Hy Lạp đang đứng trước thời khắc sinh tử. Họ phải trả 1,5 tỷ euro cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào ngày mai (30/6), hoặc bị tuyên bố vỡ nợ.
Hiện tại nước này không có tiền. Chính phủ Hy Lạp đã từ chối các điều kiện cải tổ do nhóm chủ nợ quốc tế đưa ra để đổi lấy tiền cứu trợ. Ngày 5/7 tới, Hy Lạp sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc có nên chấp nhận các điều khoản này hay không. Trong khi đó, nhóm chủ nợ đã tuyên bố không cho thêm thời gian.
Quả bóng giờ được chuyền về chân IMF. Họ sẽ phải quyết định liệu có nên tuyên bố Hy Lạp vỡ nợ hay không. Vì động thái này sẽ châm ngòi cho hàng loạt sự kiện có thể dẫn đến việc Hy Lạp rời khu vực đồng euro.
Chủ tịch IMF - bà Christine Lagarde cũng cho biết nếu không thể trả nợ đúng hạn, Hy Lạp sẽ không được nhận thêm bất kỳ khoản viện trợ nào từ IMF nữa. Không viện trợ cũng đồng nghĩa Hy Lạp sẽ phải in tiền để giữ Chính phủ hoạt động. Tức là họ phải quay về với đồng drachma trước đây.
Theo Huffington Post, dưới đây là những kịch bản có thể xảy ra nếu Hy Lạp vỡ nợ. Giới phân tích cho rằng châu Âu cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả, nhưng sẽ không đau đớn như Hy Lạp.
Các kịch bản dành cho Hy Lạp:
1.Vỡ nợ nhưng vẫn ở lại eurozone
Dù Ngân hàng Trung ương Hy Lạp cảnh báo rằng nếu vỡ nợ, Hy Lạp sẽ phải rời khỏi eurozone và Liên minh châu Âu (EU), điều đó không phải lúc nào cũng đúng.
Khi Hy Lạp vỡ nợ, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ phải quyết định xem có nên hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng nước này hay không. Nếu ECB đồng ý cho Hy Lạp vay thêm tiền, các nhà băng có thể trụ lại được một thời gian nữa.
Theo Wall Street Journal, với kịch bản này, Hy Lạp sẽ có thêm thời gian để đạt thỏa thuận cứu trợ, hoặc ít nhất cũng giảm thiểu được các hậu quả của việc vỡ nợ.
2. Rời khỏi eurozone và quay lại với đồng drachma
Một trong những trở ngại chính cho chương trình hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp là Hy Lạp có nhiều khoản nợ lớn hơn phải trả trong tháng 7. Trong khi đó, nước này đang cạn tiền. Nếu ECB không tiếp tục cho vay, họ sẽ phải rời eurozone và tự phát hành đồng Drachma.
Những ngày gần đây, người dân Hy Lạp đã ồ ạt đi rút tiền do lo ngại hệ thống ngân hàng sụp đổ. Việc này đã khiến giới chức hôm nay phải áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn, gồm đóng cửa ngân hàng và thị trường chứng khoán, hạn chế rút tiền mặt và các giao dịch thanh toán ra nước ngoài.
Dù vậy, một số nhà kinh tế học, như chủ nhân Nobel Kinh tế - Paul Krugman lại nhận thấy Hy Lạp sẽ có lợi ích dài hạn khi vỡ nợ và trở lại dùng đồng drachma. Họ cho rằng nước này có thể phá giá nội tệ và phục hồi tăng trưởng dựa trên xuất khẩu, cũng như khôi phục lại quỹ cho các chương trình phúc lợi. Dù vậy, họ cũng thừa nhận các chủ nợ châu Âu sẽ mất trắng tiền nếu để Hy Lạp ở lại eurozone.
3. Rời eurozone và dùng song song hai loại tiền tệ
Một viễn cảnh khác có khả năng xảy ra là Hy Lạp phát hành nội tệ song song với euro. Đồng drachma sẽ được dùng để trả lương cho người lao động, giúp Chính phủ có nhiều euro hơn để trả cho các chủ nợ nước ngoài. Việc này thực chất là Chính phủ "vay tiền" từ người lao động để trả nợ công.
