Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 sẽ ghi nhận thêm hình thức giao kết hợp đồng lao động thông qua phương tiện điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
Luật sư Phạm Thanh Bình trao đổi với VnExpress một số vấn đề xoay quanh quy định nêu trên.
- Hợp đồng lao động điện tử được hiểu là như thế nào, thưa ông?
- Xuất phát từ thực tiễn, với sự phát triển của khoa học công nghệ thì việc giao kết hợp đồng lao động không đơn thuần chỉ bằng văn bản, lời nói hay hành vi.
Theo điều 33 Luật Giao dịch điện tử 2005, hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Trong đó, phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự.
Giao kết hợp đồng điện tử là sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng. Lúc này, thông báo dưới dạng thông điệp dữ liệu có giá trị pháp lý như thông báo bằng hợp đồng truyền thống.
Như vậy, có thể hiểu hợp đồng điện tử có giá trị pháp lý như hợp đồng lao động bằng văn bản. Mọi quy định về nội dung hợp đồng và giải quyết tranh chấp phát sinh cũng sẽ tuân theo các quy định của bộ luật dân sự, bộ luật lao động cũng như các luật khác có liên quan.
- Với việc công nhận hợp đồng điện tử, các văn bản pháp lý liên quan sẽ phải điều chỉnh thế nào?
- Bộ luật Lao động 2019 mới bổ sung quy định hình thức hợp đồng lao động điện tử nhưng các quy định liên quan đến hợp đồng điện tử, giao dịch điện tử đã được pháp luật quy định cụ thể tại Luật Giao dịch điện tử 2005.
Điều 14 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
Theo đó, mọi tranh chấp phát sinh giữa người sử dụng lao động và người lao động đều được giải quyết theo quy định của các luật liên quan, không phân biệt hình thức hợp đồng mà hai bên đã ký kết.
Dù pháp luật quy định thêm hình thức hợp đồng nhưng các nội dung liên quan hình thức hợp đồng này cơ bản đã đầy đủ và không nhất thiết phải điều chỉnh các quy định hiện hành.
- Ông đánh giá hợp đồng điện tử có ưu điểm gì?
- Việc giao kết hợp đồng điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể ký kết hợp đồng lao động linh hoạt hơn. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, sự bùng nổ của công nghệ thông tin và dịch chuyển lao động toàn cầu, hình thức hợp đồng lao động điện tử có thể giải quyết được các vấn đề về khoảng cách địa lý, thời gian ký kết.
Ngoài những thuận lợi mang lại cho người sử dụng lao động và người lao động nêu trên, hình thức giao kết này cũng có những khó khăn nhất định. Bản chất của hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa các bên về việc làm có trả công, về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Do đó, hai bên cần có sự trao đổi, tiếp xúc trực tiếp với nhau mới dễ dàng thỏa thuận nội dung, đánh giá kỹ năng, trình độ, tính cách của người lao động có phù hợp, đáp ứng yêu cầu mà người lao động đặt ra hay không?
Một khó khăn nữa trong ký kết hợp đồng lao động điện tử là phải phụ thuộc vào máy móc, chương trình phần mềm, tính bảo mật không cao.
Theo Bộ luật Dân sự 2019, hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
Các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới một tháng, trừ trường hợp sử dụng người lao động là người dưới 15 tuổi và người giúp việc gia đình và giao kết hợp đồng lao động với người được ủy quyền của nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên.
Nếu hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì vẫn được coi là hợp đồng lao động.
Bảo Hà