Bức thư của anh Nghiêm nhắc tên hàng trăm bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý ở nhiều khoa, phòng bệnh viện, chú thích rõ người nào đã chuyển khoa, đi du học, nghỉ hưu... Anh bày tỏ vui mừng vì "gần như bình phục đến 99%", được các bác sĩ "sinh ra lần hai" trong những lúc thập tử nhất sinh. Vết thương có lúc tưởng chừng hôi thối không chịu được nhưng các y bác sĩ "không ngại chăm sóc tận tình, chu đáo, nhẹ nhàng, gần gũi em như người nhà".
Anh nhớ được nhiều chị hộ lý ưu tiên cho những bộ đồ đẹp, miếng ga giường đẹp. Những anh chị điều dưỡng "ngày đêm tận tình chăm sóc", "trò chuyện giúp quên đi những đau đớn". Nhiều lúc anh không còn tiền ăn uống, bác sĩ đích thân "xin tiền cho em ăn cơm", xin từng đồng viện phí.
Đó còn là những tháng ngày "có chút gì ngon mấy chị điều dưỡng cũng mang ra cho em ăn, một hạt đậu phộng nhỏ chia cùng, có ly nước ngon cũng dành cho em". Nhắc lại từng kỷ niệm nhỏ, anh cho biết "nước mắt rơi không ngừng".
Anh Nghiêm điều trị tại Khoa Huyết học 8 năm, nằm ở khoa Chấn thương Chỉnh hình 5 tháng, sau đó chuyển sang Khoa Phỏng Phẫu thuật Tạo hình đến lúc xuất viện. Bác sĩ trưởng khoa Lê Văn Tuấn "cầm dao mổ lúc tôi hấp hối và sự sống đang rất mong manh". Bác sĩ trưởng khoa Ngô Đức Hiệp "người lãnh đạo có tâm nhất quả đất này".
Tại Khoa Phỏng Phẫu thuật Tạo hình, anh được bác sĩ Hà Quang Lâm trực tiếp thay băng, rửa vết thương trong suốt gần ba năm, vốn là công việc của điều dưỡng. Những lần vết thương thối, gần như mọi người nuôi bệnh và bệnh nhân khác đều không chịu nổi, không dám đến gần, chính bác sĩ Lâm tỉ mỉ lau rửa, "ngửi xem có hôi nữa không".
Anh tri ân các bác sĩ gây mê trong 26 cuộc mổ anh đã trải qua, gọi "những người anh hùng thầm lặng" của khoa cấp cứu đã nhận bệnh, sơ cứu lúc anh chảy máu không cầm được, phòng Công tác xã hội đã đồng hành suốt những năm dài...
Xem nguyên văn bức thư của anh Nghiêm
Anh Nghiêm, 37 tuổi, mắc căn bệnh di truyền Hemophilia A thể nặng. Đây là bệnh máu khó đông, thiếu yếu tố đông máu VIII khiến anh rất khó cầm máu nếu có vết thương. 19 tuổi, trong một lần tắm sông, anh ngã đập bụng vào mạn xuồng. Khối máu tụ trong hông trái phát triển lớn dần, tạo thành vết thương nhiễm trùng hoại tử hông, đùi, bụng phải, máu rỉ liên tục.
Từ năm 2010, anh bắt đầu đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Gần 11 năm qua, bác sĩ từ nhiều chuyên khoa tổ chức hơn 10 cuộc hội chẩn lớn, tiến hành 26 cuộc mổ, hơn 10 lần nhiễm khuẩn huyết đe đọa tính mạng, vận động chi phí, có những quyết định điều trị đột phá, động viên tâm lý vì anh nhiều lần muốn buông xuôi, bỏ cuộc.
Chiều 13/4, anh khỏe mạnh xuất viện. Đây là bệnh nhân có thời gian nằm viện dài nhất, nhiều lần phẫu thuật nhất, số tiền viện phí lớn nhất của bệnh viện với khoảng 40,8 tỷ. Bảo hiểm y tế chi trả phí điều trị cho anh Nghiêm 38,3 tỷ đồng.