Thứ sáu, 5/3/2021, 09:08 (GMT+7)

Người mang hàng nghìn hình ảnh Việt Nam ra thế giới

Là nhiếp ảnh gia Việt Nam duy nhất cộng tác với National Geographic từ năm 2019, Trần Tuấn Việt gọi nhiếp ảnh là đam mê chứ không phải công việc.

Tháng 6/2017, nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt (38 tuổi) bất ngờ nổi lên như một hiện tượng sau khi tác phẩm "Làm hương" của anh xuất hiện trên mục Visions of Earth, trong ấn bản toàn cầu và hơn 40 ngôn ngữ của tạp chí danh tiếng National Geographic (NatGeo).

Tháng 12/2017, anh một lần nữa ghi dấu tên tuổi khi là một trong 4 tác giả Việt giành huy chương Vàng tại cuộc thi nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 9, với tác phẩm "Thiên Nga". Cùng năm, anh sở hữu 20 bức ảnh trong top Ảnh đẹp nhất ngày do NatGeo bình chọn.

Làm hương, Phật tử cầu nguyệnThiên Nga là 3 tác phẩm tâm đắc nhất của anh cho tới hiện tại. Thông số của 3 bức ảnh được anh xăm trên cánh tay phải. Ảnh: NVCC

Tiếp nối thành công, năm 2018, tác phẩm "Phật tử cầu nguyện" vượt qua 1,2 triệu bức ảnh trên cộng đồng nhiếp ảnh NatGeo, vào top 70 ảnh đẹp nhất năm. Đây cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam có mặt trong danh sách. Tác phẩm sau đó được xuất bản trong sách niên giám 2020 của tạp chí. Cùng năm, tác phẩm "Làm hương" chiến thắng hạng mục ảnh Du lịch, Cuộc thi ảnh thường niên Smithsonian của Mỹ.

Gần đây nhất, anh đã đóng góp hơn 1.000 bức ảnh trong dự án Google Arts & Culture - Kỳ quan Việt Nam. Đây là một phần trong chương trình hỗ trợ của Google với ngành du lịch Việt Nam trong Covid-19, giúp quảng bá vẻ đẹp đất nước, con người Việt đến với du khách quốc tế.

14 NĂM GẮN BÓ CÙNG NHIẾP ẢNH

Chia sẻ về lý do đến với nhiếp ảnh, anh cho biết một phần là nhờ "duyên". Những năm đầu tiên của thế kỷ 21 là thời kỳ bùng nổ Internet tại Việt Nam, Tuấn Việt khi ấy là chàng sinh viên khoa Kiến trúc Đại học Xây Dựng Hà Nội bén duyên với ngành công nghệ thông tin. Chính thức năm 2007, anh lần đầu làm quen với nhiếp ảnh, bộ môn giúp anh kết hợp cả đam mê hội họa lẫn công việc công nghệ.

Tác phẩm "Trò chơi dân gian" chụp tại đồi cát Mũi Né đạt giải cao nhất trong cuộc thi nhiếp ảnh Fun 2020 của Agora. Giải thưởng được anh gửi vào quỹ phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Ảnh: NVCC

Tuấn Việt mất hơn 7 năm để định hình phong cách cá nhân. Trước đó anh đã từng thử qua nhiều loại hình như ảnh chân dung, phong cảnh, đường phố... Cho đến năm 2015, khi đã đạt đầy đủ những khía cạnh cơ bản trong cuộc sống, anh bắt đầu nghiêm túc theo đuổi đam mê nhiếp ảnh. Anh gắn bó với phong cách Storytelling, mảng nhiếp ảnh truyền tải câu chuyện còn mới lạ ở Việt Nam khi ấy. Đây cũng là năm anh bắt đầu "bén duyên" với NatGeo, khi tham gia cộng đồng với hơn 1 triệu nhiếp ảnh gia của NatGeo Your Shot.

Chân dung cô gái người Chăm với đôi mắt đặc biệt, do mắc hội chứng heterochromia iridis được đăng trên cộng đồng nhiếp ảnh National Geographic ngày 11/6/2020. Ảnh đoạt giải trong cuộc thi "Eyes2020" của ứng dụng nhiếp ảnh Agora. Ảnh: NVCC

"Có lẽ từ nhỏ mình sống ở quê, nên mình chụp những gì gắn với văn hóa, truyền thống Việt Nam và vô tình đây là những điều hấp dẫn các nhiếp ảnh, biên tập người nước ngoài. Vì vậy họ rất đón nhận hình ảnh của mình", anh nói. Ngoài ra, anh cho rằng sự chỉn chu trong thể hiện câu chuyện ảnh là lý do những tác phẩm của anh "lọt vào mắt xanh" của NatGeo.

