Mohammad Mallaeibasir, 19 tuổi, nói lời tạm biệt với người bạn Iran từ thời thơ ấu của mình tại sân bay quốc tế ở Maylaysia ngày 7/3. Vào thời điểm đó, việc chia tay khá dễ dàng. Cả cậu và người bạn là đều là những thiếu niên với cuộc sống rộng mở trước mắt, và sẽ còn nhiều lần đoàn tụ trong tương lai.
Tuy nhiên, bạn của cậu lại là một hành khách trên chuyến bay MH370 của hãng Malaysia Airlines, đã mất liên lạc với kiểm soát không lưu chưa đầy một giờ sau khi cất cánh, và hiện vẫn chưa được tìm thấy. Mallaeibasir hôm 27/12 nhận được một tin nhắn trên Facebook từ mẹ của người bạn. Bà hỏi cậu về một bài báo gần đây xoay quanh chiếc máy bay, khi bà vẫn tiếp tục cố gắng tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra với con trai mình.
"Giá như họ nhận được một câu trả lời, dù có thế nào đi nữa, tôi nghĩ rằng thế còn tốt hơn là không biết gì", Mallaeibasir, hôm qua nói về nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. "Một câu trả lời tồi tệ, cũng còn hơn là không có gì".
Malaysia phải đối mặt với nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp trong năm nay về một chuỗi các thảm họa hàng không như máy bay MH370 mất tích vào tháng ba; vụ rơi máy bay MH17 tại Ukraine vào tháng 7; và gần đây nhất, là sự biến mất của máy bay QZ8501 thuộc hãng AirAsia. Đây là hãng máy bay tại Malaysia, mặc dù chiếc máy bay mất tích thuộc về chi nhánh Indonesia của doanh nghiệp này.
Nếu tất cả hành khách trên chuyến bay QZ8501 đã thiệt mạng thì điều này có nghĩa là ba thảm họa hàng không nguy hiểm nhất năm 2014 đều gắn liền với Malaysia.
Tại trung tâm của AirAsia ở Kuala Lumpur, hành khách và thân nhân của những người sắp lên máy bay đến các điểm đến từ Ấn Độ cho đến Australia hôm qua bày tỏ sự thất vọng với vì rất nhiều chi tiết của ba thảm họa hàng không vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Julianna Chong, 19 tuổi, và anh trai cô, Jufri Aminuddin Chong, 21 tuổi, đi tiễn em gái của họ, người sắp đến Melbourne, Australia du lịch. Chong, một sinh viên ngành nghệ thuật, cho biết cô rất buồn và bối rối bởi các tai nạn: "Ba lần", cô nói, "điều này không hề bình thường".
"Chúng tôi vô cùng đau buồn về việc này, biết đâu những người trên các chuyến bay gặp nạn đã có thể là người trong gia đình chúng tôi", anh trai Chong nói, "các sự cố xảy ra liên tiếp, chúng ta thật sự không thể kiểm soát".
Bên ngoài các văn phòng của AirAsia tại sân bay Kuala Lumpur, nhân viên công ty nhấn mạnh rằng chuyến bay mất tích được điều hành bởi chi nhánh Indonesia, riêng biệt với công ty mẹ tại Malaysia. "Ở Malaysia, chúng tôi được ký hiệu là AK, còn họ là QZ", một nữ tiếp viên hàng không cho biết. Cô từ chối cho biết tên và nói rằng các nhân viên được yêu cầu không trả lời các phóng viên về những chiếc máy bay mất tích.
Tuy nhiên, cả hai bên đều sử dụng cùng logo và bay từ cùng một nhà ga hàng không ở Kuala Lumpur, nơi 63 trong tổng số 72 chuyến bay xuất phát vào đêm qua đều thuộc AirAsia. Tony Fernandes, giám đốc điều hành của công ty mẹ ở Malaysia càng chứng minh mối quan hệ chặt chẽ giữa chi nhánh và tổng công ty, khi ông hôm qua bay đến Surabaya để gặp gỡ gia đình những người trên chuyến bay, sau khi đi thăm trung tâm hoạt động tìm kiếm và cứu hộ ở Jakarta.
"Trái tim tôi rỉ máu vì tất cả những người thân của tổ bay và hành khách", ông Fernandes hôm qua viết trên Twitter. "Không có gì khác quan trọng hơn với chúng tôi hơn họ".
Công ty của ông Fernandes chỉ sở hữu 49% cổ phẩn của chi nhánh tại Indonesia, nhưng điều này không làm các hành khách Malaysia có cái nhìn khác đi. "Tất cả máy bay gặp nạn đều là của nước chúng tôi", Ramesh Sandra, một quản lý tiếp thị đang trên đường tới Ấn Độ cho một cuộc hành hương tôn giáo, nói.
Ông nói rằng những bi kịch "vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng ta" và "ơn huệ của Thượng Đế". Sau đó, ông đặt câu hỏi về quyết định của các hãng hàng không đặt hành khách vào nguy hiểm. Tại sao máy bay MH17 lại bay qua vùng chiến sự ở Ukraine? Tại sao QZ8501 lại bay khi có thời tiết xấu?, ông nói.
"Ba lần, thật khủng khiếp", ông Sandra nói. "Cuộc sống quan trọng hơn tiền bạc".
Phương Vũ (Theo NY Times)