"Chúng tôi xin lỗi những người dân thường vô tội đã mất", Min Gap-ryong, Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc, hôm nay nói trong lễ kỷ niệm 71 năm của cuộc nổi dậy trên đảo Jeju. "Chúng tôi hứa sẽ trở thành một tổ chức chăm lo và làm việc vì người dân Hàn Quốc để một thảm kịch như vậy sẽ không bao giờ lặp lại trong tương lai".
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng bày tỏ "sự hối tiếc sâu sắc" đối với các nạn nhân, song không đưa ra lời xin lỗi.
Jeju là đảo lớn nhất Hàn Quốc, nằm ở phía tây nam, rộng 73 km, dài 41 km, với dân số hơn 600.000 người. Đây cũng là tỉnh đảo tự trị duy nhất của Hàn Quốc, cách đất liền 120 km.
Ngày 3/4/1948, 1.948 thành viên của đảng Công nhân trên đảo Jeju phát động một cuộc nổi dậy vũ trang, tấn công hàng chục đồn cảnh sát. Vào thời điểm đó, Chiến tranh Triều Tiên chưa xảy ra và bán đảo chưa chính thức bị chia cắt, song hai miền bị chia rẽ sâu sắc về mặt tư tưởng.
Chính quyền Hàn Quốc điều quân đội đến Jeju và nhanh chóng dập tắt cuộc nổi dậy, song các cuộc đụng độ lẻ tẻ vẫn tiếp tục và hơn 10.000 dân thường bị các lực lượng an ninh Hàn Quốc giết trong 6 năm tiếp theo, ngay cả sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc. Tuy nhiên, người Jeju cho biết 30.000 người đã chết.
Vụ thảm sát Jeju vẫn là một vấn đề gây tranh cãi ở Hàn Quốc. Một số trung tâm nghiên cứu có trụ sở tại Jeju và các tổ chức phi chính phủ khẳng định đó là "cuộc kháng chiến của người dân Jeju chống lại sự chia tách lãnh thổ quốc gia và chủ nghĩa đế quốc Mỹ".
Lời xin lỗi của cảnh sát và sự hối tiếc của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc được đưa ra sau khi Tổng thống Moon Jae-in nhiều lần nói về tầm quan trọng của việc điều chỉnh quan điểm lịch sử đúng đắn. Ông nhấn mạnh cuộc đấu tranh giành độc lập chống lại sự cai trị của Nhật Bản là cốt lõi bản sắc dân tộc ở cả hai miền Triều Tiên.
Cố tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun vào năm 2003 đã đưa ra lời xin lỗi đối với các nạn nhân trong vụ thảm sát Jeju.
Huyền Lê (Theo AFP)