Cùng con trai xuất viện trở về quê nhà Vĩnh Long, ngày 14/4 người phụ nữ 67 tuổi đã có giấc ngủ ngon trên chiếc giường của mình trong ngôi nhà nhỏ. Đêm trước, khi bác sĩ thông báo sẽ cho xuất viện, bà vui mừng nên cũng chập chờn không trọn giấc.
Nghiêm là bệnh nhân có thời gian nằm viện dài nhất, nhiều lần phẫu thuật nhất, số tiền viện phí lớn nhất ở Bệnh viện Chợ Rẫy với khoảng 40,8 tỷ đồng. Bảo hiểm y tế chi trả phí điều trị cho anh Nghiêm 38,3 tỷ đồng. Bệnh viện vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ phần lớn chi phí còn lại.
Nhắc về hành trình cùng con trong viện, bà Mai chỉ cười vì "không thấy có gì khó khăn, không vất vả vì quen với những việc này rồi". Trái tim bà chỉ tột cùng đau đớn trong những lần con trai muốn buông xuôi, bỏ cuộc, không muốn sống tiếp. Nhìn con chống chọi các cơn đau, bà chỉ ước được chịu đựng thay. Bà thủ thỉ động viên con, cũng là động viên chính mình vững vàng, không được phép bỏ cuộc.
Rối loạn đông máu là bệnh di truyền. Ông ngoại bà sinh nhiều con trai nhưng đều không sống được lâu vì khó cầm máu khi bị thương, thời đấy chưa có thuốc chữa. Mẹ bà có 6 người con trai, trong đó ba người đã mất sớm vì bệnh này. Vợ chồng bà Mai sinh được hai con trai, Nghiêm mắc bệnh còn anh trai khỏe mạnh. Sau này, bà mới biết căn bệnh di truyền ấy được gọi tên Hemophilia A, biểu hiện thành bệnh chủ yếu cho con trai.
Bệnh máu khó đông, thiếu yếu tố đông máu VIII thể nặng khiến Nghiêm rất khó cầm máu nếu có vết thương. Thuở nhỏ, Nghiêm hay bầm ở khớp tay, khớp chân, thỉnh thoảng đau nhức. Dù sáng dạ nhưng những cơn đau chưa có thuốc trị dứt điểm cũng khiến Nghiêm dang dở việc học khi đang lớp 6.
19 tuổi, trong một lần tắm sông, Nghiêm ngã đập bụng vào mạn xuồng. Sau đó các cơn đau bắt đầu xuất hiện, diễn tiến ngày càng nặng. Năm 2010, bụng phình to, các cơn đau quá sức chịu đựng, Nghiêm cùng mẹ đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
"Ngày rời quê cứ nghĩ chỉ lên điều trị một vài tuần rồi về, không ngờ kéo dài tận 11 năm", bà Mai nói. Bác sĩ xác định cú ngã năm nào khiến trong cơ thể Nghiêm tạo khối máu tụ. Khi đó, cách điều trị còn hạn chế, chưa có yếu tố đông máu VIII, bảo hiểm chưa chi trả nhiều cho chi phí điều trị. Các bác sĩ hội chẩn lần đầu, không dám phẫu thuật vì nếu không thể cầm máu, bệnh nhân sẽ tử vong trên bàn mổ.
Nghiêm được xạ trị để khối u nhỏ lại. Anh cứ về quê một thời gian lại đau đớn, phải lên nhập viện điều trị giảm đau, rồi lại về. "Đi nhiều đến nỗi nhà xe quen mặt hai mẹ con, thường giảm bớt tiền xe", bà Mai chia sẻ.
Năm 2014, khối máu tụ ăn sâu vào trong, chứa rất nhiều máu, dịch tiết, vết thương nhiễm trùng hoại tử hông, đùi, bụng phải, máu rỉ liên tục. Khối u choán chỗ vùng chậu, đè vào niệu quản, đè vào bụng, làm tràn dịch màng phổi. Các bác sĩ quyết định huy động yếu tố đông máu VIII cùng nhiều thuốc men, các sản phẩm từ ngân hàng máu, để chuẩn bị cho ca mổ đầu tiên.
Từ đó, bà Mai cùng con trai hầu như "xem bệnh viện là nhà", chỉ được bác sĩ tranh thủ cho về nhà vài ngày Tết vì lo ngại vết thương sẽ chảy máu ồ ạt khó lành, không kịp xử lý. 26 lần bà đứng ngoài phòng mổ đợi tin con, có những lúc tưởng chừng không qua khỏi.
"Cuộc mổ nào của Nghiêm cũng là ca đại phẫu", tiến sĩ Trần Thanh Tùng, Trưởng Khoa Huyết học, nói.
