Sáng hôm nào cũng vậy, tiếng cằn nhằn của mẹ vẫn không dứt bên tai. "Ồn ào quá, thật sự rất ồn ào...". Đó luôn là những điều tôi nghĩ mỗi sớm thức dậy. Từ lớn đến nhỏ, tôi luôn thấy mẹ không như những người mẹ khác. Lúc học cấp 1, tôi đọc được mẩu truyện về một bé gái chia đều quả mận cho mẹ của mình, nhưng người mẹ không hề ăn, dù rất thích, để nhường hết phần cho con.

Khi tôi về đến nhà, bắt đầu làm y hệt đứa bé đó. Kết quả mẹ ăn ngay nửa kia. Lớn lên một chút, có lần tôi reo lên với mẹ: "Mẹ ơi sắp tới sinh nhật con rồi". Mẹ nhíu mày suy nghĩ một lát rồi nói: "14 hả?" Tôi đen xì mặt nhìn mẹ, sinh nhật tôi ngày 16 cơ mà. Nhiều lần mẹ đến đón trễ, tôi giận mẹ, thế là trên bàn ăn một tuần liền ngày nào mẹ cũng than thở với ba: "Tôi làm việc mệt gần chết mà nó còn giận tôi".
Mẹ tôi có một tật xấu là nói rất nhiều. Càng lớn tuổi mẹ càng nói nhiều hơn. Nhiều lúc điều này khiến ba tôi phát quạu mà ra hẳn sofa nằm. Tôi nhớ có lần mẹ nói chuyện mà cả ba và tôi đều không để ý. Thế là mẹ giận đi ngủ ngay. Mẹ tối ngủ sớm, sáng thức sớm. Ba giờ sáng hôm sau, mẹ dậy gọi ba. Khi đó ba đang buồn ngủ, liền mắng: "Bà làm cái gì vậy? Mới ba giờ sáng dậy làm cái gì?". Ông bảo sáng nay dậy sớm thì tui kêu ông dậy sớm", mẹ càu nhàu nói. "Tui nói dậy sớm là 4-5 giờ", ba nói lớn làm tôi cũng dậy. Thế là cả nhà ngày hôm đó 3 giờ sáng đã tỉnh ráo mà không biết để làm gì.
Lần nào tôi ở cạnh bên, mẹ đều hỏi tôi: "Con thương mẹ không?". Khi nghe câu này, lúc nào tôi cũng đáp gọn lỏn: "Không", và phản ứng của mẹ lại luôn là than thở với ba rằng mẹ thà đẻ trứng vịt ăn còn sướng hơn đẻ tôi.
Mẹ tôi là vậy, luôn khác người như vậy. Tôi chưa bao giờ nói với mẹ rằng: "Con yêu mẹ" bởi vì tôi biết, yêu, không bao giờ là đủ với mẹ.
Mẹ là tất cả.
Mẹ không chia sẻ với tôi từ quả mận ấy, mà đổi lại, mẹ tặng tôi mọi thứ. Mẹ đã cho tôi sự ấm no, tình thương và cuộc sống này. Bao năm qua mẹ chỉ quên ngày sinh của tôi một năm, bởi vì năm đó là khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Mẹ phải bận kiếm tiền mua gạo cho tôi ăn. Nhưng, ngày sinh của mẹ có ai nào nhớ? Ngay cả ba, bà ngoại và tôi. Mẹ hay than thở về việc tôi giận mẹ, nhưng trong lời than thở ấy luôn là lời giải thích, xin lỗi vô hình dành cho tôi. Mẹ luôn là người ủng hộ, động viên tôi dù trong bất cứ hoàn cảnh nào...
Mẹ không như những người mẹ khác và tôi cũng không như những đứa con khác. Tôi ích kỷ, lười biếng, luôn làm mẹ buồn lòng, nhưng tình thương mẹ dành cho tôi chưa bao giờ vơi đi. Nhiều lúc tôi tự hỏi, vì sao lòng mẹ mênh mông thế?
Tôi thích truyện cổ tích, nhưng không đặt nhiều lòng tin vào những câu chuyện có tính thần thánh hóa, mơ mộng viển vông kia. Những lúc tôi ốm, đau, thất vọng vì kết quả thi không như mong muốn, không ông bụt, bà tiên nào xuất hiện mà chỉ có mẹ, chính mẹ mới là cổ tích, là phép nhiệm màu trong đời tôi.
Tôi của ấu thơ hay tôi của thì hiện tại đã đi làm, kiếm ra tiền tự quyết định hạnh phúc của cuộc đời mình thì vẫn là đứa con bé bỏng của mẹ. Dù mẹ hay cằn nhằn tôi về mọi thứ, nhưng chỉ có mẹ mới làm thế, vì không ai quan tâm tôi như mẹ, không ai chăm sóc, để ý đến từng thứ nhỏ nhặt nhất của tôi như mẹ. Và chỉ khi mẹ rầy la, tôi mới biết được rằng mẹ vẫn còn khỏe mạnh, vẫn còn ở bên cạnh tôi.
Cảm ơn đời vì mẹ vẫn ở đây. Cảm ơn mẹ vì sáng hôm nào cũng vậy, tiếng cằn nhằn vẫn không dứt bên tai. Viết cho mẹ là viết về những tảo tần sớm hôm, là viết cho cảm xúc thật, con người thật mà tôi trân quý trong mọi khoảnh khắc cuộc đời.
Mai Thị Trang