Trong những tuần sau khi Iran phóng gần 200 tên lửa đạn đạo vào Israel, truyền thông nước này liên tục ca ngợi sức mạnh quân sự của Tehran. Đài truyền hình Iran chiếu cảnh tên lửa lao vút qua các thành phố Israel, trong khi nhiều tờ báo cảnh báo "kịch bản tận thế" nếu Israel đáp trả.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực thể hiện sức mạnh, Iran đang đối mặt tình thế khó khăn, khi Israel tăng cường tấn công các lực lượng đồng minh trong "trục kháng chiến" của Tehran ở khu vực, theo giới quan sát.
"Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều những ngày qua để ngăn cuộc chiến tranh toàn diện ở khu vực. Chúng tôi không sợ chiến tranh và sẵn sàng cho điều đó, nhưng không muốn nó xảy ra", Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi nói trong chuyến thăm Baghdad tuần trước.
Giới lãnh đạo Iran nhận thấy Israel ngày càng không kiềm chế, khi tiến hành các cuộc không kích vào các khu vực như Dải Gaza hay thủ đô Beirut của Lebanon, bất chấp những lời kêu gọi giảm quy mô ném bom để bảo vệ dân thường. Trong vài tháng qua, lực lượng Israel đã tăng cường đối đầu với Hezbollah và Hamas, hạ sát thủ lĩnh của cả hai nhóm.
"Giới lãnh đạo Iran kết luận rằng Israel muốn loại bỏ tất cả mối đe dọa với họ, gồm Hamas, Hezbollah và cả Tehran", Vali Nasr, chuyên gia về Trung Đông kiêm giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Johns Hopkins, nói.
Iran tối 1/10 tập kích tên lửa đạn đạo vào Israel để trả thù cho thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh, thủ lĩnh Hezbollah Hasan Nasrallah và tướng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran Abbas Nilforoushan. Đây là cuộc tấn công trực diện thứ hai của Iran vào Israel, sau đợt phóng hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái hồi tháng 4.
Israel tuyên bố sẽ đáp trả khốc liệt, nhưng chưa công bố cách thức và thời điểm tập kích. Thủ tướng Benjain Netanyahu đầu tháng này nói với Mỹ rằng ông sẽ tránh tấn công các cơ sở hạt nhân và dầu khí của Iran, theo quan chức am hiểu vấn đề.
Tuy nhiên, bất cứ đòn không kích nào vào Iran đều có thể gây tổn hại lớn cho cơ sở hạ tầng quan trọng và ảnh hưởng tới nền kinh tế vốn gặp nhiều khó khăn của nước này.
Các trạm xăng ở thủ đô Tehran đã xuất hiện những hàng người xếp dài chờ mua nhiên liệu. Một số cư dân cho biết đang tích trữ thực phẩm, trong khi hàng chục chuyến bay nội địa bị hủy vì lo ngại Israel tấn công.
"Nhiều người dân chúng tôi rơi vào cảnh khốn đốn sau nhiều năm khủng hoảng và không muốn tình hình tệ thêm nữa", Masoud, 42 tuổi, chủ doanh nghiệp ở Rasht, phía bắc Iran, nói.
Trong những năm qua, Iran đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình phản đối chính phủ, trong đó có cuộc bạo loạn nổ ra năm 2019 sau khi giới chức cắt giảm trợ cấp nhiên liệu, tăng giá xăng dầu chỉ sau một đêm.
Năm 2022, cái chết của một cô gái trẻ khi bị cảnh sát đạo đức bắt giam đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình kéo dài nhiều tháng trên toàn quốc, khiến hơn 500 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị bắt, theo Liên Hợp Quốc.
Nhiều người Iran cảnh báo nếu cuộc chiến với Israel nổ ra, Iran sẽ đối mặt rất nhiều rủi ro và bất kỳ động thái leo thang quân sự nào cũng đều mang lại nhiều đau khổ hơn cho người dân.
"Khi có chiến tranh, người dân vô tội sẽ chết và cơ sở hạ tầng bị hư hại", Hamed Esmaeilion, nhà hoạt động Iran hiện sống ở Canada, nói.
Những người ủng hộ Tổng thống Masoud Pezeshkian, người đắc cử hồi tháng 7, lo ngại rằng căng thẳng với Israel, đồng minh quan trọng của Mỹ, sẽ phá hỏng nỗ lực tái thiết quan hệ giữa Iran và các quốc gia phương Tây sau nhiều năm bị cô lập.
Arash, kỹ sư 38 tuổi ở Tehran, cho biết những người ủng hộ Tổng thống Pezeshkian cảm thấy thất vọng, nhưng hiểu rằng ông nhậm chức vào thời điểm khó khăn.
Ông Pezeshkian được bầu sau khi người tiền nhiệm Ebrahim Raisi qua đời trong vụ tai nạn trực thăng. Vào ngày Pezeshkian nhậm chức, thủ lĩnh Haniyeh của Hamas bị ám sát ở Tehran.
"Chúng tôi đang trải qua một trong những năm khó khăn nhất từ trước tới nay", Arash nói, thêm rằng đợt leo thang căng thẳng mới giữa Israel và Iran dường như nghiêm trọng hơn hồi tháng 4. "Bây giờ, mọi người đều nghĩ về chiến tranh", anh nói.
Ngoài những lo ngại về kinh tế và bất ổn, nhiều người Iran cũng hiểu rằng Israel có năng lực quân sự vượt trội hơn. Với hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại, các đơn vị chiến đấu và năng lực tình báo, Israel có lợi thế đáng kể trong bất kỳ cuộc đối đầu trực tiếp nào với Iran, theo giới quan sát.
Hơn nữa, Israel nhận được hỗ trợ ngoại giao và quân sự mạnh mẽ từ Mỹ, nước đã cảnh báo Iran không nên leo thang xung đột thêm nữa. Sự hỗ trợ này cùng với sức mạnh quân sự của Israel có thể khiến Iran ngần ngại đẩy tình hình đi quá xa.
"Chúng tôi đã sống trong trạng thái lo sợ và căng thẳng suốt nhiều tháng. Giờ đây, chúng tôi liên tục nhìn lên trời để xem khi nào tên lửa Israel sẽ bay tới", Naghmeh, cư dân Tehran, nói.
Thùy Lâm (Theo Washington Post, Jerusalem Post, IRNA)