10 đợt con nhiễm trùng huyết, tính mạng bị đe dọa, bà Mai hầu như thức trắng. Những lần vết thương hoại tử, bốc mùi hôi thối, gần như mọi người nuôi bệnh và bệnh nhân khác đều không chịu nổi, không dám đến gần, chỉ có bà Mai cùng các bác sĩ, điều dưỡng ngày ngày rửa, vệ sinh vết thương, thay băng.
Các bác sĩ ví von mỗi lần mổ lấy khối máu tụ cho Nghiêm "giống như đào hang". Đào hang xong phải loay hoay tìm cách "lấp cái hang rất to" lại. Những cuộc mổ cắt lọc, xoay da, ghép da, chăm sóc dinh dưỡng vẫn chưa hoàn toàn giúp cải thiện tình hình. Bác sĩ lại hội chẩn, tìm tòi những phương pháp chăm sóc vết thương đặc biệt, nghĩ ra cách hút dịch bằng máy áp lực âm VAC ở bệnh nhân chống chỉ định như Nghiêm...
Kỳ tích xuất hiện sau hành trình nỗ lực không mệt mỏi. Vết thương của Nghiêm dần lành lặn. Những năm đầu, cứ hy vọng khỏi bệnh rồi lại tuyệt vọng khi bác sĩ thông báo phải tiếp tục lên bàn mổ, mẹ con bà Mai "không còn dám hỏi bác sĩ khi nào lành bệnh, khi nào được ra viện để khỏi thất vọng, hụt hẫng".
Do đã loại bỏ các phần xương viêm, hoại tử nên giờ Nghiêm không thể đi lại bình thường. Anh nhờ đến sự hỗ trợ của đôi nạng để tự đi lại trong nhà, tự lo vệ sinh cá nhân. "Đây là điều mà có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến", bà Mai nói. Anh Nghiêm sẽ tiếp tục tái khám định kỳ, duy trì điều trị bệnh Hemophilia A.
Trong lá thư gửi bệnh viện ngày 14/5, Nghiêm nhắc tên hàng trăm bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý ở nhiều khoa, phòng, cảm ơn "những người hùng thầm lặng" đã "sinh ra con lần hai" trong những lúc thập tử nhất sinh, giúp Nghiêm "bình phục đến 99%". Quãng thời gian ở viện, anh được y bác sĩ "ngày đêm tận tình chăm sóc", "trò chuyện giúp quên đi những đau đớn", "ưu tiên cho những bộ đồ đẹp", "có gì ngon cũng chia phần". Nhiều lúc hai mẹ con không còn tiền ăn uống, bác sĩ đích thân xin tiền cơm, xin từng đồng viện phí...
"Nếu không có bảo hiểm và tấm lòng của các nhà hảo tâm, các y bác sĩ tận tình cứu chữa, mẹ con tôi đã không có ngày hôm nay", bà Mai chia sẻ. Bà mong con sớm khỏe hẳn, bà sẽ ra chợ Vũng Liêm bán bánh lọt, trở lại công việc quen thuộc mà bà đã gián đoạn thời gian dài để chữa bệnh cho con.
Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, khi đến tiễn hai mẹ con rời viện, đã tặng bó hoa chúc mừng và gọi bà là "người mẹ vĩ đại". Bà Mai không giấu được xúc động, cho biết "đây là bó hoa đầu tiên tôi được tặng trong đời".
"Chính tình thương và nghị lực phi thường của người mẹ đã tiếp thêm động lực, lòng quyết tâm cho đội ngũ y bác sĩ theo đuổi đến cùng trong điều trị, giúp Nghiêm có được kết quả như ngày hôm nay", bác sĩ Thức nói.
Với tiến sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng Phẫu thuật Tạo hình, bà Mai là "người mẹ trên cả tuyệt vời". "Người mẹ cùng con đi qua rất nhiều khoa trong bệnh viện, nơi nào cũng được bác sĩ, điều dưỡng đều quý mến bởi sự hiền lành, dễ thương, phúc hậu, tận tụy với con", bác sĩ Hiệp nói.
Theo bác sĩ Hiệp, sau thời gian dài chăm con, bà Mai "thuần thục như một nhân viên y tế". Có những thời điểm vết thương của con nhiễm trùng, hoại tử nặng, tính mạng bị đe dọa, chảy máu khó cầm, bà thức đêm canh chừng, cùng hỗ trợ các điều dưỡng. Khi có thời gian rảnh, bà phụ giúp thân nhân các bệnh nhân xung quanh, không nề hà vất vả.
"Mẹ theo em từ thuở tóc còn xanh đen, đến giờ tóc mẹ đã bạc trắng", Nghiêm nói về mẹ.