Sau khi cộng đồng NatGeo Your Shot đóng cửa năm 2019 và chuyển sang InstaGram, anh là một trong 40 nhiếp ảnh gia đầu tiên được mời đóng góp trên nền tảng mới của họ, nay đã thu hút hơn 5 triệu lượt theo dõi. Những tác phẩm gửi đến NatGeo được yêu cầu thêm mô tả phù hợp, không trùng lặp và phải thể hiện câu chuyện đằng sau nó, đây cũng là điều anh thấy phù hợp với phong cách mình đang theo đuổi. Trong suốt những năm tham gia cộng đồng, anh đã có hàng loạt bức ảnh chụp thắng cảnh, con người Việt Nam được đăng tải, bình chọn đẹp nhất trong ngày.

"Khi tác phẩm của mình lần đầu được đăng trên tạp chí nổi tiếng như vậy, lại còn in hai trang, mình cảm thấy rất vinh dự vì những cống hiến đã được ghi nhận. Hơn nữa là cảm giác tự hào khi câu chuyện của Việt Nam được quốc tế đón nhận", anh nói.

"Đan lưới", được chụp vào 1/2018, vào chung kết và trở thành ảnh nổi bật trong giải thưởng "Nhiếp ảnh gia môi trường thế giới" năm 2019. Ảnh: NVCC

Sự nghiệp nhiếp ảnh có thể luôn bằng phẳng nhưng không hề dễ dàng với Tuấn Việt. Cuối năm 2018, áp lực sau một số sự kiện khiến anh rơi vào trầm cảm nặng, nhiều đêm không ngủ và bị ám ảnh bởi những suy nghĩ tiêu cực. Đầu năm 2019, anh bắt đầu điều trị bằng thuốc và vài tháng sau nhận được lời mời từ Google Arts & Culture. Để không bị mất cảm xúc khi sáng tác, anh quyết định dừng điều trị. "Mình rơi vào trầm cảm cũng vì nhiếp ảnh mà thoát ra khỏi nó cũng nhờ nhiếp ảnh. Ngay khi được làm việc mình thích, những cảm xúc tiêu cực trong mình cũng vơi bớt phần nào", anh chia sẻ.

NHIẾP ẢNH LÀ ĐAM MÊ, KHÔNG PHẢI CÔNG VIỆC

Liên tục cười khi nhận mình là "kẻ hâm" khi làm nghệ thuật, Tuấn Việt không nhớ hết bao lần xuyên Việt, đến các vùng miền để ghi lại 4-5 bức ảnh "dù không ai trả tiền". Lần tác nghiệp tại Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng vào những ngày nóng đến 40 độ C của mùa hè năm 2019, anh ham chụp ảnh "đến nỗi đi cứ đi, bất chấp các cơn đau nửa đầu hành hạ".

Với anh nhiếp ảnh chính là khoảnh khắc. Bức ảnh trên là "Cân bằng", chụp những người thợ bắt khung định vị trên đường dây diện cao thế vào 4/2017. Anh nhận định khoảnh khắc này có lẽ sẽ khó gặp lại lần thứ hai. Ảnh: NVCC

Trong những lần tác nghiệp, Tuấn Việt nhớ nhất bức ảnh 6 công nhân bắt vít cố định trên dây điện. Để ghi lại được khoảnh khắc ấy, anh mất 6 lần đi đi, về về giữa Hà Nội và Bắc Ninh. Hay lần thực hiện bức ảnh "Phật Tử cầu nguyện" là khi các nhiếp ảnh gia đã đi nhậu hết. Chỉ còn mình anh ở lại, xin phép các vị sư thầy cho mình đứng đằng sau tượng Phật Bà. "Mình chờ đợi đến cuối không phải chỉ để bắt được khoảnh khắc đẹp mà thực chất muốn chứng kiến từ đầu đến cuối, để hiểu sâu, hiểu rõ về một nghi lễ. Như vậy bức ảnh mới có hồn", anh chia sẻ.

