Ngày 25/9, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, tạm giam ông Nguyễn Quốc Anh, 61 tuổi, PGS.TS, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai về tội Lợi dụng chức vụ trong thi hành công vụ, theo điều 356 Bộ Luật hình sự 2015.
Cùng tội danh với ông Quốc Anh, cơ quan điều tra tạm giam ông Nguyễn Ngọc Hiền - nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, bà Trịnh Thị Thuận - Kế toán trưởng, Trưởng phòng tài chính kế toán Bệnh viện Bạch Mai.
Theo ông Xô, quyết định tố tụng với ông Quốc Anh và các đồng phạm nằm trong diễn biến mở rộng điều tra vụ án Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và một số đơn vị liên quan, được khởi tố ngày 31/8.
Trong quá trình điều tra mở rộng, Bộ Công an thông tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang đã làm rõ hành vi của một số lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện Bạch Mai lợi dụng cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế, chủ trương xã hội hóa liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh.
Những người này được cho "vì động cơ cá nhân làm trái quy định của Nhà nước, quy định của Bộ Tài chính và Bộ Y tế, chấp thuận cho Công ty BMS tham gia đề án, nâng giá thiết bị lên nhiều lần, đẩy giá dịch vụ lên cao nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của người bệnh, gây bất bình trong dư luận xã hội".
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, khám xét và tạm giam Phạm Đức Tuấn, 42 tuổi, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty BMS và Ngô Thị Thu Huyền, 37 tuổi, Phó giám đốc BMS để điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhà chức trách cũng khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú với Trần Lê Hoàng, 42 tuổi, thẩm định viên Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS) về cùng tội danh.
Tại cuộc họp báo hôm 4/9, thiếu tướng Tô Ân Xô thông tin, kết quả điều tra bước đầu cho thấy một số cá nhân tại BMS, Công ty Cổ phần thẩm định giá và dịch vụ tài chính (VFS) có thủ đoạn gian dối, câu kết, hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần hệ thống thiết bị y tế.
Quá trình lắp đặt hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh, tờ khai Hải quan ghi nhận sản phẩm được nhập khẩu giá 7,4 tỷ đồng, bao gồm cả thuế VAT. Tuy nhiên, những người này bị cáo buộc nâng khống giá của hệ thống lên 39 tỷ đồng và hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý, đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai.
"Giá hệ thống robot 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy cho một ca bệnh là khoảng hơn 4 triệu đồng. Tuy nhiên với giá 39 tỷ đồng thì người bệnh phải chi trả chi phí khấu hao máy là 23 triệu đồng mỗi ca", ông Xô nói và cho hay, từ năm 2017 đến 2019, bệnh viện Bạch Mai đã thanh toán 550 ca, tiền chênh lệch các đối tượng hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh khoảng hơn 10 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Anh, 61 tuổi, quê Trực Ninh, Nam Định, Anh hùng lao động, từng giữ các chức vụ: Hiệu trưởng trường Cao đẳng y tế Bạch Mai; Phó trưởng khoa Y - Dược trường Đại học Quốc gia Hà Nội; Phó trưởng Bộ môn Gây mê hồi sức đại học Y Hà Nội; Trưởng khoa gây mê hồi sức bệnh viện Bạch Mai...
Theo GS. TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, từ cuối tháng 5, khi C03 điều tra vụ án, bệnh viện đã dừng hoạt động robot Rosa. Nhằm minh bạch, có các biện pháp điều chỉnh chi phí khám, chữa bệnh cho hợp lý, bệnh viện đang rà soát toàn bộ máy móc, thiết bị liên doanh, liên kết theo hình thức xã hội hóa.
Từ năm 2017, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện xã hội hóa nhiều thiết bị y tế, dịch vụ trong bệnh viện, trong đó có máy cộng hưởng từ, thiết bị xét nghiệm sinh hóa, thiết bị hỗ trợ phẫu thuật... Máy móc, thiết bị bằng hình thức xã hội hoá phải được hội đồng khoa học nghiệm thu, nếu đáp ứng tiêu chí phục vụ nhu cầu cao cho người bệnh sẽ được sử dụng.