Trang Health Sina đưa tin về người đàn ông Trung Quốc tên Zhang, 50 tuổi, bị đường huyết cao nên buộc phải thường xuyên theo dõi chỉ số đường trong máu. Sau khi áp dụng chế độ ăn uống và tập thể dục phù hợp, lượng đường trong máu ông đã được kiểm soát rất tốt.
Gần đây, Zhang thường xuyên lái xe hơi đi làm. Trước khi đi ông đo được đơn vị đường huyết là 7,4 mmol / L. Sau đó Zhang ăn bánh mì, uống một ly sữa. Hai giờ sau, chỉ số đường huyết đã lên đến 12 mmol / L. Sự gia tăng đột ngột lượng đường trong máu khiến người đàn ông rất ngạc nhiên. Hôm sau, trước khi lái xe đi làm, ông đo glucose máu lúc đói là 5,5 mmol / L rồi ăn sáng như ngày đầu tiên với bánh mì, một ly sữa. Hai giờ sau chỉ số đường huyết đo được là 7,2 mmol / L. Ông rất thắc mắc liền đến bác sĩ và đặt câu hỏi: "Với cùng một chế độ ăn, tại sao lượng đường huyết lại khác nhau như vậy?". Các bác sĩ giải thích chính việc điều khiển xe thường xuyên là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Nghiên cứu cho thấy một người lái xe hơi cần phải tập trung cao độ, cộng thêm việc phải xử lý những tình huống bất ngờ trên đường để tránh tai nạn giao thông khiến họ luôn ở trong trạng thái căng thẳng, dễ dẫn đến tăng đường huyết. Để duy trì lượng đường trong máu ổn định, cơ thể phải tiết ra nhiều insulin hơn để chống lại các adrenaline gây tăng đường huyết. Qua thời gian, gánh nặng của việc liên tục tiết insulin sẽ gây tổn thương tế bào β, làm giảm tiết insulin, khiến đường huyết tiếp tục gia tăng gây bệnh tiểu đường.
Trong trường hợp ông Zhang lượng đường trong máu ban đầu đã cao, khi lái xe bị căng thẳng dẫn đến tăng đường huyết là điều dễ hiểu. Nếu tình trạng trên tiếp tục kéo dài mà người lái xe không có kế hoạch kiểm soát tốt chỉ số đường huyết sẽ ảnh hưởng các bộ phận khác của cơ thể và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm hơn. Một số bệnh nhân tiểu đường nặng thường kèm theo đục thủy tinh thể, bệnh chi dưới và hàng loạt các biến chứng. Tất cả đều có thể là mối đe dọa cho bản thân và người khác, do đó các cơ quan an toàn khuyến cáo người bị bệnh tiểu đường nặng không thích hợp làm tài xế.
Bác sĩ khuyến cáo những người sở hữu xe hơi, đặc biệt là các cụ lớn tuổi hoặc có tiền sử tăng đường huyết sẽ có xác suất bệnh tiểu đường cao hơn bình thường. Đặc biệt những người có thói quen mới ăn xong đã lái xe, về nhà lại ngủ ngay lập tức, thiếu tập luyện thể dục, dẫn đến tích tụ quá nhiều chất béo ở vùng bụng dễ gây bệnh tiểu đường tuýp 2.
Để phòng ngừa bệnh tiểu đường, bác sĩ khuyên những người sử dụng xe hơi nên có biện pháp giảm bớt sự căng thẳng của cơ thể, tránh điều khiển xe liên tục trong thời gian dài. Khi dừng chân nên làm một số bài tập vận động nhỏ như xoay cánh tay, xoay cổ tay, duỗi chân. Nếu được nên đổi tài luân phiên. Cần dành thời gian tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Thường xuyên đo đường huyết, đặc biệt những người béo phì hoặc tiền sử gia đình có người bị tiểu đường nên chú ý nhiều hơn. Nếu chỉ số đường cao hoặc có chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, cần tuân thủ điều trị nghiêm ngặt.
Bệnh nhân tiểu đường trước khi lái xe cần đo lượng đường trong máu, nếu chỉ số này máu quá cao hoặc quá thấp, nên tránh lái xe. Thường xuyên kiểm tra mắt, tim và các cơ quan khác để phát hiện sớm các biến chứng. Không nên lái xe suốt quãng đường dài vì sự mệt mỏi sẽ ảnh hưởng đến phản ứng và khả năng phán đoán, hơn nữa lái xe đường dài có thể gây ra biến động về lượng đường trong máu.
Để phòng tụt đường huyết, tài xế nên chuẩn bị sẵn ít bánh quy, kẹo ngọt và đồ uống trong xe. Nếu đang lái xe có cảm giác bụng đói, tim đập nhanh, run và nhìn mờ, có thể là những triệu chứng của hạ đường huyết, cần dừng xe ngay để bổ sung thực phẩm và đồ uống. Sau khi giảm các triệu chứng mới tiếp tục lưu thông.
>> Xem thêm
4 lời khuyên vàng phòng bệnh tiểu đường
Ngộ nhận hay gặp về bệnh tiểu đường