Cũng là người phục vụ trong cung cấm, nay về sống lặng lẽ giữa đời thường, nhưng ở Huế, khi hỏi đến người lái xe cho vua Bảo Đại, hầu hết người già đều biết đó là ông Nguyễn Như Đào, sống tại khu tập thể Xã Tắc, thành phố Huế. Những câu chuyện về nghề tài xế như đã ngấm trong người, chỉ cần có người gợi chuyện là ông Đào lại say sưa kể.
Ông nội và cụ thân sinh đều làm quan trong triều đình, khi 20 tuổi, ông Đào được đưa vào cung học nghề lái ôtô trong một xưởng cơ khí. Học được một năm thì ông và ba người nữa được vào đội lái xe chính cho vua. Ngày đó, trong cung có một đội xe chuyên phục vụ vua và triều đình. Người học lái có thầy dạy riêng và học luôn việc sửa chữa, phòng lúc đường xa, xe hỏng thì tự xoay sở được.
"Lái ôtô không phải là chuyện khó nhưng tài xế luôn phải đặt sự an toàn của mỗi chuyến đi lên hàng đầu. Đã lái xe là tuyệt đối không uống rượu bia, hút thuốc lá", ông Đào kể và cho biết suốt bao nhiêu năm làm nghề lái xe, ông luôn giữ được nguyên tắc đó.
Ông Nguyễn Như Đào, người lái xe cho cựu hoàng Bảo Đại. Ảnh: Văn Nguyễn. |
Vốn đẹp trai, tháo vát lại hiền lành nên ông Đào được vua chọn chuyên lái xe cho ngài mỗi khi đi đường xa. Ông cho biết mặc dù làm phận tôi tớ nhưng vua Bảo Đại coi ông như người nhà. Chạy xe đường dài, vua thường thay phiên lái xe để tài xế ngủ lấy sức.
“Vua Bảo Đại thường lái hoặc sai tài xế cho xe chạy nhanh, như muốn thử cảm giác mạnh vậy. Xuất phát từ Huế lúc 16h chiều nhưng chỉ sớm hôm sau vua đã có mặt ở Đà Lạt để bắt đầu cho chuyến đi săn”, ông Đào kể, đôi tay khẽ xoay xoay đầu chiếc gậy như đang quay vô lăng ôtô.
Gần 10 năm lái xe cho vua, ông Đào biết được sở thích của Bảo Đại là được cầm lái và sưu tầm xe hơi phân khối lớn, xe thể thao. Vua có tới 5 xe hơi, trong đó chiếc Jaguar Mark II mua năm 1951 có gắn một con báo Nam Mỹ bằng đồng phía trước mũi là chiếc duy nhất có mặt tại Việt Nam ở cùng thời điểm. Vua còn tò mò với các động cơ đến mức nhiều xe mới mua về đã bị vua tháo ra lắp vào.
Lái xe cho vua, ông Đào được nhận lương 30 đồng bạc Đông Dương mỗi tháng. Nhưng với ông, đã là phận làm tôi thì phải tuyệt đối trung thành, lo toan cho chủ. Ngày Bảo Đại bị gãy chân ở Đà Lạt, chính ông Đào là người chở vua vào Sài Gòn chữa trị. Do vết thương quá nặng nên vua phải sang Pháp điều trị, ông lại tiếp tục tháp tùng cho đến ngày Bảo Đại bình phục.
Ông Đào bảo những đời vua trước thì ông không biết nhưng riêng vua Bảo Đại ngày đó làm vua mà chẳng có thực quyền gì. “Vua cũng được trả lương như người đi làm thuê vậy. Cả ngày cứ thấy vua đi chơi, đi săn bắn chứ ít khi lo chuyện triều chính. Rồi đến ngày cách mạng giành chính quyền…”, giọng ông Đào chậm lại.
