Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất trong các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tự sát cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của nhóm người trong độ tuổi 12-39 ở quốc gia này.
Mức sinh tại đây cũng thấp ở mức báo động, với tỷ lệ chỉ 0,8% một năm, tương đương với việc có khoảng 200.000 trẻ em được sinh ra hàng năm. Trong khi đó, tốc độ già hóa nhanh chóng của dân số, số lượng người trẻ chọn sống một mình, từ bỏ hẹn hò, sinh con và kết hôn ngày càng lớn.
Kwon Jun-soo, giáo sư tâm thần học tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, đánh giá Hàn Quốc đang trải qua thực trạng buồn.
Trong nhiều năm qua, nước này đã đạt được sự phát triển vượt bậc về mặt kinh tế. Vượt qua khó khăn, thử thách của đại dịch, Hàn Quốc vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia có GDP cao hàng đầu thế giới.
Trái ngược với mức tăng trưởng kinh tế đáng ngưỡng mộ, trong bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc Liên Hợp Quốc công bố năm 2022, Hàn Quốc xếp thứ 59 trong tổng số 146 quốc gia.
Thứ hạng về hỗ trợ xã hội, lòng khoan dung với người khác và nhận thức tích cực về đất nước cũng đặc biệt thấp. Theo giáo sư Kwon, điều này dường như phản ảnh hiện thực của một xã hội vốn thiếu sự đồng cảm, lòng khoan dung.
Thực tế này cũng trái ngược với lý thuyết thông thường được các học giả trên thế giới đưa ra, rằng hạnh phúc của một người thường liên quan đến tình trạng kinh tế. Hai yếu tố này sẽ tỷ lệ thuận với nhau, nghĩa là càng giàu càng thấy hạnh phúc, vui vẻ hơn.
Matthew Killingsworth, nhà nghiên cứu Trường Wharton, thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) đã tìm hiểu về mối quan hệ giữa tiền bạc và sự vui vẻ.
Chuyên gia đã thu thập và phân tích hơn 1,7 triệu mẫu dữ liệu từ hơn 33.000 người trong độ tuổi từ 18 đến 65 ở Mỹ về cảm xúc của họ với cuộc sống hàng ngày. Kết quả cho thấy tiền có ảnh hưởng đến hạnh phúc cá nhân và người càng có nhiều tiền, càng hạnh phúc.
"Về mặt lý thuyết, việc có thu nhập cao, dư giả về vật chất sẽ giúp bạn ít cảm thấy bị tổn thương về tài chính trong cuộc sống hàng ngày. Bạn có thể dễ dàng mua được những thứ mình mong muốn", giáo sư Kwon nói. Chưa kể, dư giả về tiền bạc còn giảm thiểu được những mối lo về tài chính. Con người cũng có nhiều sự lựa chọn hơn, điều này có thể khiến mọi người sống theo sở thích, giảm bớt gánh nặng và thoải mái hơn.
Nhưng nếu theo nghiên cứu trên, tại sao mức độ hạnh phúc của người Hàn lại thấp đến vậy?
Theo giáo sư Kwon Jun-soo, hầu hết người Hàn nghĩ bản thân không hạnh phúc. Dù giàu hay nghèo, họ đều không hài lòng và luôn bất mãn với địa vị của mình.
Có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này, chẳng hạn như tính cạnh tranh quá khốc liệt trong xã hội. Ngày nay, dưới sự phát triển của mạng xã hội, việc công khai cuộc sống riêng tư càng khiến cho chuyện bị đem ra so sánh trở nên phổ biến, dễ dàng.
Sự bất hòa, mẫu thuẫn giữa người với người trong xã hội ngày càng tăng lên, cùng với đó là sự đố kỵ, thậm chí là căm ghét lẫn nhau cũng khiến cho mức độ hài lòng, hạnh phúc khó xuất hiện trong cuộc sống.
Jang Dayk, nhà nhân chủng học và là giáo sư tại Đại học Gachon, đã chỉ ra hiện tượng này trong cuốn "Radius of Empathy" (Giới hạn của sự đồng cảm). Ông cho rằng vấn đề này nằm ở sự khác biệt về hệ tư tưởng, giới tính, địa vị vốn đã bất hòa và cắm rễ trong xã hội Hàn Quốc.
Với những người chung hoàn cảnh, suy nghĩ, họ có sự đồng cảm, nhưng lại có cái nhìn có phần thù địch với những người khác mình. Jang cho rằng nếu mọi người hiểu cho nhau nhiều hơn, ngay cả với những người không giống mình, vấn đề này sẽ dần được giải quyết.
Bên cạnh đó, nỗi cô đơn cũng là vấn đề nhức nhối tại Hàn Quốc. Bằng chứng là hiện nước này đang ghi nhận gần 10 triệu hộ gia đình chỉ có một người. Đại dịch cũng phá vỡ sự kết nối xã hội vốn đã mong manh. Hơn một nửa số người ở Seoul nói rằng bản thân cảm thấy cô đơn trong cuộc sống hàng ngày, với hơn 64% người ở độ tuổi 50 và hơn 37% ở độ tuổi 30 cảm nhận điều tương tự.
Thực trạng này khiến nhiều quốc gia đã phải nghiêm túc nhìn nhận và bắt đầu giải quyết. Vương quốc Anh đang cố gắng giải quyết vấn đề này bằng cách bổ nhiệm một "bộ trưởng chuyên phụ trách vấn đề cô đơn" của người dân. Trong khi Nhật Bản đã thành lập một cơ quan chính phủ mới chuyên thực hiện các biện pháp chống lại tình trạng cô đơn từ tháng 2/2021.
Theo các nhà xã hội học, giải quyết các vấn đề xã hội, bất hòa để cải thiện hạnh phúc không phải là công việc chỉ của người dân. Nhà nước phải trung thành thực hiện vai trò của mình để tạo ra một xã hội có nguyên tắc và công bằng. Các nghiên cứu đã chỉ ra, ở nhiều nước khi thu nhập bình quân đầu người đạt 40.000 USD, mọi người bắt đầu quan tâm đến chất lượng cuộc sống hay sức khỏe tinh thần. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc đã đạt mốc 35.000 USD và dự kiến sẽ sớm lên 40.000 USD. Nhiều chuyên gia hy vọng khi đó người Hàn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn.
Minh Phương (Theo Koreajoongangdaily)