Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) quy định, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Theo đó, từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó cứ mỗi năm, tuổi nghỉ hưu tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Với quy định này, tới năm 2021, tuổi nghỉ hưu của nam sẽ là 60 tuổi 3 tháng, năm 2022 là 60 tuổi 6 tháng,... đến năm 2028 thì đủ 62 tuổi. Tương tự với lao động nữ, năm 2021 tuổi nghỉ hưu là 55 tuổi 4 tháng, sang năm 2022 là 55 tuổi 8 tháng, năm 2023 là 56 tuổi, đến năm 2035 thì nữ nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi.
Theo luật sư Vũ Tiến Vinh, với mức tăng này từ năm 2028 trở đi, tuổi nghỉ hưu của nam không tăng thêm nữa và duy trì ở mức 62 tuổi, từ năm 2035 tuổi nghỉ hưu của nữ duy trì ở mức 60 tuổi. Pháp luật về lao động đã nhiều lần sửa đổi, bổ sung nhưng tuổi nghỉ hưu là 60 đối với nam và 55 đối với nữ đã được áp dụng ổn định từ năm 1961 (theo Nghị định 218-CP ngày 27/12/1961) cho đến nay. Cách tính tăng tuổi nghỉ hưu theo từng năm có thể gây bỡ ngỡ cho người lao động. Tuy nhiên, những ai gần đến tuổi nghỉ hưu khi tìm hiểu quy định này thì cũng sẽ thấy không quá phức tạp. "Nói cách khác, lao động nam sinh từ năm 1966 trở về sau và lao động nữ sinh từ năm 1975 trở về sau chỉ cần cộng thêm 62 đối với nam và 60 đối với nữ sẽ ra năm nghỉ hưu", ông Vinh nêu.
Luật sư cho rằng việc luật quy định một lộ trình dài như vậy là đã cân nhắc tới yếu tố sức khỏe của người lao động, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cũng như xu hướng chung của các nước. Điều này giúp người lao động dần thích nghi với quy định mới về độ tuổi nghỉ hưu."Đây là một quy định mới nhưng dễ hiểu và dễ vận dụng nên có lẽ không cần hướng dẫn cụ thể gì thêm".
Được ký hợp đồng lao động với nhiều công ty
Ngoài quy định về độ tuổi nghỉ hưu, Bộ luật Lao động 2019 giữ nguyên, kế thừa bổ sung nhiều quy định khác. Điều 19 quy định về giao kết nhiều hợp đồng lao động nằm trong số đó. Cụ thể, người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.
Theo đó, người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, theo điều 29.
Bảo Hà