có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo này.
"Thiệt hại của mỗi bệnh nhân được xác định là 16.593.000 đồng song thực tế chị mới được trả 16 triệu đồng. Chị có yêu cầu phía bị cáo Tuấn trả 593.000 đồng còn thiếu không?", chủ toạ hỏi.
Người phụ nữ thôn quê rụt rè đáp: "Tôi có, một đồng tôi cũng nhận. Tôi ở xa, gia đình khó khăn, đi lên đây rồi về đã mất tiền triệu".
Chị Lộc nói nhắm mắt vẫn có thể nhớ lại hành trình ấy. Năm 2020, lần đầu tiên trong đời, chị đến thủ đô gắn liền với biến cố đáng quên của gia đình: Con trai lớn phải mổ não.
Mùa hè năm 2020, cậu bé học lớp 9 bỗng ngất xỉu giữa trận bóng với bạn học. Được truyền nước tại bệnh viện tuyến huyện, nam sinh tỉnh lại sau nửa giờ và hoạt bát như thường, tự lái xe đạp về nhà. Chị Lộc nghĩ con chỉ bị say nắng, không quá bận tâm. Nhưng hôm sau, khi tình trạng này lặp lại tới ba lần, chị cuống cuồng đưa con lên Bệnh viện thành phố Vinh.
Tại đây, chị nhận được cái nhăn trán của bác sĩ cùng lời đề nghị "nên đưa cháu lên tuyến Trung ương" để có phương pháp chẩn đoán và điều trị chính xác". Chị vội điện gọi cho người chồng vào Sài Gòn phụ hồ đã nhiều năm nay, đề nghị về nhà.
Bốn ngày sau, 7/7/2020, vợ chồng mang gần 14 triệu đồng, cùng con bắt chuyến xe đầu tiên lên Hà Nội, tới Bạch Mai, bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt của cả nước.
Thời điểm này, tại Bệnh viện Bạch Mai, hệ thống robot Rosa hỗ trợ phẫu thuật thần kinh sọ não, đã được đưa vào sử dụng 3 năm, với ít nhất 639 ca điều trị. Giá mỗi ca 36 triệu đồng, cáo trạng của VKSND Tối cao xác định.
Khi vợ chồng chị Lộc đưa con đến Bạch Mai, cậu bé được kết luận mắc u não và cần phẫu thuật gấp. "Bác sĩ hỏi gia đình chọn biện pháp mổ gì, rồi tư vấn mổ robot là an toàn nhất, nhưng cũng đắt nhất, là 90 triệu đồng. Còn tiền thuốc đắt gấp 3 lần. Dân quê lao động, tích tiền từ bó rau muống, lấy đâu ra tiền lớn như thế. Nghe chi chi phí, mình cũng xỉu luôn", chị Lộc kể lại giữa giờ nghỉ của phiên toà, liên tục đưa tay lau nước mắt.
"Nhưng con mình dứt ruột đẻ ra, lại là con trai duy nhất cả dòng họ, có bán nhà cũng phải cứu", chị Lộc dặn chồng ở lại thủ đô trông con, còn mình cầm 400.000 đồng bắt xe, về lại quê Nghệ An, nghĩ cách xoay tiền.
Thứ đáng giá nhất trong nhà khi ấy là đôi trâu nuôi từ ngày vợ chồng ra ở riêng, đã được 6 năm, cũng là tài sản bị bán. Cầm 84 triệu đồng trong tay, chị vẫn còn thiếu hơn 200 triệu đồng. Họ hàng, làng xóm đều nghèo, mỗi người chỉ giúp được 2-3 triệu đồng, vẫn không thể đủ. Chị mang sổ hộ nghèo đi cầm cố.
Chị kể suốt chuyến xe đêm Nghệ An - Hà Nội, từ 19h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, chị và anh trai không dám ngủ, thay nhau thức nằm chong chong ôm ba lô tiền mặt trong lòng.