Tuy nhiên vấn đề là chính phủ ông Tsipras cần phải thuyết phục được người dân chấp nhận việc này. Hệ thống hai tiền tệ này là "thiên đường" trong phạm vi Hy Lạp, nhưng sẽ không được chấp thuận rộng rãi như đồng euro. Việc phát hành quá nhiều nội tệ cũng có thể khiến đồng tiền này mất giá, Bloomberg cảnh báo.
4. Không chỉ rời eurozone mà còn phải từ bỏ EU
Hy Lạp có phải từ bỏ Liên minh châu Âu (EU) hay không vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ, theo cảnh báo của ngân hàng trung ương nước này. Trên Guardian, hồi giữa tháng, ông Martin Schulz - Chủ tịch Nghị viện EU đã cho biết rời eurozone cũng đồng nghĩa với việc rời EU.
Tuy nhiên, trong hiệp ước của khối Liên minh châu Âu (EU) chưa có điều khoản nào quy định việc buộc một nước ra khỏi khối này. Và hầu hết người dân Hy Lạp vẫn mong muốn ở lại.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo cho EU?
1. Khủng hoảng tài chính
EU lo lắng rằng nếu Hy Lạp ra đi, các ngân hàng Pháp và Đức vốn cho Hy Lạp vay sẽ bị đe dọa. Một hiệu ứng domino tồi tệ có thể xảy ra sau khi Hy Lạp vỡ nợ. Thị trường tài chính tại các nước yếu trong eurozone sẽ bị chao đảo nếu ECB để Hy Lạp ra đi, khiến người dân Bồ Đào Nha, Ireland và Italy ồ ạt đi rút tiền tại các ngân hàng. Lo ngại tiền tệ mất giá, các công ty cũng sẽ buộc phải rút lượng lớn tiền khỏi các quốc gia này, gây ra khủng hoảng tài chính.
Tuy nhiên, New York Times đánh giá, lo ngại này đã được trấn an đi ít nhiều khi gần đây EU đã thiết lập Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM), giúp các nước yếu ngăn chặn ảnh hưởng của việc Hy Lạp rời eurozone. Thêm vào đó, Hy Lạp cũng đã trả hầu hết các khoản nợ của mình cho các ngân hàng Đức và Pháp. Phần lớn nợ của nước này là với các Chính phủ châu Âu. Điều này cũng có nghĩa nếu vỡ nợ, Hy Lạp sẽ không phá hủy cả nền kinh tế nói chung của các nước này.
2. Tác động đến hình ảnh của eurozone
Hy Lạp vỡ nợ sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng tới tham vọng duy trì eurozone. Những nỗ lực của các nhà lãnh đạo châu Âu suốt 5 năm qua nhằm giữ Hy Lạp ở lại eurozone sẽ "đổ xuống sông xuống bể".
Hy Lạp có thể là nước đầu tiên rời eurozone, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh "dự án gây dựng sự thịnh vượng" mà khu vực đồng tiền chung vẫn hướng tới. Theo BBC, Hy Lạp sụp đổ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho những nhóm chính trị bài châu Âu và làm lung lay niềm tin về sự vĩnh cửu của đồng euro.
3. Hy Lạp sẽ tạo ra một tiền lệ tồi tệ
Việc Hy Lạp ra đi sẽ là tiền lệ cho các nước khác trong khu vực từ bỏ eurozone. Trong đó, Bồ Đào Nha là ứng cử viên hàng đầu, khi nước này cũng đang đối mặt với khủng hoảng nợ. Tuy nhiên, Thủ tướng Bồ Đào Nha - Pedro Passos Coelho hồi giữa tháng đã phủ nhận khả năng trên.
Các quốc gia giàu có hơn, như Đức cũng lo ngại việc Hy Lạp thành công trong việc nhận được cứu trợ nhưng không cắt giảm chi tiêu sẽ tạo ra một tiền lệ cho các quốc gia còn lại. Theo đó, những nước này sẽ có thể dọa ra đi để được nhận các khoản vay.
Đức Anh - Hà Thu