Sau nhiều lần thẩm định với các chuyên gia Hội đồng ghép thận Bệnh viện Xuyên Á và Hội đồng ghép thận Bệnh viện Chợ Rẫy về nhiều tiêu chí như điều kiện hiến - ghép, khả năng thành công, điều kiện duy trì sử dụng thuốc chống thải ghép sau phẫu thuật, ca ghép thận của chị Minh được thực hiện vào hôm 28/4.
Trước đó, vào tháng 12/2020, khi đang mang thai tháng thứ 7, chị Minh bất ngờ phát hiện mắc suy thận mạn. Bệnh diễn tiến nặng gây phù, tăng huyết áp thai kỳ nên phải bỏ thai. Đến tháng 6/2021, bệnh nhân mệt mỏi, khó thở nhiều, đau ngực, nhập Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á điều trị.
Tại đây, các bác sĩ phát hiện bệnh đã diễn tiến giai đoạn cuối, chức năng thận và tim đều suy giảm. Chị Minh được chỉ định chạy thận nhân tạo định kỳ ba lần mỗi tuần, kết hợp thuốc điều trị suy tim. Mặc dù có cải thiện triệu chứng lâm sàng và chức năng tim, nhưng sự sống của bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn vào việc chạy thận định kỳ. Phương án tối ưu nhất với Minh là ghép thận.
Bà Hòa, mẹ ruột Minh, 55 tuổi, đã đi xét nghiệm sàng lọc thận ngay khi được bác sĩ tư vấn cách cứu con. May mắn, tất cả các chỉ số đều phù hợp, người mẹ sẵn sàng hiến thận cứu con.
Ca mổ do bác sĩ Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ chuyên môn, cùng ê kíp các bác sĩ Ngoại Tiết niệu, Nội thận và Gây mê hồi sức tại Bệnh viện Xuyên Á và Chợ Rẫy kết hợp thực hiện.
Bác sĩ phẫu thuật nội soi qua phúc mạc lấy thận trái của người mẹ. Quả thận được chuyển qua rửa và ghép vào hố chậu phải của người con. Vừa mở kẹp mạch máu, thận ghép được tưới máu ngay, hồng, căng tốt, nước tiểu có tại bàn mổ. Quá trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi, cả người nhận và người cho đều không ghi nhận biến chứng.
Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Bình, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, ngày 30/4 cho biết, hai ngày sau ca ghép, sức khỏe người mẹ đang hồi phục nhanh chóng, lượng nước tiểu đến thời điểm hiện tại ở ngưỡng bình thường. 3-5 ngày tới bà có thể xuất viện.
Trong khi đó, sinh hiệu của chị Minh tốt, chức năng thận dần ổn định. Bệnh nhân có thể vận động, ăn uống bình thường nhưng vẫn cần nằm phòng cách ly tuyệt đối, được nhân viên y tế chăm sóc 24/24 giờ trong 7-14 ngày hậu phẫu đầu tiên. Khi đã hết đau, chức năng thận bình thường và có thể sử dụng thuốc chống thải ghép đường uống, chị sẽ được xuất viện. Đặc biệt, sau khoảng một năm ghép thận, khi sức khỏe ổn định, người phụ nữ có cơ hội mang thai và sinh con an toàn. Tuy nhiên bệnh nhân phải duy trì uống thuốc chống thải ghép suốt đời.
Đây là cặp cho - nhận thận thứ 6 được thực hiện bởi Bệnh viện Xuyên Á, và là ca thứ hai kể từ khi bệnh viện chính thức có tên trên bản đồ ghép tạng Quốc gia. Theo đó, từ 29/4/2021, đơn vị này được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận từ người cho sống và người cho chết não.
Theo bác sĩ Bình, với tình trạng bệnh thận mạn đang càng ngày gia tăng và nhu cầu ghép thận ngày càng cao, việc triển khai ghép thận ở bệnh viện tư như Xuyên Á sẽ góp phần giảm tải gánh nặng cho các trung tâm ghép tạng tuyến trên. Bệnh viện đang làm các thủ tục đề nghị Bảo hiểm xã hội thanh toán một phần chi phí phẫu thuật và thuốc chống thải ghép cho bệnh nhân ghép thận tại đây. Bác sĩ Bình hy vọng, thời gian tới, với sự hỗ trợ của Bảo hiểm xã hội, sẽ mở ra cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối hơn.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Thư Anh