Đợt thanh toán tiền điện tháng 10 này, cùng với hóa đơn thông thường, chị Phạm Thị Hiền (ngõ 11 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) còn thấy kèm biên nhận thanh toán được in từ thiết bị POS. Dù đã nghe qua thông tin về việc áp dụng hóa đơn điện tử với tiền điện từ cuối năm, song đây là lần đầu tiên chị Hiền, cùng nhiều hàng xóm khác tận mắt nhìn thấy loại hóa đơn này.
Hóa đơn điện tử được in trực tiếp từ POS của nhân viên thu tiền điện. Ảnh: Nhật Minh |
Trao đổi với VnExpress, đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết từ tháng 11 tới, đơn vị này sẽ chính thức thay thế hóa đơn giấy tại 8 quận trên địa bàn thành phố, cho hơn 740.000 khách hàng. Trước đó, Tổng công ty đã tiến hành thử nghiệm với khoảng 130.000 khách hàng tại 2 quận Cầu Giấy và Hoàng Kiếm từ tháng 9/2013 và bắt đầu áp dụng song song 2 loại hóa đơn cho 8 quận từ tháng 10/2014.
Đến hết năm nay, đơn vị này dự kiến sẽ có khoảng 1,3 triệu khách hàng tại Hà Nội sử dụng hóa đơn tiền điện điện tử, sau khi áp dụng thêm cho 6 huyện của thành phố. "Hóa đơn điện tử cho phép lưu thông tin trực tuyến trên hệ thống và người dân có thể lấy hóa đơn bất cứ khi nào cần. Khách hàng cũng có thể lựa chọn các hình thức và thanh toán một cách chủ động, qua ngân hàng hoặc tổ chức thanh toán... chứ không phải chờ nhân viên đến thu", Phó tổng giám đốc EVN Hà Nội - Nguyễn Quang Trung cho biết.
Tuy vậy, việc áp dụng hình thức hóa đơn mới cũng gây ra những thắc mắc từ phía người dân. “Trước mắt tôi thấy hóa đơn mới nhỏ gọn hiện đại, việc thu tiền chắc chắn thuận tiện hơn trước nhưng liệu máy POS có thể tích hợp được các chức năng ghi chỉ số công tơ tự động hoặc người dân có thể trả tiền bằng thẻ tín dụng hay không. Chưa kể mức độ chính xác của thiết bị, ai sẽ là người kiểm chứng”, chị Hiền hoài nghi.
Liên quan đến những câu hỏi nêu trên, ông Nguyễn Xuân Thắng – Trưởng Ban kinh doanh EVN Hà Nội khắng định máy POS chỉ có các chức năng phục vụ công tác thu tiền điện chứ không thay thế cho nhân viên ghi chỉ số công tơ. Vì vậy, ngành điện vẫn phải duy trì lực lượng này.
“Tuy nhiên, khi sử dụng thiết bị POS rộng rãi, ngành điện chắc chắn sẽ giảm được số lượng đáng kể nhân viên thu tiền điện tại nhà. Đây cũng là một trong những điểm tích cực mà hóa đơn điện tử đem lại cho ngành”, ông Thắng cho hay.
Trong tháng 10, khách hàng sẽ được nhận song song 2 loại hóa đơn tiền điện mới (trái) và cũ. Ảnh: Nhật Minh |
Nói về mức độ chính xác của các thông số trên hóa đơn điện tử, ông Thắng cho biết loại hóa đơn này đảm bảo độ chính xác như hóa đơn thông thường. Riêng chức năng thanh toán tiền điện bằng cách thẻ tín dụng, thẻ debit... trên thiết bị đang được hoàn thiện và cho thí điểm trên hệ thống.
Trước lo lắng về khả năng hóa đơn điện tử vẫn có thể làm giả, lãnh đạo EVN Hà Nội khẳng định người mua điện có thể yên tâm vì ngoài hệ thống bảo mật, máy POS còn có ký hiệu chống làm giả. Cụ thể như kiểm soát mật khẩu của nhân viên thu ngân, ngành cũng có một số quy định về giao nhận dữ liệu thiết bị…
“Trên thực tế sau hơn một năm áp dụng thí điểm hóa đơn điện tử trên một số địa bàn của thành phố vẫn chưa xảy ra trường hợp giả hóa đơn tiền điện nào”, Trưởng ban Kinh doanh EVN Hà Nội nhấn mạnh.
Từ chối tiết lộ về chi phí đầu tư thiết bị POS, nhưng đại diện EVN Hà Nội thừa nhận nguồn vốn đầu tư cũng chính là một trong những khó khăn lớn mà EVN Hà Nội gặp phải khi triển khai kế hoạch hóa đơn điện tử. "Rất may chúng tôi có sự hỗ trợ nhiệt tình từ các ngân hàng thương mại liên kết, nên chắc chắn không có gì ảnh hưởng đến kế hoạch trong thời gian tới”, lãnh đạo EVN Hà Nội chia sẻ.
Thành Tâm