Gần đây nhất là chuyến khám phá Sơn Đoòng, trên đường đi nhiều địa hình, rất khó để anh chụp một bức ảnh đẹp. Bên cạnh yếu tố kỹ thuật, anh tự nhận mình còn gặp may khi bắt được khoảnh khắc có nắng, có mưa trong hang. "Tôi thấy hầu hết ảnh đẹp trong Sơn Đoòng đều do các nhiếp ảnh gia quốc tế chụp. Tôi muốn chứng minh rằng nhiếp ảnh gia Việt Nam cũng ghi được cảnh đẹp của quê hương mình, vì vậy tôi sẽ tiếp tục đến hang động này nhiều lần nữa", anh cười và nói.

"Những bức ảnh đáng được tôn vinh là bức ảnh sáng tạo và truyền tải giá trị thực tế"

Tuấn Việt quan niệm giải thưởng không quyết định sự thành công của một nhiếp ảnh gia. Anh cho rằng những bức ảnh được dàn dựng, sao chép để mang đi thi không giúp lan tỏa hình ảnh vẻ đẹp Việt Nam với thế giới mà còn dễ làm thui chột óc sáng tạo của chính nhiếp ảnh gia.

"Trước đây tôi cũng từng chụp những bức ảnh có tính chất như vậy. Nhưng tôi nhận ra khi thành thật với chính mình và tôn trọng sự thật, tác phẩm mới có giá trị và được công nhận", anh bày tỏ. Đây cũng là một trong những tiêu chuẩn đạo đức hàng đầu mà NatGeo yêu cầu các nhiếp ảnh gia cộng tác phải thực hiện. Vì vậy để ghi lại những khoảnh khắc đắt giá, cách duy nhất anh lựa chọn là tìm hiểu thật kỹ về điểm đến.

Trần Tuấn Việt chụp một khách du lịch trên khối đá có tên "Wedding Cake" (Bánh cưới), được tạo ra khi trần hang sụp xuống, hình thành nên Hố sụt 2 trong hang Sơn Đoòng. Theo Oxalis Adventure, khoảnh khắc này khá hiếm gặp khi vừa có tia nắng chiếu từ trên, vừa có những giọt nước đổ xuống từ miệng hố sụt. Từng có khách du lịch nước ngoài phải cất công đến 11 lần mới chụp được cảnh tượng ánh nắng chiếu sâu vào trong hang này. Ảnh: NVCC

Qua nhiều năm gắn bó với nhiếp ảnh, Tuấn Việt thấy mình hợp nhất với những bức ảnh lan tỏa vẻ đẹp, tinh thần tích cực và tạo cảm hứng. "Nhiều người nhận xét những bức ảnh của tôi phảng phất nét buồn nhưng bình yên, tôi nghĩ điều này đúng với tình cảm, tích cách không thích tiêu cực của mình", anh nói. Tất cả hình ảnh anh chụp đều về truyền thống, văn hóa, lịch sử, cảnh sắc và con người Việt Nam. Trong đó, con người là yếu tố chủ đạo.

Những bình luận, tin nhắn khen ngợi của những người yêu nhiếp ảnh, du lịch trên thế giới là động lực để Tuấn Việt tiếp tục theo đuổi đam mê, góp phần đưa hình ảnh đẹp của Việt Nam ra thế giới. Năm 2021, anh dự định in sách ảnh tuyển chọn với những tác phẩm tâm đắc nhất và tham gia đại hội Xposure ở UAE, nơi quy tụ các nhiếp ảnh gia, phóng viên ảnh nổi tiếng quốc tế. Ngoài ra, anh cho biết sẽ tiếp tục rong ruổi trên khắp mọi miền đất nước, để sáng tác thêm nhiều bức ảnh đẹp, đặc biệt tại "Vương quốc hang động" Quảng Bình.

"Công việc đầy màu sắc" là ảnh vừa lọt vào chung kết hạng mục ảnh Du lịch, Cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế thường niên năm 2020 của tạp chí Smithsonian. Bức ảnh được Tuấn Việt chụp sau 3 ngày liên tục đi từ 5 giờ sáng lên Vườn quốc gia Ba Vì trong lễ hội du lịch Hoa Dã quỳ vào tháng 11/2020. Cuộc thi nhiếp ảnh uy tín năm thứ 18 nhận được hơn 47.000 tác phẩm từ 155 quốc gia và vùng lãnh thổ, chọn ra 60 ảnh vào chung kết. Ảnh: NVCC

Lan Hương