13h ở Stockholm, Thụy Điển ngày 10/10 (18h, giờ Hà Nội), Giáo sư Mats Malm - thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển - công bố nhà văn Han Kang thắng giải nhờ các tác phẩm là "những áng văn xuôi mạnh mẽ, đậm chất thơ, đề cập trực diện những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của kiếp người". Bà là người phụ nữ châu Á đầu tiên nhận giải thưởng này.
Chiến thắng của Han Kang làm nức lòng người Hàn. Trên trang cá nhân, Tổng thống Yoon Suk Yeol nhắc lại lời vinh danh của Viện Hàn lâm Thụy Điển dành cho bà và gửi lời chúc mừng: "Tôi xin bày tỏ lòng kính trọng tới tác giả đã nâng tầm vị thế văn học Hàn Quốc. Tôi hy vọng bà tiếp tục nhận được nhiều tình cảm từ độc giả toàn thế giới qua những tác phẩm xuất sắc của mình".
Còn ông Kang Gi Jung - thị trưởng thành phố Gwangju (tỉnh Jeolla Nam), quê hương của bà Han Kang - nói: "Thật tuyệt vời. Trái tim tôi thấy ấm áp. Tôi rất cảm động khi bà đoạt giải Booker Quốc tế và bây giờ là Nobel Văn học".
Ông Kim Young Rok, Thống đốc tỉnh Jeolla Nam, cho biết: "Bà là người Hàn Quốc thứ hai giành Nobel, sau Tổng thống Kim Dae Jung với giải Hòa bình năm 2000. Tôi xin bày tỏ sự ngưỡng mộ sâu sắc dành cho Han Kang. Giải thưởng này là một thành tựu lịch sử, khẳng định chiều sâu và trình độ của văn học Hàn Quốc đạt đẳng cấp thế giới".
Tin tức về Han Kang tràn ngập các trang báo lớn, nhỏ ở Hàn Quốc trong tối 10/10. Trang YNA có bài viết: "Giải Nobel của Han Kang, thế giới đồng cảm những nỗi đau trong lịch sử Hàn Quốc".
Trong bài tường thuật trực tiếp lễ công bố, The Guardian bình luận: "Thật hào hứng vì chiến thắng của Han Kang giờ đây sẽ đưa nhiều độc giả đến với văn học Hàn Quốc. Liệu văn học Hàn có thể trở thành hiện tượng như Kpop?".
Một trong những tác phẩm nổi bật của bà là cuốn Don't Say Goodbye, tiểu thuyết dựa trên sự kiện có thật về vụ thảm sát 10.000 dân thường trên đảo Jeju năm 1948.
Biên tập viên Johakim Schneff của nhà xuất bản Pháp Grasse, đơn vị ấn hành Don't Say Goodbye, cho biết trên Yonhaps News: "Những tiếng hò reo vui sướng vang khắp văn phòng khi chúng tôi nghe tin Kang chiến thắng. Giải thưởng thật bất ngờ, là niềm vui lớn với chúng tôi. Tôi chắc chắn một ngày nào đó Kang sẽ đoạt Nobel nhưng không hề nghĩ rằng đó lại là hôm nay". Cuốn Don't Say Goodbye là tác phẩm văn học Hàn Quốc đầu tiên giành Giải thưởng Medicis danh giá của Pháp.
Còn nhà phê bình Kim Seong Shin của Đại học Touro, Mỹ, nói với AFP: "Tôi cho rằng cô ấy là tiểu thuyết gia Hàn Quốc xứng đáng được trao giải Nobel nhất".
Ca sĩ V của nhóm BTS đăng tin bà đoạt giải lên Instagram, bày tỏ niềm tự hào và cho biết đã đọc cuốn Bản chất của người trong thời gian nhập ngũ.
Cơn sốt săn tác phẩm của nhà văn Han Kang lập tức sục sôi tại các nhà sách ở Hàn và website trực tuyến. Ban quản lý Kyobo - nhà sách lớn nhất nước này, cho biết trên trang Hankyung: "Vì không nghĩ Han Kang giành giải thưởng nên chúng tôi hiện không có nhiều sách của bà. Chúng tôi đang liên hệ với các đơn vị xuất bản". Độc giả liên tục gọi điện, phàn nàn về việc bị nghẽn mạng và không thể đặt sách online.
Theo danh mục tại hai hệ thống nhà sách lớn nhất Hàn Quốc, các cuốn bán chạy của Han Kang lần lượt là: The Vegetarian, A Boy Is Coming, Don't Say Goodbye, Greek Time, tập thơ I Put Dinner in the Drawer, White.
Bà sinh ngày 27/11/1970 ở Gwangju (Hàn Quốc), có cha là tiểu thuyết gia Han Seung Won. Năm 23 tuổi, bà Kang bắt đầu sự nghiệp văn chương khi năm bài thơ của bà được đăng tải trên tạp chí Văn học & Xã hội. Một năm sau, truyện ngắn The Scarlet Anchor của nhà văn đoạt giải nhất trong Cuộc thi Văn học Mùa Xuân Seoul Shinmun. Năm 1995, bà ra mắt tiểu thuyết đầu tay mang tên A Love of Yeosu.
Tên tuổi nhà văn được chú ý khi nhận nhiều giải thưởng danh giá như giải Tiểu thuyết Văn học Hàn Quốc (1999), giải Nghệ sĩ trẻ Ngày nay (2000), giải Văn học Yisang (2005) hay giải Văn học Dongri (2010).
Năm 2016, The Vegetarian - cuốn sách về nhân vật Yeong Hye từ chối ăn thịt trước khi tuyệt thực - của Han Kang trở thành tiểu thuyết tiếng Hàn đầu tiên giành giải Booker Quốc tế, qua bản dịch tiếng Anh của Deborah Smith.
Từ thành công của The Vegetarian, nhà văn nhận sự quan tâm lớn của độc giả thế giới. Tuy vậy, bà cho biết chuộng sự riêng tư và trở lại cuộc sống bình thường không lâu sau khi nhận giải Booker. Bà giữ vai trò giáo sư chuyên ngành viết sáng tạo tại Học viện Nghệ thuật Seoul.
Tại Việt Nam, một số tác phẩm của bà được dịch và giới thiệu đến bạn đọc như: Cuốn Trắng (NXB Hà Nội và Nhã Nam, 2022) - nói về người chị gái mất từ khi mới lọt lòng mà bà chưa từng gặp mặt, Bản chất của người (NXB Hà Nội và Nhã Nam, 2019), Người ăn chay (NXB Trẻ 2011).
Hà Thu (theo Hankyung, YNA)