Đường phố tại quận Pagkrati, thủ đô Athens (Hy Lạp) yên tĩnh một cách lạ kỳ, dù mới là chiều ngày thứ Hai. Ở đây, cứ mỗi quán cà phê hay tạp hóa còn mở cửa, thì số hàng quán phải đóng vĩnh viễn còn gấp hàng chục lần như thế. Trước một số cửa tiệm bỏ không đã lâu vẫn còn treo biển "cho thuê" trên những cánh cửa đã phai màu vì nắng.
Tại quán cà phê Kafeneio, vài người đàn ông đã về hưu đang hút thuốc dưới một mái hiên, nhấm nháp đồ ăn với vài ly rượu vang đỏ. Hôm nay, hầu hết họ đều đến hạn nhận lương hưu. Nhưng vấn đề, ít nhất với Yannis, là ông không có thẻ ATM. Trong khi các ngân hàng vẫn đóng cửa. Việc này khiến ông chẳng thể nào lấy được tiền.
Yannis muốn tất cả việc này chấm dứt. Ông cho biết sẽ bỏ phiếu "Có" trong cuộc trưng cầu dân ý Chủ Nhật này. Ông muốn Hy Lạp chấp nhận các yêu cầu thắt lưng buộc bụng của châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dù chúng có thể khiến chính sách thuế và lương hưu thay đổi theo chiều hướng tiêu cực.
Dimitris thì lại chọn bỏ phiếu "Không". Ông không có lương hưu. Năm nay gần 70 tuổi, Dimitris đã phải đóng cửa hiệu tạm hóa hồi tháng 2, sau 43 năm kinh doanh. Các con ông đều đã lên kế hoạch rời Hy Lạp, một người còn muốn tới tận Australia.
"Tôi muốn ở lại châu Âu. Chỉ là không phải một châu Âu như thế này", ông nói.
Trước đó, ông còn kể chuyện về các chủ đề như Thế chiến II, Vương quốc Anh, sự ra đời của Hy Lạp suốt cả giờ. Lịch sử có ý nghĩa rất lớn với những người này, đặc biệt là Dimitris. Họ cảm thấy đã bị các quốc gia hùng mạnh tại châu Âu chơi xấu.
Ngồi cạnh ông là Victor, một người cũng bỏ phiếu "Không", đã thất nghiệp 4 năm nay. Ông làm việc trong ngành xây dựng, rồi sau đó chuyển sang làm bảo vệ.
"Chắc là họ ghen tị với chúng tôi đấy. Đất nước tôi ngập trong ánh nắng mặt trời mà", ông nói, ám chỉ Đức và các nước giàu khác trong eurozone. Ông cũng đổ lỗi cho các nước này vì đã gây ra tình hình hiện nay. "Họ phải biết là nước nhỏ như chúng tôi thì chẳng bao giờ có thể trả được khối nợ đó cả. Nhưng họ vẫn tiếp tục đưa chúng tôi tiền", ông nói.
"Chúng tôi muốn công bằng. Tất cả những nước lớn đó đều có quá nhiều kinh nghiệm. Còn Hy Lạp lại quá nhỏ bé. Họ không thể giúp chúng tôi thoát khỏi mớ hỗn độn này được à?", ông than thở trên BBC.
Thanasis thì lại chọn không đi bỏ phiếu Chủ Nhật này, nhưng không phải vì lý do chính trị. Ông đã đăng ký đi bỏ phiếu tại thành phố Kalamata, nhưng lại chẳng có tiền để đến đó. Ông đã làm việc ở đây từ năm 17 tuổi, chủ yếu là lái xe bus.
Dù vậy, chẳng ai trong số họ nghĩ đến chuyện sẽ rời Hy Lạp.
Hôm nay là ngày cuối cùng Hy Lạp phải hoàn trả 1,5 tỷ euro cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Nếu không, nước này sẽ vỡ nợ và có thể phải rời eurozone. Lo lắng hệ thống ngân hàng sụp đổ, người dân Hy Lạp đã ồ ạt rút tiền suốt vài tuần qua, khiến Chính phủ phải áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn, gồm đóng cửa ngân hàng, hạn chế tiền rút ra từ các ATM và các giao dịch quốc tế.
1h30 chiều ngày 28/6, tại Ngân hàng Quốc gia Hy Lạp, chi nhánh đường Formionos, gần 25 người đang xếp hàng trước một ATM. Một số lo lắng máy sẽ hết tiền và muốn đến lượt thật nhanh trước khi việc đó diễn ra. Một số thì phân tích tình hình tài chính cho những người khác.
Dù vậy, không phải ai ở đây cũng rút tiền vì lo lắng hệ thống ngân hàng sụp đổ. "Đằng nào tôi cũng phải ra đây mà. Tuần nào tôi cũng tới đây rút lương hưu cho mẹ. Bà ấy không quen dùng ATM", ông cho biết trên Huffington Post.
Khi được hỏi về việc trưng cầu dân ý Chủ Nhật này, ông nói: "Trong tất cả các kịch bản đặt ra, tôi thích bỏ phiếu và nói Không".
Còn tại chi nhánh của Piraeus Bank ở Quảng trường Pangrati, chẳng có ai phải xếp hàng chờ rút. Trong khi đó, ATM của Eurobank bên kia đường lại đang phải phục vụ hàng chục người. "Dù sao hôm nay tôi cũng phải rút tiền. Phải rút nhiều hơn để cảm thấy an toàn cho vào ngày tới. Cái ATM này chắc sắp hết tiền đấy. Mấy chỗ đã bị thế rồi", một người đàn ông khoảng 30 tuổi cho biết.
Ở cạnh đó, hai cô gái cũng đành bỏ đi vì không rút được tiền. "Tôi bỏ phiếu cho đảng Syriza, dù trước đó không ủng hộ họ. Vì tôi muốn có các điều khoản tốt hơn sau khi đàm phán. Nhưng vài tháng qua, họ chẳng thương thảo được gì cả. Đó là điều tôi cảm thấy. Họ lẽ ra đã có thể hạ thấp lương hưu đang quá cao và siết chặt phúc lợi cho người về hưu. Tôi không chịu được cái cách họ tỏ ra cứ như là đang đàm phán tích cực lắm. Giờ thì đã 5 tháng qua rồi, quả bóng lại chuyền về phía chúng tôi, để quyết định một vấn đề tài chính mà không hoàn toàn hiểu hết. Chính xác thì đây là thỏa thuận gì vậy?", một người nói.
Khi được hỏi có cảm thấy sợ trước tương lai của Hy Lạp, cô đã trả lời: "Có. Tôi sợ vỡ nợ, sợ tiền tệ mất giá và sợ sẽ bị cô lập nếu Hy Lạp rời EU".
Hà Thu (tổng hợp)