Cách thành phố Hà Giang khoảng 165 km, nhưng phải mất 6 tiếng ô tô của chúng tôi mới tới thị trấn và phải mất gần 2 tiếng cho đoạn đường 40 km từ Mèo Vạc lên trung tâm xã Khâu Vai. Sau khi làm việc với ủy ban nhân dân xã, chúng tôi đi bộ khoảng 3 giờ đồng hồ để đến được một bản, nơi có hai bể chứa được dự án tài trợ. Ở đây, vào mùa khô, phụ nữ và trẻ em gái phải đi bộ nửa ngày để lấy được 20 lít nước về nấu ăn.
Cạnh nhà văn hóa là ngôi trường cấp một đơn sơ, nơi có một cô giáo 50 tuổi đang dạy học. Cô Tươi kể, bể nước có hai tác động tích cực là học sinh sẽ có nước rửa tay, chân trước khi bước vào lớp học trong 5 tháng có nước. Còn 7 tháng còn lại trong năm, mặt bể là sân chơi cho trẻ em vì nó bằng phẳng.
Nhà cô ở thành phố Hà Giang, chồng làm bộ đội, hai con đã lớn và lập gia đình. Suốt 15 năm qua, cô đi xe máy về thăm nhà vào chiều thứ 6 và đầu giờ chiều chủ nhật lên lại trường với học sinh. Mỗi chiều đi mất khoảng 7 tiếng đồng hồ. "Sao chị không nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác về thành phố cho gần nhà, đỡ phải đi lại vất vả?", tôi hỏi. "Chỉ tại mình thương lũ trẻ ở đây, thấy chúng nó tội nghiệp và thiệt thòi quá", cô Tươi nghẹn ngào trả lời. Khi tôi còn bối rối chưa biết nói gì thì vẻ mặt và ánh mắt cô bất chợt đầy hứng khởi: "Trong suốt 15 năm qua, chưa có một học sinh nào của mình học hết cấp ba nhưng mà năm vừa rồi có một cậu người Mông vừa đỗ đại học. Mình mừng lắm và thấy rất hạnh phúc".
Nhưng sau khi cậu học trò Mông đỗ đại học, thì không có tiền ăn học. Cô Tươi đã bắt xe khách về Hà Nội, đi tìm việc và xin được cho cậu vào làm ở một quán bia hơi. Ngoài ra, cô cảm thấy mình không có "thành tích" gì đặc biệt trong 15 năm cắm bản.
Trước các vấn đề của hệ thống an sinh, người ta dễ dàng bật ra giải pháp "đầu tư". Trước những vấn đề của giáo dục, nhiều độc giả phía dưới các bài viết đưa ra lời kêu gọi "đầu tư cho giáo dục" bằng ngân sách. Nhưng câu chuyện của cái bể nước giữa cao nguyên đá nói lên rằng trong bối cảnh nước ta, nhiều khi một khoản tiền không thể là giải pháp cho mọi vấn đề. Giáo dục sẽ không thể thành công, nếu không có sức người và tình người.
Giáo dục phổ thông của trẻ em dân tộc ít người đã có những bước tiến vượt bậc, đóng góp quan trọng vào tiến trình hoàn thành "Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ" và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Khoảng cách về tỷ lệ đi học của học sinh dân tộc thiểu số so với học sinh người Kinh ở cấp tiểu học đã không còn và còn rất nhỏ ở cấp trung học cở sở. Tỷ lệ nhập học đúng tuổi của trẻ em các dân tộc như Tày, Thái, Mường, Khmer, Xơ Đăng đều trên 90% vào năm 2015. Đặc biệt, tỷ lệ này của trẻ em dân tộc Mông đã tăng vượt bậc từ 74% năm 2009 lên 92% năm 2015.
Theo nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ nhập học ở cấp trung học cơ sở của các dân tộc này cũng tăng rất nhanh trong giai đoạn 2009 đến 2015. Tỷ lệ nhập học của học sinh dân tộc ít người ở cấp ba tuy có thấp hơn nhiều so với học sinh dân tộc Kinh nhưng cũng có những bước tiến bộ nhảy vọt và ngày càng thu hẹp khoảng cách như Mông - từ 5,8% lên 33%; Xơ Đăng – từ 7,6% lên 42%.
Câu chuyện của cô giáo Tươi và những gì chứng kiến ở Khâu Vai là một trong những lý do có thành công trên. Vài năm trước đó, cũng vào một lần đi công tác ở Hà Giang, tôi đã chứng kiến cảnh hơn 20 cô giáo cắm bản nhân dịp về tập huấn nghiệp vụ đang ăn, uống và hò hét trong trạng thái say khướt. Phải đến tận khi gặp cô Tươi, tôi mới hiểu, họ được quyền say như thế - như một ngày xa xỉ, bởi rất hiếm khi có dịp gặp được những đồng nghiệp cùng cảnh ngộ, những người biết rõ một ngày làm người dạy học của họ là thế nào.
Những thành tựu trên các báo cáo cuối năm không thể có được nếu thiếu đi sự hy sinh vô cùng to lớn của rất nhiều người hùng thầm lặng như cô Tươi ở Khâu Vai - những người lặng lẽ gieo mầm tri thức cho trẻ em dân tộc ít người trên những mảnh đất khô cằn dẫu biết trong hàng trăm hạt giống, có thể chỉ có một cậu người Mông đỗ đại học.
Đó cũng là những người tạo cảm hứng cho học sinh về một niềm vui mang tên sự hiểu biết. Họ nên được ghi nhận, trân trọng nhiều hơn bởi tất cả chúng ta.
Phùng Đức Tùng