Thứ tư, 27/11/2024
Thứ bảy, 24/2/2024, 07:19 (GMT+7)

Người Hoa ở TP HCM xếp hàng xin lộc dịp Tết Nguyên tiêu

Đêm trước Tết Nguyên tiêu, đông đúc người dân đến chùa Ông, quận 5 để cúng bái, vay lộc, chạm vào tượng thờ mong bình an, may mắn.

Tối 23/2, một ngày trước Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng), nhiều người Hoa ở khu vực Chợ Lớn đến Hội quán Nghĩa An (678 Nguyễn Trãi) cầu may mắn, phước lành trong năm mới.

Hội quán Nghĩa An còn gọi là Miếu Quan Đế hoặc chùa Ông. Đây là hội quán của người Triều Châu và Hẹ, xây dựng đầu thế kỷ 19. Chùa thờ Quan Công - nhân vật thời Tam Quốc có tấm lòng trung nghĩa, khí phách anh hùng. Hàng năm chùa có hai lễ lớn nhất là Nguyên tiêu và vía Quan Công, thu hút đông du khách.

Tết Nguyên tiêu, còn gọi là Tết Thượng nguyên, tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng là dịp mọi người cầu an, giải hạn, mong một năm an lành.

Gian thờ Quan Công luôn đông đúc người tới cúng bái, làm lễ. Trước đó một ngày, tượng Quan Công được cộng đồng người Hoa cung nghinh trên các tuyến đường ở khu vực Chợ Lớn trong ngày vía.

Theo số liệu thống kê dân số năm 2019, có hơn 500.000 người Hoa đang sống TP HCM, tập trung ở quận 5, 6, 8, 10 và 11.

Nhóm bạn hơn 10 người của anh Trần Trọng Nghĩa (góc phải) thắp nhang cầu an. "Tôi đại diện cả nhóm dâng sớ để cầu mong bình an, hạnh phúc trong năm mới", người đàn ông 38 tuổi nói.

Nhiều người sau khi cúng bái xong thì hơ tay lên ngọn lửa trong chánh điện, hy vọng sẽ mang lại may mắn, tài lộc.

Phía ngoài cửa là khu thỉnh lộc, khách nào lễ chùa xong cũng đều ghé vào nhận. Khác với nhiều chùa khác, tại đây có tục vay lộc thay vì xin về như thường thấy. Tục này có khoảng trăm năm nay, từ những ngày đầu hội quán mới xây dựng.

"Vay lộc" là một hoạt động truyền thống mỗi dịp Tết Nguyên tiêu của Miếu Quan Đế. Tương truyền rằng Quan Công là vị thần có chức năng bảo trợ, phù hộ cho việc buôn bán dân nên mọi người tin nếu được ông cho vay tiền thì việc làm ăn sẽ phát đạt.

Lộc được vay là trái cây, thường là quýt, phong bao lì xì và tờ giấy quý nhân (loại giấy tiền cúng thần trong tín ngưỡng dân gian của người Hoa). Trái quýt và tờ "quý nhân" thường được đặt tại bàn thờ Thần tài.

Nguyên tắc có vay thì sẽ phải trả, nếu khách viếng chùa vay một phần lộc thì đúng thời điểm này năm sau đến trả lại gấp đôi. Đó là nguyên tắc giao dịch bất thành văn đã tồn tại hàng trăm năm qua.

Năm nay chùa có hơn 20.000 phần lộc và khoảng 20 tình nguyện viên phát, nhận lộc khách trả khi đã vay năm ngoái. Việc vay diễn ra nhanh chóng, khách đến chỉ việc giơ ngón tay diễn tả phần lộc sẽ trả năm nay.

"Năm ngoái tôi đến vay hai trái quýt và hai phong bao lì xì nên nay ghé lại chùa trả gấp đôi. Tục này rất ý nghĩa với người Hoa trong dịp đầu năm mới", bà Tuyết Lan, 63 tuổi, quận 11 nói, trong lúc trả lộc.

Lần đầu ghé chùa, Bùi Xuân Nghi, 23 tuổi, quận 7 thích thú chụp lại phần lộc đã vay. "Tôi biết đến tục này qua mạng xã hội nên nay đến tìm hiểu", Nghi nói.

Ở phía đối diện nơi vay lộc là khu vực bán và treo lồng đèn cầu may mắn, phát tài. Có hai loại lồng đèn: phát tài và bình an, được bán với giá khoảng 400.000 - 800.000 đồng. Khách mua lồng đèn sau khi lễ tại tượng Quan Công sẽ treo tại chùa hoặc mang về nhà. Đây là một phong tục phổ biến dịp Nguyên tiêu của cộng đồng người Hoa.

"Tôi đi gần 50 km từ Long An tới chùa, vừa để cúng bái kết hợp tìm hiểu các phong tục của người Hoa", anh Bùi Minh Thái, 32 tuổi nói, trong lúc mua lồng đèn.

Chùa cũng có gian thờ dành riêng cho ngựa Xích Thố, con chiến mã của Quan Công. Sau khi thắp hương đủ các điện, người hành lễ xếp hàng rung chuông, chạm và chui qua bụng ngựa để mong phước lành năm mới.

Quỳnh Trần