Chiều 3/2, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid 19 thành phố Hà Nội, trước lo lắng của một số người sống ở Hà Nội có được về các địa phương hay không, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của thành phố, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho hay: "Hà Nội chưa có chuyện cấm, quan trọng là người dân đi như thế nào và thấy có cần thiết phải đi hay không".
Ông cho rằng cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, công khai ca bệnh, các trường hợp F1, F2 để người dân yên tâm. Chủ trương của thành phố về phong toả, cách ly các địa điểm có ca bệnh là "làm càng nhỏ càng tốt", ông Hiền nói và lý giải, nếu có ca bệnh ở chung cư mà cách ly cả toà nhà thì người sinh sống ở đó rất khó khăn.
Khi có ca bệnh, việc đầu tiên là tạm phong toả toà nhà, sau đó trích xuất camera xem trường hợp đó đi lại, tiếp xúc thể nào rồi đưa ra biện pháp quyết định phong toả cả toà hay chỉ tầng, khu vực ca bệnh đó sinh sống. Hiện nhà chức trách đã có quy định phòng, chống dịch ở các chung cư là phải đeo khẩu trang, có dung dịch sát khuẩn, phun khử khuẩn các khu vực chung...
Cùng quan điểm, Phó chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid 19 thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho rằng "phong toả diện rộng thì an toàn cho chúng ta nhưng rất khổ cho người dân". Để thu hẹp được phạm vi phong toả phải truy vết nhanh, kỹ để có cơ sở đưa ra quyết định phạm vi cách ly.
Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid 19 thành phố Hà Nội cũng yêu cầu khi tổ chức phong toả, cách ly phải quan tâm, hỗ trợ đời sống của người dân và cán bộ làm nhiệm vụ khu vực đó. Hà Nội đang phong toả, cách ly 10 khu vực..
Sau những ngày liên tiếp phát hiện ca bệnh, ngày 3/2 chưa có ca bệnh mới nào. Thành phố cơ bản xác định được chuỗi gây bệnh, trong 21 ca bệnh có 20 ca liên quan đến ổ dịch TP Chí Linh, Hải Dương và một ca liên quan đến ổ dịch sân bay quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh, ông Dũng nói.
Rà soát các trường hợp về từ hai vùng dịch nói trên, nhà chức trách phát hiện trên 17.000 người. Việc lấy mẫu xét nghiệm đã hoàn thành, trong đó có 4 ca dương tính, các trường hợp còn lại âm tính.
Ông Dũng khuyến cáo dịch đợt này nguy cơ cao hơn các đợt trước do virus lây lan nhanh, tỷ lệ F1 thành F0 cao hơn. Bên cạnh đó một số ca F0 ở Hải Dương và Quảng Ninh chưa truy được nguồn lây, nên nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng vẫn hiện hữu.
Ban chỉ đạo đã tham mưu, dự thảo xong chỉ thị mới về phòng, chống dịch Covid 19 và trình Chủ tịch Hà Nội xem xét. Trong đó có nhiều quy định cụ thể về phòng, chống dịch để người dân và các đơn vị liên quan dễ thực hiện.
Đề xuất dừng phố đi bộ Hồ Gươm từ 5/2
Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong đề nghị thành phố cho tạm dừng hoạt động không gian đi bộ Hồ Gươm từ 5/2. Những ngày mở phố đi bộ Hồ Gươm gần đây do lo ngại dịch và gần Tết nên có rất ít người đến vui chơi, thăm quan, có những thời điểm chỉ có 20-30 người.
Lãnh đạo Hoàn Kiếm cđề xuất, nếu thành phố tổ chức điểm bắn pháo hoa duy nhất đêm Giao thừa tại khu vực Hồ Gươm thì cho quận tổ chức cấm không để người dân tụ tập đông người xem trực tiếp.
Cũng liên quan đến các đề xuất phòng, chống dịch, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Hà kiến nghị với vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, chỉ cho hoạt động 50% công suất chở. Mỗi xe không quá 20 khách và khoảng cách một khách cách nhau 1 mét.
Võ Hải