Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư số 35/2024 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế; đào tạo, kiểm tra, cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. Văn bản này hướng dẫn Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Phải thi lại lý thuyết dù giấy phép quá hạn một ngày
Theo thông tư, người có giấy phép lái xe các hạng B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE quá thời hạn sử dụng dưới một năm kể từ ngày hết hạn phải sát hạch lý thuyết. Nếu giấy phép quá hạn từ một năm trở lên, người lái phải sát hạch lý thuyết, thực hành lái xe trong sa hình và trên đường trường.
Trường hợp người bị mất giấy phép lái xe nhưng quá thời hạn sử dụng dưới một năm cũng sẽ phải dự sát hạch lý thuyết. Quá hạn từ một năm trở lên kể từ ngày hết hạn phải sát hạch cả lý thuyết và thực hành. Giấy phép lái xe thuộc trường hợp này phải có tên trong hồ sơ của Sở Giao thông Vận tải, không bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý.
Nội dung mới về giấy phép lái xe quá hạn được siết chặt hơn so với hiện nay. Thông tư 04/2022 quy định người có giấy phép lái xe quá thời hạn sử dụng từ 3 tháng đến dưới một năm thì phải sát hạch lại lý thuyết; từ một năm trở lên phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành. Quy định này cho phép người lái xe có giấy phép hết hạn trước 3 tháng vẫn có thể đổi mà không phải sát hạch lý thuyết.
Giấy phép lái xe bị mất được cấp lại ngay
Tại thông tư mới, Bộ Giao thông Vận tải cho phép người có giấy phép lái xe bị mất, còn thời hạn sử dụng được xét cấp lại ngay mà không phải chờ xác minh tới 2 tháng như hiện nay.
Nhà chức trách sẽ không cấp lại giấy phép lái xe đối với các trường hợp như giấy không có trong hệ thống thông tin tại Cục Đường bộ Việt Nam; những người vi phạm trật tự an toàn giao thông chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết, xử lý việc vi phạm.
Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý Vận tải Phương tiện và Người lái, Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết trước đây người bị mất giấy lái xe thường phải chờ đợi sau 2 tháng để Sở Giao thông Vận tải tra cứu xem giấy đó có bị tạm giữ, bị tước hay không. Cảnh sát giao thông cần thời gian để tổng hợp trường hợp bị tạm giữ, bị tước sau đó mới cập nhật lên dữ liệu và gửi sang ngành giao thông.
Tuy nhiên, hiện nay công nghệ thông tin đã phát triển, cảnh sát giao thông có thể cập nhật ngay vào dữ liệu xử lý vi phạm đối với trường hợp bị tạm giữ hay bị tước giấy phép. Cơ quan cấp đổi sẽ cập nhật vào cơ sở dữ liệu để kiểm tra và cấp lại giấy phép.
"Quy định mới sẽ tháo gỡ khó khăn đối với những người bị mất giấy phép lái xe, nhất là người làm nghề kinh doanh vận tải", ông Thống nói.
Học viên lái xe được tự học lý thuyết
Điểm mới của thông tư là học viên các hạng giấy phép lái xe ôtô học lý thuyết đầy đủ theo hình thức tập trung hoặc đào tạo từ xa, hoặc tự học có hướng dẫn. Còn theo quy định hiện nay, học viên phải đến các trung tâm đào tạo để học lý thuyết và thực hành với thời gian học tùy theo từng loại giấy phép.
Cụ thể, người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe các hạng: B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE phải học đủ chương trình lý thuyết theo quy định và được lựa chọn một trong các hình thức học như: Tập trung tại cơ sở đào tạo lái xe hoặc đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn theo quy định của pháp luật về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe.
Nội dung học thực hành lái xe phải theo hình thức tập trung tại cơ sở đào tạo.
Theo Ban soạn thảo, việc cho phép học viên được đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn, tức đào tạo trực tuyến, hoặc tập trung thay cho duy nhất đào tạo tập trung trước đây là một tiến bộ, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian cho cả người học và cơ sở đào tạo.
Khóa học giấy phép lái xe không quá 90 ngày
Thông tư mới quy định thời gian ôn tập, kiểm tra hết môn và nghỉ lễ, Tết để xây dựng tổng thời gian khóa đào tạo lái xe ôtô không quá 90 ngày. Người học lái xe được kiểm tra kết thúc môn học khi tham dự tối thiểu 70% thời gian học các môn lý thuyết; học đủ thời gian và tối thiểu 50% số km học thực hành lái xe trên sân tập lái; học đủ số km và tối thiểu 50% thời gian học thực hành lái xe trên đường.
Theo Ban soạn thảo, với không quá 90 ngày, cơ sở đào tạo lái xe sẽ phải có trách nhiệm cao hơn với người học, tránh tình trạng nhận hồ sơ rồi tìm cách kéo dài thời gian học để giữ chân học viên. Đây chính là thay đổi tiến bộ, tạo thuận lợi hơn trước cho cả người học và cơ sở đào tạo lái xe.
Thông tư mới cũng không quy định đào tạo về nghiệp vụ vận tải. Nội dung và thời gian học nội dung này sẽ được bổ sung vào chương trình tập huấn nghiệp vụ đối với người hành nghề lái xe kinh doanh vận tải quy định tại Nghị định quản lý về vận tải.
Mở rộng diện cấp giấy phép lái xe quốc tế
Theo quy định hiện hành, người được cấp giấy phép lái xe quốc tế là người Việt Nam, người nước ngoài có thẻ thường trú tại Việt Nam, có giấy phép lái xe quốc gia do Việt Nam cấp bằng vật liệu PET.
Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ sửa đổi theo hướng người Việt Nam hoặc người nước ngoài có thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú tại Việt Nam, có giấy phép lái xe do Việt Nam hoặc quốc gia là thành viên của điều ước quốc tế mà nước Việt Nam là thành viên cấp, còn giá trị sử dụng, nếu có nhu cầu được cấp giấy phép lái xe quốc tế.
Giấy phép lái xe mẫu mới áp dụng từ 1/1/2026
Thông tư mới quy định từ ngày 1/1/2025 đến ngày 31/12/2025, việc cấp đổi giấy phép lái xe vẫn áp dụng theo mẫu giấy phép lái xe hiện hành, các hạng giấy theo quy định của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Từ ngày 1/1/2026, người lái xe sẽ thực hiện cấp mới, đổi theo mẫu giấy phép lái xe mới. Các giấy phép cũ vẫn được lưu hành bình thường, khi hết hạn sẽ đổi theo mẫu mới.
Ngành giao thông đang quản lý 55,6 triệu giấy phép lái xe, cả ôtô và xe máy. Trong đó khoảng 22 triệu giấy phép môtô không thời hạn bằng vật liệu giấy (các loại bằng A1, A2 và A3) được cấp từ năm 1995 đến tháng 7/2012 cần đổi sang thẻ nhựa (PET).
Đoàn Loan