"Có lần tôi mua truyện hộ bạn nhưng vì nhà quá nhiều nên bị lẫn, sau không thể tìm để đưa lại được", Việt kể thêm. Dù đã dành một phòng 30 m2 cho truyện tranh, chàng trai 9x ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vẫn không đủ chỗ để trưng hết số mình có, phải đóng truyện trong thùng.
Hoàng Việt làm quen với truyện tranh Nhật (manga) khi 4 tuổi. "Chị tôi mỗi lần được điểm cao, bố mẹ lại thưởng một cuốn truyện tranh và tôi được đọc ké. Quyển đầu tiên tôi đọc là Đường dẫn đến khung thành tập 18", Việt hồi tưởng.
Từ những quyển truyện của chị gái, Việt mê và bắt đầu bộ sưu tập truyện tranh. Năm 2011, anh tham gia điều hành một trang mạng xã hội dành cho những người yêu manga với mục đích tìm hiểu và chia sẻ thông tin, kiến thức về truyện tranh Nhật.
Việt không đếm chính xác số bộ truyện đang theo, chỉ ước tính "thị trường Việt Nam đang ra khoảng 50 bộ thì tôi mua 40 bộ" và tự nhận "mua vì thích chứ không phải để đếm số lượng". Số tiền Việt bỏ ra cho manga cũng không hề nhỏ. Chỉ tính năm năm đi làm, chi phí mua truyện tranh của anh "đủ để mua một căn hộ tiện nghi ở trung tâm Hà Nội" bởi ngoài những bộ xuất bản ở Việt Nam, anh còn đầu tư mua truyện từ nước ngoài. Một trong những bộ truyện quý nhất với anh là Sailormoon (Thủy thủ Mặt trăng) kèm chữ ký của tác giả, giá bán tại Mỹ có thể lên hơn 2.000 USD một cuốn.
My Chu, 30 tuổi và đã lập gia đình nhưng vẫn mê manga. Trong căn nhà ở Mỹ của vợ chồng cô, một phòng rộng hơn 40 m2 được dùng làm nơi lưu trữ hơn 10.000 cuốn truyện tranh.
My biết đến manga từ 5 tuổi. Hồi nhỏ, My dành dụm tiền ăn sáng, tiền mừng tuổi để mua truyện. Lớn lên, tiền lương từ công việc thiết kế đồ họa cho phép My theo đuổi 90% số đầu truyện ra tại Việt Nam và khoảng 30 tựa phát hành ở Mỹ. Bên cạnh đó, cô săn những bộ truyện cũ, hiếm như loạt tác phẩm của Osamu Tezuka. Để sở hữu chúng, My chấp nhận phải trả phí cao hơn 2-3 lần giá bìa và chờ hàng tháng trời.
Những người lớn nghiện truyện tranh như Hoàng Việt và My Chu không hiếm. "50% khách của tôi là người trên 25 tuổi", Nguyễn Thanh Tùng, chủ một tiệm bán truyện tranh trên đường Bùi Ngọc Dương, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết.
Trang mạng xã hội do Việt quản lý cũng thu hút người lớn. Theo số liệu phân tích từ Facebook, trong số gần 230.000 lượt thích trang này, nhóm 25-34 tuổi chiếm xấp xỉ 40%. "Có giảng viên U50 cũng sưu tầm manga", Việt bật mí.
Manga thường gắn liền với mục đích giải trí song với những người lớn "nghiện" truyện tranh, đó không phải lý do duy nhất thúc đẩy họ sưu tập hàng nghìn cuốn.
"Một bộ phận mua truyện tranh vì lúc còn bé không có điều kiện, giờ họ sưu tầm bù", Nguyễn Thanh Tùng, chủ tiệm bán truyện, lý giải. Lê Hương Mai ở quận 2 (TP HCM) là một trường hợp như vậy.
"Hồi nhỏ, tôi ít khi được mẹ cho mua truyện, lên cấp 2 thì bị cấm hoàn toàn nên chỉ thuê về đọc. Khi ấy, tôi chỉ ước sau này có đủ tiền để mua sách, mua truyện thoải mái mà không lo giá cả. May mắn, giờ tôi đã đạt được mục tiêu này", nữ bác sĩ 30 tuổi kể.