Và ông kể tiếp: “Đó là ngày 30/8, tôi chở vua Bảo Đại từ trong điện Kiến Trung ra cửa Ngọ Môn để trao ấn kiếm cho cách mạng. Nhà vua hôm đó đội khăn vàng, mặc hoàng bào. Dọc đường đi vua tôi không nói chuyện gì, nhưng nhìn sắc mặt của ngài buồn lắm".
Đôi tay ông Đào cứ xoay xoay đầu chiếc gậy khi kể lại chuyện lái xe cho vua khi xưa. Ảnh: Văn Nguyễn. |
Trả ấn kiếm xong, ông Đào lại chở vua về. Hai ngày sau, cựu hoàng Bảo Đại trở thành cố vấn Vĩnh Thụy của Chính phủ lâm thời lên đường ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Ông Đào không theo cựu hoàng nữa mà ở lại cung An Định lái xe chở bà Nam Phương đi vận động ủng hộ Tuần lễ vàng. Được một thời gian ngắn, ông tham gia hoạt động làm tự vệ thanh niên, rồi ban bình dân học vụ. Năm 1946, ông theo cách mạng tập kết ra Bắc cho đến ngày đất nước hòa bình.
“Khi đi lính tôi cũng lái xe. Nhiều khi đi giữa đêm vắng, nghe tiếng động cơ nổ lại nhớ đến cựu hoàng. 28 tháng này là đến ngày giỗ của vua bên phủ Kiên Thái Vương. Năm nào tôi cũng sang thắp cho ngài nén hương, nhưng năm nay thấy sức mình yếu dần rồi”, ông Đào trầm ngâm.
Nhắc đến cuộc sống riêng, ông Đào cho biết, chính những ngày phục vụ vua Bảo Đại, ông được đức Từ Cung (mẹ vua) đứng ra mai mối cho cô hầu kiêm thư ký của mình là Lê Thị Dinh. Năm 1940, đám cưới của đôi bạn trẻ được tổ chức ở ngoại thành, cũng đơn sơ như bao đám cưới khác cùng thời, nhưng đặc biệt ở chỗ nghi thức lại mặt có vào cung vua. “Vua Bảo Đại rất hào phóng, khi vợ chồng tôi vào bái lạy, vua cho quà mừng cưới”, ông Đào nhớ lại.
Đôi vợ chồng sống ở một căn nhà thuộc phường Thuận Hòa, ngày ngày bà Dinh vẫn vào cung phục vụ đức Từ Cung đến tối muộn mới về, còn ông Đào tiếp tục hành trình cùng những chuyến xe chở vua Bảo Đại. Rồi hai cậu con trai chào đời, cuộc sống gia đình có phần vất vả hơn nhưng trách nhiệm và bổn phận với triều đình vợ chồng ông không chút lơ là. “Nhiều khi xa con nhớ lắm, nhưng phận tôi tớ phải lo cho tròn”, ông Đào chia sẻ.
Tập kết ra Bắc, xa Huế suốt 30 năm, ngày trở về cuộc sống gia đình ông đã sang một ngã rẽ khác. Khi ông mang hai con trai với người vợ khác về Huế cùng, bà Dinh giận lắm. Họ sống ly thân cho đến giờ. Vậy nhưng mỗi lần nhắc đến người vợ cũ, giọng ông Đào lại hồ hởi: “Bà Dinh đẹp và tốt bụng lắm! Tuần nào bà cũng sang thăm tôi cả”. Khi đó, hai người bạn già lại trò chuyện, chăm sóc nhau.
Hai nhà nghiên cứu Huế Hồ Tấn Phan và Nguyễn Đắc Xuân đều cho biết ông Nguyễn Như Đào là một trong số ít những nhân vật từng phục vụ trong cung còn sống cho đến ngày nay. “Những câu chuyện mà ông Đào kể về vua Bảo Đại là xác thực bởi ông là người lái xe thân cận cho vua Bảo Đại lúc bấy giờ”, ông Phan nói. |
Văn Nguyễn