Đây là một trong những biện pháp được Chủ tịch TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đưa ra tối qua 9/2, nhằm tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Lãnh đạo thành phố đề nghị các trường hợp trên liên hệ với các cơ sở y tế nơi cư trú để được lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
"Mọi người dân phải có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng", lãnh đạo thành phố nêu rõ và yêu cầu chính quyền địa phương xử lý nghiêm các trường hợp không khai báo y tế hoặc khai báo y tế không trung thực.
Ngày 9/2 đã có một trường hợp bệnh nhân ở quận Nam Từ Liêm bị phạt 15 triệu đồng do tiếp xúc với F0 từ 12 ngày trước khi phát bệnh, nhưng không khai báo.
Hà Nội cũng yêu cầu lãnh đạo các cấp ứng trực thường xuyên, không được ra khỏi thành phố để phục vụ công tác phòng, chống dịch khi có chỉ đạo; trường hợp bất khả kháng phải báo cáo cấp có thẩm quyền.
Theo Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, từ khi xảy ra Covid-19 đến nay, Việt Nam luôn chống dịch theo nguyên tắc cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Chính phủ đã giao UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình cụ thể, để quyết định việc cách ly (phong tỏa) một địa điểm "theo diện hẹp", nơi có ca nhiễm Covid-19.
"Vì vậy, ổ dịch (vùng dịch, điểm dịch) có thể là một cụm dân cư, khu chung cư, ngõ phố, khu phố, thôn, bản, xã hoặc rộng hơn là thành phố. Những nơi đã được chính quyền địa phương quyết định phong tỏa mới được coi là ổ dịch", ông Tuyên giải thích.
Thống kê của Bộ Y tế, sau 13 ngày (từ 28/1 đến 9/2) đã ghi nhận 470 ca nhiễm cộng đồng, ở 12 tỉnh thành gồm Hải Dương, Quảng Ninh, TP HCM, Hà Nội, Gia Lai, Bình Dương, Bắc Ninh, Điện Biên, Hòa Bình , Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Giang. Tại các địa phương có ca bệnh, nhiều khu vực đã được phong toả, cách ly, giãn cách xã hội để phòng, chống dịch.
Võ Hải