Ca phẫu thuật diễn ra chỉ vài giờ, nhưng với chị và 8 người thân đứng ngoài nín thở đợi chờ thời gian này "dài tựa một ngày". Sau ca mổ não, con chị dần khoẻ lại. Ngày 7/8/2020, gia đình quay về Nghệ An. Một tháng điều trị cho con Hà Nội, chị nói đã "tiêu hết gần 350 triệu đồng".
"Mình thấy cháu khoẻ nhanh thì mừng", chị Lộc chia sẻ. Vợ chồng lúc này lại chia hai ngả, chồng vào Nam phụ hồ, vợ ở nhà cấy gặt, bóc vỏ keo thuê, mong sớm trả hết hơn 200 triệu đồng tiền nợ.
Nhưng duyên nợ với thủ đô của chị Lộc chưa chấm dứt ở đó. Chưa đầy 2 tháng sau, cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh bị bắt với cáo buộc liên quan vụ án nâng khống giá robot hỗ trợ điều trị phẫu thuật thần kinh.
Theo VKS, robot Rosa bị Công ty BMS của bị cáo Tuấn nâng khống giá tới 5 lần, từ 7,4 tỷ đồng lên 39 tỷ đồng. Cùng với sự thiếu trách nhiệm và một loạt các hành vi "lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm trái công vụ" của ông Nguyễn Quốc Anh và 3 thuộc cấp, robot này được sử dụng để phẫu thuật cho bệnh nhân, giá cao hơn chi phí thực tế 16 triệu đồng.
Xem tin tức báo chí, người nhà nhắn chị Lộc giữ lại toàn bộ giấy tờ liên quan cuộc phẫu thuật của con trai để làm bằng chứng. Vài tuần sau, theo giấy mời của cơ quan điều tra, chị mang toàn bộ những tài liệu này lên làm việc.
Vài tuần trước, chị Lộc nhận được giấy triệu tập của TAND Hà Nội với tư cách đại diện cho người bị hại trong vụ án. Chồng gàn: "Lên làm chi, chắc gì đã lấy được tiền mà đi lại nhọc người cũng tốn tiền trăm, tiền triệu". Nhưng chị Lộc quyết đi, vẫn với quyết tâm "một đồng cũng phải lấy". Lần thứ ba, chị về Hà Nội.
Hôm qua, 20/1, cầm 16 triệu đồng vừa được Tuấn trả, đứng trước cổng toà án đợi bắt xe về với gia đình, chị nói mong "từ nay không có gia đình bệnh nhân nào bị như mình thế này nữa".
Trong lúc này, tại phiên toà đang diễn ra phía sau chị, với cáo buộc gây thiệt hại cho con trai chị Lộc và 636 bệnh nhân khác, tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng, 8 người liên quan vụ án đang bị VKS đề nghị mức án từ 2 năm tù treo đến 6 năm tù giam về tội Lợi dụng chức vụ trong thi hành công vụ, theo điều 356 Bộ Luật hình sự.
Các bị cáo được VKS đánh giá đều hiểu biết pháp luật, phải tiên phong tuân thủ để thúc đẩy sự phát triển ngành khoa học nói chung và tạo niềm tin cho người bệnh nhưng đã "lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm trái công vụ", ảnh hưởng đến người bệnh, gây dư luận xấu, mất niềm tin.
Cả tám bị cáo trước đó đều thừa nhận sai phạm do "thiếu hiểu biết", chứ không vụ lợi. Ba cựu lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai thừa nhận đã cầm hơn 500 triệu đồng quà biếu của công ty BMS. Toàn bộ số tiền đã được nộp lại trong giai đoạn điều tra, khởi tố.
Bị cáo Tuấn nộp khắc phục toàn bộ hơn 10 tỷ đồng thiệt hại vụ án, được tính là số tiền 637 bệnh nhân đã phải "trả khống" trong các ca phẫu thuật có sử dụng robot Rosa. Tại phiên xét xử, bị cáo cho biết đã liên hệ và bồi thường được cho 555 trường hợp, đồng thời "tha thiết mong muốn" liên hệ được với những bị hại còn lại để bồi thường nốt số tiền còn thiếu.
Hôm nay, HĐXX tiếp tục làm việc.
Thanh Lam