Những bộ Mai chọn mua đều gợi nhớ tuổi thơ của cô như Sailormoon, Thám tử lừng danh Conan, Dragon Ball (Bảy viên ngọc rồng), Yugi Oh (Vua Trò chơi), Dấu ấn Roto (Dấu ấn Rồng thiêng). Ngoài ra, cô mua theo sở thích, "thấy bộ nào hợp nét vẽ và cốt truyện thì theo". Tính từ năm 2015 đến nay, Mai mua hơn 3.000 cuốn truyện.
Tiếp đó, thị trường manga rất đa dạng, không chỉ dành cho trẻ em. Theo Hoàng Việt, có nhiều tác phẩm đề cập đến sự nghiệp và ước mơ người lớn, như Anh em phi hành gia nói về đôi anh em với mơ ước bay lên vũ trụ, còn bộ Gokusen diễn tả cuộc sống một cô giáo trong ngôi trường toàn học sinh cá biệt.
"Thế giới trong truyện tranh rất rộng lớn. Mỗi độ tuổi đều có những bộ truyện phù hợp, nên quan niệm 'chỉ trẻ con mới đọc truyện tranh' là không chính xác", Mai nói.
Những người lớn "nghiện" truyện tranh đồng tình rằng có những bộ truyện quá sâu sắc mà trẻ em không thể hiểu hết và có những bộ truyện mà ở các độ tuổi khác nhau, độc giả lại ngẫm ra một khía cạnh, giá trị khác. Cho đến năm 17 tuổi, Hoàng Việt chỉ đọc manga để thư giãn nhưng đến lúc trưởng thành, anh mới thấy chúng có "một gia tài bài học sống". "Ví dụ trong Doraemon, Nobita mỗi khi lợi dụng tính năng của bảo bối thì đều gặp 'quả báo'. Hay chương nào nhân vật Jaian bắt nạt bạn bè thì đến cuối đều không có kết quả tốt đẹp", Việt kể.
Đại dịch Covid-19 cũng thúc đẩy nhiều người lớn sưu tập manga. Trong chuỗi ngày stress vì giãn cách xã hội, họ tìm lại những thú vui cũ và nhớ ra mình từng thích manga.
"Không có phòng truyện chắc tôi sẽ dở hơi vì ở nhà nhiều quá", My Chu nói, tiết lộ thêm cả năm 2020, cô chỉ ra đường bốn lần và đến nay vẫn làm việc từ xa. Phần lớn bộ sưu tập hiện tại được My mua trong những năm Covid-19.
Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm so với những thú vui sưu tầm khác thì truyện tranh "dễ thở" hơn, trừ trường hợp sưu tập các phiên bản hạn chế từ nước ngoài như Hoàng Việt. Ở Việt Nam, một cuốn truyện tranh có giá trung bình 30.000 đồng nhưng tần suất ra khoảng hai tuần một cuốn hoặc một tháng một cuốn. "Mỗi tuần ra hơn chục tựa cũng không phải là vấn đề với người trưởng thành đã đi làm", Tùng nhận xét.
Đã ở tuổi trưởng thành nên đam mê manga của những người trẻ trên không còn bị gia đình can thiệp. Bố và chồng My Chu chiều cô đến mức xách tay 70 kg truyện sang Mỹ hoặc đóng tủ truyện, chở cô đi nhà sách. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ tránh được những nhận xét không mấy thiện cảm từ người xung quanh. Khi đăng ảnh phòng truyện lên mạng xã hội, My Chu vấp phải nhiều bình luận chê cô tiêu hoang, thậm chí có người quy kết cô làm nghề bất chính mới có tiền mua được từng ấy truyện trong hai năm. Hương Mai thì bị đồng nghiệp trêu chọc "còn đọc truyện tranh nên giờ vẫn ế".
Dù vậy, phản ứng từ người ngoài không thể cản trở những nhân vật trên tiếp tục sưu tập truyện tranh.
"Tôi sẽ không dừng đam mê chỉ vì một vài ý kiến của những cá nhân không tôn trọng mình", My khẳng định.
Hương Mai thì cho rằng mình "còn mê manga dài dài" vì đây là sở thích cũng như cách giải tỏa căng thẳng. Còn với Hoàng Việt, tương lai chán manga có lẽ không bao giờ xảy ra.
"Cũng mong mình mua ít đi, nhưng chắc khó", anh nói.
Minh Trang