Thống kê về gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam công bố gần đây cho thấy, các bệnh không lây nhiễm chiếm 74% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc. Trong đó, các rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn căng thẳng sau sang chấn, nghiện rượu và chất kích thích tăng nhanh chóng, trở thành một trong những vấn đề y tế đáng lo ngại nhất hiện nay.
Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, những tác động từ mất mát tinh thần, áp lực kinh tế và cuộc sống đã làm tăng đáng kể nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần, đặc biệt ở trẻ em. Tuy nhiên, chỉ khoảng 29% người bệnh được điều trị chính thức, và 1/3 số người bị trầm cảm nhận được sự chăm sóc cần thiết.
Một trong những rào cản lớn nhất đối với việc điều trị là sự kỳ thị và mặc cảm. Nhiều người bệnh, gia đình không chấp nhận chẩn đoán, thậm chí giấu bệnh, dẫn đến chậm trễ trong điều trị. Điều này khiến người bệnh có nguy cơ tìm đến các phương pháp điều trị không chính thống, gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong khi đó, hệ thống y tế cơ sở lại thiếu hụt các dịch vụ hỗ trợ cần thiết. Theo khảo sát năm 2022 của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, chỉ 61% bệnh viện huyện tổ chức khám, chữa bệnh ngoại trú cho người bệnh tâm thần; chỉ 9% cơ sở tuyến quận/huyện có khả năng điều trị nội trú.
Hiện nay, việc điều trị rối loạn tâm thần tại Việt Nam chủ yếu dựa vào thuốc, trong khi các dịch vụ điều trị tâm lý còn rất hạn chế. Cả nước chỉ có 143 nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu, dịch vụ này chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Bộ Y tế nhận định hệ thống pháp lý liên quan đến sức khỏe tâm thần, dinh dưỡng và bệnh không lây nhiễm còn nhiều bất cập. Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ban hành từ năm 2007 đã không còn phù hợp với thực tiễn.

Một bệnh nhân điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần. Ảnh: Lê Nga
Trước tình hình này, Bộ đề xuất xây dựng Luật Phòng bệnh, tập trung vào 5 chính sách chính: tiêm vaccine bắt buộc cho người có nguy cơ tại vùng dịch; cải thiện dinh dưỡng và sức khỏe; phòng chống rối loạn tâm thần; phòng chống bệnh không lây nhiễm; quản lý sức khỏe người dân. Theo TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, các chính sách này phù hợp với mô hình bệnh tật tại Việt Nam, không chỉ nhằm phòng chống bệnh truyền nhiễm mà còn hướng đến các bệnh không lây nhiễm và rối loạn tâm thần, đồng thời kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Bộ Y tế đã đề xuất bổ sung dự án Luật Phòng bệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 để sớm được Quốc hội xem xét và ban hành trong năm nay.
Lê Nga