Trong căn nhà nhỏ ở làng Hương Cần, xã Hương Toàn (Hương Trà, Thừa Thiên - Huế), bà Trí Huệ năm nay đã 90 tuổi, nhưng vẫn rất minh mẫn khi kể về cuộc đời mình cũng như những công thức may gối trái dựa cung đình.
Bà Huệ kể, bác ruột của bà là ông Hường Hoằng, hầu cận vua Thành Thái, bị mật thám Pháp phát hiện có bàn chuyện cơ mật với vua và lĩnh án tử hình. Trong cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916, cha đẻ của bà giúp vua Duy Tân xây dựng binh quyền để chống Pháp. Cuộc khởi nghĩa không thành, ông bị bắt giam cùng với vua, nhưng may mắn thoát khỏi tội chết, về quê mở tiệm thuốc Bắc.
"Lúc nhỏ tôi học nghề bốc thuốc của ba, khi lớn lên, là con cháu của hoàng tộc, tôi được cho phép vào trong Đại nội học may vá thêu thùa như các Công Tôn Nữ khác”, bà Trí Huệ kể về cơ duyên đến với nghề may gối.
Ngày ngày bà vẫn tự tay may quần áo với niềm trăn trở sẽ có người nối nghiệp để bà truyền lại nghề may gối trái dựa. Ảnh: Văn Nguyễn. |
Năm 17 tuổi, bà Trí Huệ vào cung làm nghề may gối trái dựa (gối có nhiều nếp, có thể gập lại mở ra tuỳ ý để gối đầu, dựa lưng, hoặc tì cánh tay) và đảm trách luôn việc may áo cho Đức Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại. Bà cho biết việc may gối dựa đều làm theo mẫu có sẵn và tuân thủ quy tắc may gối cho vua phải đủ 5 lá, gối của Hoàng Thái Hậu và các quan phải đủ 4 lá.
"Nhưng người may phải có mẹo để gối luôn thẳng mép, không lỗi chỉ, nhồi bông cho thật khéo để gối luôn giữ được độ êm, căng phồng đều sau nhiều lần giặt. Để hoàn thành một chiếc gối dựa, người thợ lành nghề, chăm chỉ cũng phải mất ít nhất 5 ngày công", bà Huệ cho biết.
Gối trái dựa của vua được thêu rồng, gối dựa của Hoàng Thái Hậu được thêu phụng, gối của các quan thường để trơn. Để đảm bảo tính thẩm mỹ của chiếc gối, công đoạn may do người chuyên may gối đảm nhận còn việc thêu sẽ có những thợ thêu chuyên nghiệp làm.
“Chọn màu vải khi may gối trái dựa cũng hết sức quan trọng. Thường thì gối của vua và Hoàng Thái Hậu có màu vàng, tượng trưng cho uy quyền, còn gối của các quan là màu xanh, tím tùy theo màu của ghế đặt gối”, bà Huệ kể.
Năm 2000, bà Trí Huệ cùng con trai Bùi Quang Thiện đã dâng tặng đại tướng Võ Nguyên Giáp chiếc gối trái dựa do chính tay bà làm. Bà được chụp ảnh lưu niệm với đại tướng. Ảnh: Văn Nguyễn. |
May gối cho vua Bảo Đại, bà Trí Huệ bảo phải rất chú ý đến kích thước của ghế và lượng bông nhồi gối sao cho phù hợp với thân hình của hoàng đế. Nếu may gối theo mẫu cũ dành cho các ông vua trước thì không ổn vì vua Bảo Đại cao to hơn nhiều. “Nhờ đó mà vua Bảo Đại rất vừa lòng. Vua còn sai may gối trái để có thể đặt trên ôtô mang theo mỗi khi vua lên Đà Lạt đi săn”, bà Trí Huệ nhớ lại.
Cũng chính sự bắt mắt và tác dụng của chiếc gối trái dựa trong cung Nguyễn mà nhiều bạn người Pháp của vua Bảo Đại đã đặt bà Trí Huệ may để mang về làm quà cho người thân.
Ngoài việc may gối cho vua, bà Trí Huệ còn đảm nhận việc may áo cho bà Từ Cung. “Áo luôn phải phẳng khi mặc, phải may bó sát người, vừa gọn gàng, vừa kín đáo”, bà Trí Huệ tiết lộ bí quyết may áo cho Đoan Huy Hoàng Thái Hậu.
9 năm làm nghề may trong cung cấm, ban ngày bà Trí Huệ chăm chỉ làm việc phục vụ vua, hoàng thái hậu, nhưng đêm đêm lại bí mật hoạt động cách mạng, nuôi giấu cán bộ trong nội thành Huế.
Gối trái dựa 4 lá do bà Trí Huệ làm được trưng bày tại cung An Định. Ảnh: Văn Nguyễn. |
Cách mạng tháng Tám thành công, bà được bầu làm đại biểu hội phụ nữ ở địa phương. Nhưng rồi công việc thêu thùa cho hoàng tộc lại níu kéo bà. Sau năm 1954, bà được hoàng tộc Triều Nguyễn xin về ở tại cung An Định phục vụ Đức Từ Cung để tiếp tục may áo, gối dựa.
Thời gian này bà vẫn bí mật hoạt động cách mạng và từng bị bắt giam ở lao Thừa phủ, lao Mang Cá. Kháng chiến thành công, nhiều người biết đến công lao của bà Trí Huệ, bà được tặng Huy chương kháng chiến và Bằng khen của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Ngày nay, vào thăm Đại nội Huế, nhiều du khách rất thích thú khi chiêm ngưỡng những chiếc gối trái dựa đặt ngay trong điện Thái Hòa hay ở cung An Định. Đó là sản phẩm mà nghệ nhân Công Tôn Nữ Trí Huệ làm.
Năm nay đã bước sang tuổi 90, bà Trí Huệ vẫn ngày ngày gắn bó với nghề may gối trái dựa theo kiểu cung đình như một sự tri ân đối với nghề truyền thống. Điều bà trăn trở nhất là chưa có ai thực sự yêu nghề để bà truyền nghề với hy vọng những chiếc gối dựa cung đình được tiếp tục “xuất ngoại” theo bước chân của du khách.
Theo nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân, bà Công Tôn Nữ Trí Huệ là người hoàng tộc làm việc trong cung đình triều Nguyễn, đặc biệt là việc may gối trái dựa cho vua, quan và bà Từ Cung. Bà là người duy nhất còn sống nhớ được những công thức may gối trái dựa cung đình. Chính vì có thời gian làm việc trong cung đình nên bà Trí Huệ đã góp phần giới thiệu với du khách những câu chuyện có thật mà bà được chứng kiến trong cung đình. |
Văn Nguyễn