Ở tọa đàm "Cải tiến kỹ năng lao động - chìa khóa bứt phá sản xuất trong đại dịch" hôm 28/9 , ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ kỹ năng nghề, Bộ Lao động Thuơng binh và Xã hội - cho rằng đại dịch gây ra nhiều hệ lụy với kinh tế, đời sống, từ đó cho thấy rõ sự dịch chuyển đầu tư, công nghệ giữa các cường quốc, quá trình già hóa dân số...
Thực trạng trên đòi hỏi người lao động lẫn các cấp quản lý phải thay đổi để ứng phó với tình hình mới, không chỉ nâng cấp lối tư duy, khả năng phân tích, chiến lược học tập, kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp, tư duy phản biện, óc sáng tạo... mà còn ở tầm nhìn lãnh đạo. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là trang bị gì và như thế nào?
Hiện Quốc hội đã thông qua Luật việc làm 2013, có các văn bản hướng dẫn và thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Những giải pháp này bao quát và cơ bản, góp phần ứng phó với biến động của đại dịch. Điển hình là bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho từng lĩnh vực. Trên cơ sở đó, các yêu cầu mới về năng lực của người lao động được cập nhật liên tục và chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc gia với năm bậc trình độ.
Nhiều doanh nghiệp đang áp dụng bộ tiêu chuẩn này, từ đó đưa ra các chiến lược bồi dưỡng nhân lực hoặc tuyển dụng nhân sự phù hợp với yêu cầu của công ty mình. Bản thân người lao động cũng dựa vào tiêu chuẩn ấy để xác định mình đang thiếu hụt kỹ năng nào so với nhu cầu của thị trường. Từ đó tìm cách nâng cao trình độ chuyên môn, học hỏi ở trường, nơi làm việc hoặc trên internet...
Theo ông Nguyễn Chí Trường, các bên liên quan cần đồng hành, sát cánh và thể hiện trách nhiệm ngang nhau. Có vậy, Bộ, ngành, các cấp mới nắm rõ nhu cầu của doanh nghiệp và thiết lập bộ tiêu chuẩn riêng về người lao động...
Tương tự, Nhà nước cần xác định rõ nhu cầu của doanh nghiệp từng lĩnh vực, các cơ sở đào tạo lẫn trường đại học... rồi căn cứ vào đó để điều chỉnh, lên khung chương trình phù hợp. Từ đấy, bản thân người lao động cũng thấy rằng họ cần chung tay, tham gia vào quá trình này.
Ông Trường nhấn mạnh vai trò của Nhà nước là dẫn dắt và chuẩn hóa kỹ năng lao động bằng các bộ tiêu chuẩn theo quy định Luật việc làm. Điều này còn nhằm mục đích giúp doanh nghiệp tăng năng suất, chất lượng lao động, hiệu quả công việc, tăng năng lực canh tranh, an toàn sức khỏe và hội nhập quốc tế.
Ngay sau phần trình bày của ông Chí Trường ở tọa đàm, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - đưa ra ba kiến nghị.
Thứ nhất, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nên có biểu mẫu khảo sát, đánh giá thực trạng lao động hiện nay ở mọi ngành nghề. Đây là mấu chốt để đề nghị Bộ và Chính phủ đưa ra cơ chế nguồn kinh phí cho việc đào tạo.
Thứ hai là cơ chế tài chính. Ông Giang mong Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có hướng dẫn cụ thể trong bối cảnh hiện tại, nhất là với các trường đào tạo, cao đẳng nghề... hoặc phân bổ kinh phí cho các doanh nghiệp để họ trực tiếp tổ chức đào tạo tay nghề cho lao động.
Thứ ba, kỹ năng tay nghề của Việt Nam còn hạn chế và yếu, do đó cần liên tục xây dựng các giải pháp tầm nhìn, đào tạo thường xuyên. Khi dịch chuyển các nhà máy dịch về vùng cao hay nông thôn, người lao động cần được đào tạo kỹ năng lẫn ý thức công nghiệp.
"Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phải sát cánh với doanh nghiệp hơn nữa, chia sẻ và đồng hành với họ thì chúng ta mới thành công trong tầm nhìn đào tạo kỹ năng nghề giai đoạn 2022-202", ông Vũ Đức Giang nói.
Vụ trưởng Vụ kỹ năng nghề Nguyễn Chí Trường cũng đồng tình với quan điểm của ông Vũ Đức Giang. Ông lý giải Chính phủ đã có tầm nhìn sớm, ban hành nghị quyết 68 và quyết định số 23 của Thủ tướng việc nội dung hỗ trợ cho người lao động lẫn doanh nghiệp khó khăn.
Thi Quân